Để xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả và bền vững cần tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Hơn 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng nhanh và ổn định trong một thời gian dài, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực. 

Với lịch sử 60 năm phát triển, Học viện nông nghiệp Việt Nam không chỉ là cái nôi đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp, mà còn là trung tâm nghiên cứu đa ngành về lĩnh vực nông nghiệp - phát triển nông thôn với các nghiên cứu được triển khai từ cơ bản đến ứng dụng. Điều đó thể hiện qua số lượng các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và kinh phí phục vụ cho nghiên cứu khoa học của Học viện qua các năm: Từ 612 nhiệm vụ giai đoạn 2000 - 2005 lên đến 1065 nhiệm vụ giai đoạn 2011 - 2015, với tổng kinh phí trên 311 tỷ đồng (trong đó đề tài hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học bình quân khoảng 120 đề tài/năm).

Trong lĩnh vực Nông học, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) là cơ quan khoa học nông nghiệp chọn tạo thành công giống lúa lai hai dòng đầu tiên ở Việt Nam và đã chuyển nhượng bản quyền nhiều công nghệ cho các công ty trong và ngoài nước như: giống lúa lai Việt Lai 20; giống lúa lai TH3-4; giống lúa lai hai dòng TH3-5; giống lúa lai 3 dòng CT16; phân viên nén NK và NPK; phân bón lá Pomior, đặc biệt là giống lúa lai TH3-3 được chuyển nhượng với giá kỷ lục 10 tỷ đồng vào năm 2008.

Chuyển giao công nghệ đã thực sự đem lại những thay đổi trong sản xuất nông, lâm nghiệp của địa phương, góp phần giúp các địa phương đạt tiêu chí về tăng thu nhập của người dân trong vùng. Những sản phẩm được chuyển giao, ứng dụng rộng khắp vào sản xuất thực tiễn tại các địa phương như: 9 giống lúa thuần (NV1, NV2, N91, ĐH6, Hương cốm, Hương Cốm 3, Hương Cốm 4, T65, Bắc Thơm số 7 kháng bệnh bạc lá); 13 giống lúa lai (Việt lai 20, Việt Lai 24, Việt Lai 50; TH3-3, TH3-4, TH3-5, TH3-7, TH8-3, TH7-2, TH7-5, TH17, CT16, HQ19); Bộ giống ngô nếp lai (HUA601, HUA518, MH6, MH8, VNUA86, VNUA 9, ngô lai VNUA 815 lá đứng, giống ngô nếp tím NT141; 1 giống đậu tương (D140); các giống cà chua thương hiệu HT (5 giống công nhận chính thức là HT7, HT21, HT42, HT160, HT144 và 2 giống công nhận sản xuất thử); 2 giống đu đủ (VNĐĐ9 và VNĐĐ10); 2 giống hoa cẩm chướng mới (Hồng Hạc, Hồng Ngọc) và giống hoa Lan Huệ có hoa hình tam giác, cánh bán kép (8-9 cánh/bông), cánh hoa xếp cân đối.

Tính từ năm 2001, Học viện có 11 quy trình công nghệ được công nhận quốc gia gồm: Quy trình sản xuất khoai tây sạch bệnh, nhân nhanh giống dứa cayen, nhân giống và nuôi giống Lan Hồ Điệp, hoa đồng tiền bằng công nghệ nuôi cấy mô; Quy trình quản lý tổng hợp (IPM) nhện gié hại lúa ở Việt Nam; Biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) đối với Bọ hà Cylas formicarius F. hại cây khoai lang; Biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây khoai tây ở Đồng bằng sông Hồng; Sản phẩm phân bón mới: Phân đm phân bón mới:  dịch hại tổng hợp (IPM) trn; Sản phẩm phân bón lá Pomior P-198; Pomior P-289; Pomior P-389; Pomior P203H;  Hệ thống thiết bị và quy trình sản xuất giống khoai tây bằng phương pháp khí canh được trao bằng độc quyền giải pháp hữu ích; và nhiều quy trình kỹ thuật, chế phẩm sinh học đang được thử nghiệm như: KIT ELISA chẩn đoán virus vàng lụi lúa (RYSV); chế phẩm sinh học KIVICA, KIVIVA điều khiển quá trình chín của quả Vải, Nhãn, Dứa, Cam… nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng bảo quản.

 

Sản xuất giống khoai tây bằng phương pháp khí canh


Trong lĩnh vực Chăn nuôi - Thú y, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được áp dụng thành công trong sản xuất như: Giống lợn Piétrain kháng stress được đưa vào danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất kinh doanh ở Việt Nam; 02 tổ hợp lai gà Hồ lai với gà Lương phượng dễ nuôi, lớn nhanh, hợp thị hiếu người tiêu dùng; KIT chẩn đoán nhanh bệnh tai xanh trên lợn tại Việt Nam (2-5 phút); Chế phẩm vi sinh vật hữu hiệu EMINA xử lý môi trường trong chăn nuôi; Quy trình xử lý rơm tươi bằng urê làm thức ăn cho trâu, bò; vắc xin tai xanh vô hoạt nhũ dầu; vắc xin phòng bệnh còi cọc ở lợn con; vắc xin care phòng bệnh sài sốt chó; vắc xin phòng bệnh đậu dê; vắc xin dịch tả vịt; công nghệ đệm lót sinh học trong chăn nuôi an toàn dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

 

Gà Hồ lai gà Lương Phượng

Giống lợn Piétrain kháng stress


Trong lĩnh vực Cơ khí, 01 tiến bộ kỹ thuật được bảo hộ độc quyền sáng chế đó là máy cắt và xếp hom sắn giống theo trật tự đầu đuôi; 02 Hệ thống máy đạt Cúp vàng Techmart (hệ thống máy canh tác sắn, đạt cúp vàng Techmart 2009; hệ thống máy gặt đập liên hợp đa năng, đạt cúp vàng Techmart 2012); các loại máy ấp trứng gia cầm...

 

Máy gặt đập liên hợp đa năng

 

Bên cạnh đó, Học viện còn là địa chỉ tin cậy tư vấn cho các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, doanh nghiệp trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc trong khoa học nông nghiệp như: Giải trình tự và xác định virus lùn sọc đen trên lúa ở Việt Nam; giải trình tự full gene của chủng Virus tai xanh phân lập tại Việt Nam; …

Ngoài các sản phẩm khoa học công nghệ phục vụ yêu cầu thực tiễn sản xuất, Học viện còn công bố nhiều công trình nghiên cứu trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước, trong đó giai đoạn 2010-2014, Học viện là 1 trong 20 tổ chức ở Việt Nam có số lượng công bố quốc tế cao nhất.

Với những thành tích xuất sắc đạt được, Học viện đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng như Huân chương độc lập hạng nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, đơn vị Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, xứng đáng là một cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, một trung tâm khoa học công nghệ của đất nước, một trường đại học trọng điểm quốc gia./.