Trong những năm qua, đội ngũ các nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều thành tựu đáng nổi bật trong lĩnh vực chăn nuôi - thú y tại nước ta. Các nghiên cứu đã phát hiện và khống chế thành công nhiều loại dịch bệnh trên động vật nuôi trong nước, ngăn ngừa xâm nhập nhiều bệnh mới nổi vào Việt Nam, góp phần bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, đồng thời hạn chế lây truyền bệnh từ động vật sang người…
|
|
Đội ngũ cán bộ, viên chức công tác tại Phòng thí nghiệm Trọng điểm Công nghệ sinh học Thú y |
Ngày 26/11 vừa qua, tại tỉnh Ibaraki (Nhật Bản), Hội đồng Nghiên cứu Nông-lâm-ngư nghiệp (AFFRC) thuộc Bộ Nông-lâm-ngư nghiệp Nhật Bản đã trao “Giải thưởng quốc tế Nhật Bản năm 2019 cho các nhà nghiên cứu nông nghiệp trẻ” cho nhà khoa học Mai Thị Ngân - giảng viên Bộ môn vi sinh vật truyền nhiễm, khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhờ công trình nghiên cứu phát triển phương pháp nhân gen đẳng nhiệt và hệ thống gộp mẫu trong chẩn đoán virus dịch tiêu chảy cấp ở lợn một cách đơn giản, chính xác và tiết kiệm.
|
|
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam chúc mừng nhà khoa học Mai Thị Ngân (Ảnh: Vietnam+) |
Khi bắt đầu công trình nghiên cứu, cô Mai Thị Ngân đã sử dụng phương pháp xét nghiệm phổ biến hiện nay là PCR. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi chi phí nghiên cứu rất cao. Trong lúc chưa tìm được kinh phí cho hoạt động nghiên cứu, cô đã tìm đến với phương pháp nhân gen đẳng nhiệt. Đây là phương pháp đơn giản, có chi phí thấp và rất dễ áp dụng trong thực tiễn, đồng thời có thể áp dụng cho việc chẩn đoán nhiều loại bệnh dịch trên gia súc, gia cầm do các loại virus hoặc vi khuẩn khác gây ra.
Bên cạnh đó, tháng 02 năm 2019, tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các nhà khoa học của Phòng thí nghiệm Trọng điểm Công nghệ sinh học Thú y đã giải trình tự thành công gen của virus gây bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang trong quá trình nghiên cứu vắc-xin phòng bệnh. Dựa trên kết quả khảo nghiệm vắc-xin do Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu, so sánh giữa các lô lợn thí nghiệm có tiêm vắc-xin và không tiêm vắc-xin đã nhận thấy sự khác biệt rõ ràng về bệnh lý, virus lâm sàng, nhiệt độ cũng như mức độ tiêu tốn thức ăn. Tổng thể kết quả ngăn ngừa virus Dịch tả lợn châu Phi của vắc-xin là có triển vọng, đạt tỷ lệ bảo hộ hơn 70%.
|
|
Những tín hiệu khả quan khi khảo nghiệm vắc-xin phòng bệnh Dịch tả lợn châu Phi do Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu |
Trước thực trạng bệnh động vật đang có nhiều diễn biến ngày càng phức tạp và nguy hiểm, đòi hỏi các nhà khoa học trong ngành Thú y nói chung và các nhà khoa học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam nói riêng phải đẩy mạnh nghiên cứu, hợp tác sâu rộng với các nước có nền khoa học tiên tiến trên thế giới, đề xuất các biện pháp kỹ thuật bảo đảm khoa học, hợp lý và phù hợp với bối cảnh nước nhà, để ngăn chặn bệnh dịch cũng như thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự phát triển của lĩnh vực chăn nuôi – thú y.
Lan Hương – TT QHCC&HTSV