Thuộc chương trình chào mừng “Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam”, với mục đích tạo diễn đàn học thuật để các nhà giáo, nhà khoa học thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam trao đổi nội dung lý luận khoa học và thực tiễn công tác sở hữu trí tuệ tại Học viện, ngày 16/5/2017 Khoa Lý luận Chính trị và Xã hội phối hợp với Ban Khoa học và Công nghệ, Khoa Nông học và Khoa Công nghệ sinh học tổ chức thành công Hội thảo “Sở hữu trí tuệ: từ lý luận đến thực tiễn tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam”. PGS.TS Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện tới dự và phát biểu khai mạc Hội thảo. Ngoài ra còn sự tham gia của đại diện và đông đảo các nhà khoa học, nhà giáo thuộc các đơn vị phối hợp tổ chức Hội thảo, đặc biệt là các học giả viết bài tham luận, báo cáo tại Hội thảo.

 

PGS.TS Phạm Văn Cường, Phó giám đốc Học viện tới dự và phát biểu khai mạc Hội thảo

 

Trong quá trình chuẩn bị nội dung Hội thảo, Ban tổ chức nhận được 10 tham luận từ các nhà khoa học, nhà giáo của 04 đơn vị thuộc Học viện. Trong đó 07 tham luận đề cập đến nội dung lý luận khoa học về quyền sở hữu trí tuệ, phần còn lại là các tham luận đề cập đến nội dung thực tiễn của chủ đề. Tuy số lượng tham luận về nội dung thực tiễn không nhiều nhưng đã có những chia sẻ đầy đủ và sâu sắc thông qua tham luận của “nhà khoa học thực tiễn của nông dân” giầu kinh nghiệm như nhà giáo nhân dân, anh hùng lao động, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm thuộc Viện Nghiên cứu và phát triển cây trồng – Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Tại Hội thảo, các tham luận “Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại theo Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam”, “Quyền tác giả theo quy định của pháp luật Việt Nam” (trong trường đại học), “Một số phương pháp định giá tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước theo pháp luật hiện hành”, “Chuyển giao khoa học công nghệ lĩnh vực chọn tạo giống lúa” và “Bài học kinh nghiệm từ việc đăng ký cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích” được trình bày. Sau đó, diễn đàn trở nên sôi nổi với hơn 20 lượt câu hỏi, trao đổi, bình luận của các nhà giáo, nhà khoa học tham gia. Trong số đó có hai vấn đề nhận được sự quan tâm rộng rãi và sâu sắc đó là: (1) quyền tác giả đối với giáo trình, bài giảng và công trình khoa học khác và (2) sở hữu trí tuệ trong nông nghiệp gắn với thương mại hóa, định giá quyền sở hữu trí tuệ.

Đối với nội dung về quyền tác giả, Hội thảo đi đến nhận thức chung rằng, các nhà giáo, nhà khoa học là tác giả, Học viện là chủ sở hữu quyền tác giả đối với giáo trình, bài giảng do nhà học, nhà giáo đăng ký biên soạn với Học viện; các nhà khoa học cần thực hiện đúng nguyên tắc trích dẫn tài liệu trong các công trình nghiên cứu, kể cả trích dẫn các công trình nghiên cứu đã công bố trước đó của chính mình; các nhà giáo, nhà khoa học chỉ được sao (photo) giáo trình, bài giảng, công trình khoa học của nhà giáo, nhà khoa học khác phục vụ hoạt động nghiên cứu, hoạt động giang dạy; các cửa hàng, sinh viên sao (photo) giáo trình, bài giảng mà chưa có sự đồng ý của chủ sở hữu và tác giả là sai phạm; Học viện nên thực hiện giải pháp để người học dễ dàng tiếp cận được giáo trình, bài giảng phục vụ học tập nhưng vẫn bảo đảm quyền của chủ sở hữu và tác giả đối với tác phẩm.

Đối với nội dung sở hữu trí tuệ trong nông nghiệp, Hội thảo đi đến nhận thức chung rằng, việc xây dựng thương hiệu. nhãn hiệu, tên thương mại hay chỉ dẫn địa lý… đối với sản phẩm nông nghiệp là quan trọng, cần thiết và có đem lại nhiều lợi ích cho người sản xuất, cho ngành khi nhiều nông sản của Việt Nam có lợi thế so sánh với nông sản nước ngoài; khác với quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm nghiên cứu của nhà khoa học cần phải được đăng ký theo quy trình pháp lý nhất định; sản phẩm khoa học được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ dễ dàng được thương mại hóa bởi độ tin cậy của nó đối với các nhà sản xuất nhận chuyển giao kết quả nghiên cứu; trong quá trình chuyển giao, thực hiện thương mại hóa kết quả nghiên cứu của mình, các nhà khoa học cần quan tâm tiếp cận các phương pháp định giá phù hợp và sử dụng nguồn tài chính này tái tạo lại sức lao động, sáng tạo của nhà khoa học và cộng sự để phát triển tiếp hoạt động nghiên cứu, chuyển giao.

Xuất phát từ sáng kiến của nhóm giảng viên bộ môn Pháp luật, Hội thảo “Sở hữu trí tuệ: từ lý luận đến thực tiễn tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam” đã thành công khi đem đến nhận thức chung cả về lý luận và thực tiễn về chủ đề đối với các nhà khoa học, nhà giáo đang hoạt động trong lĩnh vực khoa học giáo dục và khoa học nông nghiệp tại Học viện. Mặt khác, Hội thảo còn thành công khi gợi ra một số nội dung về chủ đề sở hữu trí tuệ cần tiếp tục được trao đổi tại các diễn đàn khác.

Một số hình ảnh tại Hội thảo: