Quần đảo Nam Du nằm về phía Đông Nam đảo Phú Quốc trong vịnh Thái Lan, cách bờ biển Rạch Giá 65 hải lý, có toạ độ địa lý trung tâm: 9°41′8″ vĩ độ Bắc, 104°20′47″ kinh độ Đông. Quần đảo nằm dưới sự quản lý của xã đảo An Sơn và xã đảo Nam Du thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Quần đảo có diện tích khoảng 10,54km2 gồm 21 đảo lớn nhỏ, trong đó đảo Nam Du có diện tích lớn nhất khoảng 4,4km2. Do nằm về phía Tây Nam của Tổ quốc nên quần đảo Nam Du có vị trí địa lý vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng biển đảo nước ta. Khu vực này nằm trên đường hàng hải quốc tế nối giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, rất giàu có về nguồn tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, khí đốt và tài nguyên sinh vật, tuy vậy các nghiên cứu về vùng biển quần đảo này chưa nhiều. Các công trình nghiên cứu về đa dạng sinh học và nguồn lợi sinh vật biển tại quần đảo Nam Du từ trước đến nay còn ít, chính vì vậy nhóm tác giả đã tiến hành nghiên cứu đánh giá hiện trạng nguồn lợi rong biển phân bố tại vùng biển ven quần đảo này.
|
|
Sơ đồ các trạm điều tra, khảo sát |
Các kết quả nghiên cứu về thành phần loài rong biển phân bố tại vùng biển ven quần đảo Nam Du, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang trong 4 chuyến điều tra khảo sát của ba năm từ 2017-2019, một phần đã được công bố, trong đó ghi nhận được tổng cộng 96 loài rong biển thuộc 51 chi, 35 họ, 20 bộ của 4 ngành rong. Thành phần loài đa dạng nhất thuộc về ngành rong Đỏ (Rhodophyta) với 44 loài (chiếm 45,83% tổng số loài được xác định); tiếp đến là ngành rong Lục (Chlorophyta) với 25 loài (chiếm 26,04%); ngành rong Nâu (Ochrophyta) với 23 loài (chiếm 23,96%) và thấp nhất là ngành rong Lam (Cyanobacteria) với 4 loài (chiếm 4,17%).
|
|
Tỉ lệ thành phần loài rong biển giữa các ngành rong |
Trong tổng số 20 bộ rong biển được xác định, bộ rong lông hồng (Ceramiales) có số loài được xác định nhiều nhất với 14 loài (chiếm 14,58% tổng số loài); tiếp đến là bộ rong võng (Dictyotales) và bộ rong lông chim (Bryopsidales) cùng xác định được 11 loài (cùng chiếm 11,46%); bộ rong lông cứng (Cladophorales) xác định được 10 loài (chiếm 10,42%); bộ rong nâu (Fucales) và bộ rong san hô (Corallinales) cùng xác định được 9 loài (cùng chiếm 9,38%); bộ rong cạo (Gigartinales) xác định được 6 loài (chiếm 6,25%); 13 bộ còn lại có 26 loài, mỗi bộ xác định được từ 1-4 loài, trung bình đạt 2 loài/bộ (chiếm 27,08% tổng số loài).
Trong 35 họ rong biển, họ rong tùng tiết (Rhodomelaceae) có số loài được xác định nhiều nhất với 12 loài (chiếm 12,5% tổng số loài); tiếp đến là họ rong võng (Dictyotaceae) 11 loài (chiếm 11,46%); họ rong mơ (Sargassaceae) 9 loài (chiếm 9,38%); họ rong thạch (Lithophyllaceae) 6 loài (chiếm 6,25%); họ rong lông cứng (Cladophoraceae) 5 loài (chiếm 6,25%). Các họ còn lại xác định được từ 1 đến 4 loài, trong đó 24 họ chỉ xác định được từ 1-2 loài/họ.
Trong tổng số 51 chi rong biển được xác định, các chi có số loài rong biển được xác định nhiều bao gồm: chi rong thạch lựu Amphiroa (6 loài), chi rong mơ Sargassum (5 loài), chi rong quạt Padina (4 loài), chi rong tóc Chaetomorpha (4 loài), chi rong guột Caulerpa (4 loài), chi rong vú bò Laurencia (4 loài), chi rong loa Tubinaria (4 loài)… Các chi rong biển còn lại xác định được từ 1-3 loài/chi, trong đó 25 chi chỉ xác định được 1 loài.
|
|
Rong loa cùi bắp cạnh (Turbinaria decurrens) |
Kết quả đánh giá độ phủ rong biển tại các trạm khảo sát đạt giá trị trung bình 17,0 ± 3,8%; với sinh lượng trung bình đạt 1.946 ± 217 g/m2. Trữ lượng nguồn lợi rong biển phân bố tập trung trên diện tích khoảng 90ha quanh quần đảo ước tính đạt 1.751 ± 195 tấn tươi. Một số chi rong biển chiếm ưu thế về nguồn lợi như chi rong loa (Turbinaria), rong mơ (Sargassum), rong quạt (Padina), rong mào gà (Palisada)… Kết quả nghiên cứu cung cấp cơ sở khoa học cho việc định hướng phát triển và quản lý nguồn lợi rong biển tại vùng biển ven quần đảo này.
Link thông tin chi tiết: http://tapchi.vnua.edu.vn/wp-content/uploads/2022/02/tap-chi-so-3.5.pdf
Đào Hương - NXB Học viện