Luật Trồng trọt năm 2018 – “Điều 11. Khai thác, sử dụng nguồn gen giống cây trồng” quy định nguồn gen giống cây trồng bao gồm nguồn gen từ giống cây trồng đã được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành; giống cây trồng đã tồn tại phổ biến trong sản xuất, giống cây trồng đặc sản, giống cây trồng bản địa, giống cây trồng nhập khẩu chưa được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành. Việc khai thác, sử dụng, nguồn gen giống cây trồng thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về đa dạng sinh học. Sự đa dạng, phong phú của nguồn gen đóng vai trò quyết định sự thành công của các chương trình chọn tạo giống cây trồng và vật nuôi. Việc bảo tồn và sử dụng bền vững chúng là cần thiết để đảm bảo sản xuất cây trồng và đáp ứng các thách thức ngày càng tăng về môi trường và biến đổi khí hậu. Sự xói mòn của các nguồn tài nguyên này gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh lương thực của thế giới trong dài hạn. Do đó, nguồn gen chính là 'Kho tàng ẩn giấu' của các tổ chức nghiên cứu, và cũng là tài sản có giá trị cao của các công ty. Nhờ sự thành công của việc phát triển và khai thác nguồn gen chất lượng, vật liệu tạo giống cốt lõi, cùng với kiến thức và kỹ năng chọn tạo giống mà nhiều giống ngô mới với năng suất và chất lượng cao như giống ngô nếp trắng lai đơn ADI668, ADI688, VNUA16, VNUA69, giống ngô tẻ lưỡng dụng VNUA36, ngô nếp tím lai đơn giàu anthocyanin VNUA141 đã được Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam lai tạo và thương mại hóa. Trong số này, các giống VNUA16, VNUA69, VNUA36, và VNUA141 mới được công nhận lưu hành trong năm 2022.

Nguồn gen có thể là vô giá nhưng cũng có thể không có giá trị nếu không được khai thác, sử dụng phục vụ mục đích tạo giống hoặc nghiên cứu cơ bản. Đánh giá đặc điểm nông học, tìm hiểu hệ số di truyền các tính trạng quan trọng và mối quan hệ giữa các dòng ngô ngọt xác định tiềm năng di truyền là bước cốt lõi của tất cả các chương trình chọn giống ngô ngọt ưu thế lai (Revilla & cs., 2021; Zystro & cs., 2021). Thuộc nhiệm vụ: “Lưu giữ và bảo quản nguồn gen nông nghiệp nhập nội phục vụ công tác nghiên cứu và đào tạo” năm 2022 do Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì, nhóm các nhà khoa học thuộc nhóm Nghiên cứu mạnh Cây Màu, Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng (NC&PTCT) đã tiến hành đánh giá các đặc điểm hình thái và xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa và dạng văn bản, hình ảnh của các nguồn gen ngô ngọt tự phối đời 4 từ các giống thương mại nhập nội trong vụ Thu Đông 2022. Thí nghiệm gồm 20 dòng ngô ngọt tự phối đời S4 từ các giống nhập nội từ Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, ký hiệu từ NGO01 đến NGO20 với 3 đối chứng là dòng thuần SW1 (đường, vàng), D181 (đường, trắng), UV10 (đường, tím) được chọn tạo bởi Viện NC&PTCT, (Nguyễn Trung Đức & cs., 2020; Phạm Quang Tuân & cs., 2022). Hai mươi dòng ngô ngọt được chia thành 3 nhóm chính dựa trên màu sắc hạt bao gồm nhóm ngô ngọt vàng (NGO01, NGO02, NGO03, NGO04, NGO05, NGO06, NGO07, NGO08, NGO09, NGO11, NGO12, NGO13, NGO14, NGO15, NGO17 và NGO20) nhóm ngô ngọt trắng (NGO16, NGO18, NGO19) và nhóm ngô ngọt tím (NGO10). Kết quả phân tích cụm dựa trên các tính trạng sinh trưởng, hình thái, năng suất, chất lượng cho thấy 20 dòng ngô ngọt được chia thành 3 nhóm chính. Nhóm tác giả xin trân trọng cảm ơn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ kinh phí thực hiện nghiên cứu.

Một số hình ảnh thí nghiệm:

leftcenterrightdel
 Thí nghiệm đánh giá các đặc điểm hình thái của các nguồn gen ngô ngọt tự phối đời 4 trong vụ Thu Đông năm 2022 tại Gia Lâm, Hà Nội
leftcenterrightdel
 Một số vật liệu dùng để phát triển dòng ban đầu
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Biểu đồ phân tích thành phần chính và phân tích cụm phân nhóm các dòng ngô ngọt tự phối

 

Nhóm Nghiên cứu Mạnh Cây Màu

Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng