Nhằm xây dựng mô hình Điện mặt trời kết hợp nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh Ninh Thuận sẽ phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Tập đoàn Trung Nam triển khai một số dự án chăn nuôi bò chất lượng cao kết hợp với điện mặt trời.
UBND tỉnh Ninh Thuận hy vọng mô hình điện mặt trời kết hợp nông nghiệp sẽ tối ưu hóa được tài nguyên đất đai và nhu cầu sử dụng điện tại chỗ, giúp Ninh Thuận không phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ bên ngoài, giảm thiểu xung đột đất đai và giảm được vốn đầu tư dùng vào xây dựng những nhà máy điện công suất lớn sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Theo đó, tỉnh sẽ lựa chọn và xây dựng 5-7 mô hình trồng trọt có hiệu quả kinh tế cao phát triển tốt dưới hệ thống pin năng lượng mặt trời; phát triển chăn nuôi bò, chăn nuôi cừu chất lượng cao ứng dụng công nghệ cao khu vực pin mặt trời nhằm tăng thu nhập và tạo sinh kế cho người dân trong vùng, từng bước xây dựng thương hiệu thịt bò Trung Nam.
Tinh Ninh Thuận chủ trưởng xây dựng mô hình sản xuất cỏ cho chăn nuôi bò và cừu với quy mô khoảng 10ha tại khu vực Thuận Bắc.
Theo đánh giá, hệ thống pin mặt trời sẽ tạo bóng râm giúp giảm bức xạ mặt trời, giảm stress nhiệt cho cừu.
|
|
Đại diện UBND tỉnh Ninh Thuận, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Tập đoàn Trung Nam ký biên bản hợp tác. |
Dưới hệ thống pin năng lượng mặt trời có thể trồng nhiều loại cỏ khác nhau có chiều cao khác nhau phù hợp với dinh dưỡng của cừu nên hoàn toàn có thể chủ động được nguồn thức ăn xanh chất lượng tốt cho cừu. Nước tưới cỏ hoàn toàn có thể nhờ vào nước rửa pin mà không cần tưới.
Do đó, mô hình sẽ tăng hiệu quả kinh tế (chỉ tình từ chăn nuôi cừu) từ 20-30% so với hiện tại. Hệ thống kết hợp sẽ thu được nguồn lợi từ điện mặt trời, sản phẩm cừu, thịt cừu chất lượng cao, giảm xói mòn đất, cải tạo đất, tạo mô hình sản xuất công nông nghiệp bền vững.
Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận cũng đặt mục tiêu cải tạo và nhân nhanh đàn bò lai Wagyu, Senepol/Brahman gắn liền với trồng cỏ làm thức ăn dưới hệ thống pin năng lượng mặt trời.
Hệ thống pin mặt trời sẽ tạo bóng râm giúp giảm bức xạ mặt trời, giảm stress nhiệt cho các giống bò. Do đó, có thể đưa các giống bò chất lượng cao như Wagyu, Senepol vào nuôi. Việc đưa các giống bò chất lượng cao vào nuôi tại Ninh Thuận sẽ tăng hiệu quả kinh tế cao hơn 30-40% so với truyền thống.
Để thực hiện được các dự án này, UBND tỉnh Ninh Thuận vừa ký biên bản hợp tác 3 bên với Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Tập đoàn Trung Nam với tổng kinh phí khoảng 11 - 17 tỷ đồng.
GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: Kết hợp năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp là mô hình sử dụng đất kết hợp có chủ đích đối với hoạt động phát điện mặt trời và sản xuất nông nghiệp (bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản) nhằm giảm nhẹ xung đột sử dụng tài nguyên đất và mang lại lợi ích kinh tế xã hội lớn hơn so với ứng dụng đơn lẻ.
Hơn nữa, mô hình kết hợp trồng trọt và năng lượng mặt trời sẽ tạo cảnh quan đẹp phục vụ du lịch, tạo nguồn thu kép từ pin năng lượng mặt trời. Cây trồng kết hợp pin mặt trời sẽ góp phần làm tăng độ màu của đất, giảm xói mòn, giúp cho phát triển bền vững vùng đất khô và nóng như Ninh Thuận.
|
|
Tỉnh Ninh Thuận muốn xây dựng mô hình trồng trọt, chăn nuôi dưới pin năng lượng mặt trời. Ảnh: I.T |
Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, đánh giá rất cao thỏa thuận hợp tác lần này. Theo ông, đề án phát triển trồng trọt, chăn nuôi dưới pin năng lượng mặt trời rất phù hợp với định hướng phát triển năng lượng tái tạo, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đẩy mạnh hoạt động du lịch của tỉnh Ninh Thuận.
Ông Vĩnh cũng kỳ vọng, kết hợp phát triển năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp hiệu quả sẽ là giải pháp khả thi, giúp Ninh Thuận không phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ bên ngoài, giảm thiểu xung đột đất đai và giảm được vốn đầu tư dùng vào xây dựng những nhà máy điện công suất lớn sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Ông Nguyễn Tâm Thịnh – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trung Nam cam kết cùng với Học viện Nông nghiệp Việt Nam xây dựng thành công mô hình sinh lợi kép Điện mặt trời kết hợp nông nghiệp công nghệ cao tại Ninh Thuận. Mô hình điện mặt trời kết hợp nông nghiệp tối ưu hóa được tài nguyên đất đai và nhu cầu sử dụng điện tại chỗ.
Khi Đề án được triển khai, sẽ đưa ra một trong những giải pháp phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt tại các vùng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
https://danviet.vn/