Thổ sâm (Talinum paniculatum (Jacq.) Gaertn.) và Thổ sâm ba cạnh (Talinum triangulare (Jacq.) Willd.) đều thuộc họ Sâm mùng tơi (Talinaceae). Hai loài này thường bị nhầm lẫn khi thu hái hoặc gieo trồng và đều được gọi là Thổ sâm, Sâm đất, Thổ sâm Cao Ly. Thổ sâm ba cạnh mọc hoang hoặc trồng trong vườn nhà làm rau ăn, còn Thổ sâm thường được trồng làm thuốc. Thành phần hóa học chính trong rễ của cây Thổ sâm tương tự với Nhân sâm Trung Quốc và Hàn Quốc (Catthareeya và cs., 2013) vì vậy mà được mệnh danh là sâm cho người nghèo. Được sự tài trợ kinh phí thông qua đề tài cấp Học viện, nhóm tác giả đã tiến hành nghiên cứu đặc điểm hình thái và vi phẫu để phân biệt hai loài có họ hàng gần gũi dễ bị nhầm lẫn này. 

leftcenterrightdel

Hình 1. Thổ sâm ba cạnh (a) và Thổ sâm (b)

Kết quả nghiên cứu hình thái cho thấy, Thổ sâm có vỏ rễ màu nâu đen, bóng nhẵn, còn Thổ sâm ba cạnh có vỏ rễ màu nâu vàng và sần sùi hơn. Lá Thổ sâm có chóp nhọn hoặc tù, mép lá nguyên hoặc lượn sóng, trong khi lá Thổ sâm ba cạnh có chóp lõm, mép lá nguyên. Thổ sâm và Thổ sâm ba cạnh khác biệt rõ ràng nhất ở đặc điểm hoa và cụm hoa. Mặc dù hai loài đều có cụm hoa mọc ở đỉnh thân nhưng cụm hoa Thổ sâm phân nhánh nhiều, có dạng chùy kép, dài từ 30 – 40 cm, cuống cụm hoa mảnh, tiết diện hình tròn. Trong khi, cụm hoa Thổ sâm ba cạnh phân nhánh ít, có dạng xim, dài từ 10 – 25 cm, cuống của cụm hoa mập, tiết diện hình tam giác. Hoa Thổ sâm nở vào 3 – 4h chiều, đường kính hoa chỉ 0,8 – 1mm, còn hoa Thổ sâm ba cạnh nở vào 9 – 10h sáng, đường kính hoa lên đến 15 – 19mm. Quả Thổ sâm có dạng quả nang, hình cầu, vỏ mỏng, màu nâu đỏ khi chín, đường kính 2 – 3mm. Quả Thổ sâm ba cạnh lại có dạng hình trứng, màu trắng kem với vệt màu nâu đỏ khi chín, vỏ dày, cứng, đường kính 4 – 5mm. Thổ sâm chỉ có từ 8 – 18 hạt/quả, còn Thổ sâm ba cạnh có 21 – 56 hạt/quả. 

leftcenterrightdel

Hình 2. Hình thái hoa, quả và hạt của Thổ sâm (a) và Thổ sâm ba cạnh (b)

(1 ô li nhỏ = 1 mm)

Về cấu trúc vi phẫu, rễ Thổ sâm có tỷ lệ nhu mô vỏ/trụ lớn hơn so với Thổ sâm ba cạnh. Cấu tạo lá Thổ sâm có nhu mô bao quanh bó dẫn ở gân chính hình bầu dục. Trong khi, ở lá Thổ sâm ba cạnh nhu mô bao quanh bó dẫn có hình tròn.

leftcenterrightdel

Hình 3. Lát cắt ngang qua rễ củ Thổ sâm (a) và Thổ sâm ba cạnh (b)

(1) chu bì, (2) nhu mô vỏ, (3) libe thứ cấp, (4) tượng tầng, (5) gỗ thứ cấp

leftcenterrightdel

Hình 4. Lát cắt ngang qua lá Thổ sâm (a) và Thổ sâm ba cạnh (b)

(1)   Phiến lá, (2) gân lá, (3) bó gỗ, (4) bó libe

 

BAN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ