Chị là GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Hiệp hội Thú y Châu Á. Ở bất kỳ cương vị công tác nào, chị cũng hăng hái, quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao, đóng góp hiệu quả cho ngành, cho công cuộc xây dựng đất nước. 

Người ta vẫn bảo phụ nữ tên Lan thường vất vả. Có lẽ đúng với chị. Sinh ra trên mảnh đất thuần nông Thạch Thất (Hà Nội), ngay từ nhỏ, Nguyễn Thị Lan đã được tiếp xúc và gần gũi với cây cối, đồng ruộng. Trên từng bước đường trưởng thành, niềm yêu thích, rồi gắn bó với nghề nông như mối duyên nghiệp của cuộc đời, GS Nguyễn Thị Lan đã gặt hái nhiều thành công, một vai gánh vác việc nước, việc nhà, việc làm khoa học, với chị đó là  tình yêu với nghề,  tình yêu cuộc sống, con người.

Đam mê để gắn bó

Tốt nghiệp phổ thông (1990), trong khi nhiều bạn cùng trang lứa đang phân vân chọn hướng đi, Nguyễn Thị Lan quyết tâm thi và đỗ vào trường Đại học Nông nghiệp I[1], và chọn học ngành Thú y, chỉ với mong ước giản đơn được trở thành bác sĩ thú y, chữa bệnh cho gia súc, gia cầm. Trong quá trình học tập, được thầy cô dìu dắt, chỉ bảo, truyền cảm hứng, niềm yêu thích nghề thú y của chị ngày càng được nuôi dưỡng.

Năm 1995, sinh viên Nguyễn Thị Lan tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp I, được giữ lại trường công tác tại khoa Thú y. Ngay từ những ngày đầu đứng trên bục giảng , cô giáo trẻ Nguyễn Thị Lan đã ý thức được tầm quan trọng của nghiên cứu, gắn nghiên cứu với thực tiễn. Trong điều kiện trang thiết bị thí nghiệm còn hạn chế, chị tự mày mò, trau dồi kiến thức, trao đổi với đồng nghiệp để đổi mới phương pháp giảng dạy. Như chị chia sẻ: Lúc đó, tôi đã tâm niệm phải cố gắng phấn đấu nâng cao năng lực và kiến thức, truyền được cảm hứng cho các em sinh viên để không phụ công các thầy cô giáo dìu dắt tôi trước đây[2]

Sau 7 năm làm việc, nhờ nỗ lực phấn đấu và không ngừng học hỏi, giảng viên Nguyễn Thị Lan đã vượt qua kỳ thi tuyển và được Chính phủ Nhật cấp học bổng nghiên cứu sinh tại trường Đại học Miyazzaki, Nhật Bản. Cầm trên tay quyết định đi nghiên cứu sinh, cô vừa mừng vừa lo cho gia đình và con nhỏ. Lúc đó tôi rất băn khoăn vì là người đã có gia đình, thêm trách nhiệm của người mẹ có con nhỏ [3]- GS.TS Nguyễn Thị Lan bồi hồi nhớ lại.

Được gia đình và bạn bè, đồng nghiệp ủng hộ, giảng viên Nguyễn Thị Lan lên đường sang đất nước Mặt trời mọc học tập. Đến với cuộc sống nơi “đất khách quê người”, NCS Nguyễn Thị Lan không khỏi choáng ngợp. Chị phải tự làm quen với môi trường mới, tìm cách thích nghi một cách nhanh nhất. Thời gian đầu ở Nhật, vượt qua những khó khăn, nỗi nhớ nhà, chị đã nỗ lực và quyết tâm, lấy công việc làm niềm vui. Được sự giúp đỡ của bạn bè, thầy cô hướng dẫn tại trường Đại học Miyazzaki và trong điều kiện trang thiết bị hiện đại, Nguyễn Thị Lan đã đi sâu nghiên cứu, thực hiện đề tài luận án liên quan đến vấn đề bệnh động vật và vacxin phòng.  

Những tháng năm miệt mài học tại Nhật Bản, đôi lúc thất vọng vì những thí nghiệm thất bại, nhưng cũng từ đó bản lĩnh người làm khoa học dần dần được trưởng thành và hun đúc. Phần thưởng cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của chị là bản luận án đã được Hội đồng đánh giá xuất sắc.

Cột mốc nghiên cứu đầu tiên

Về nước năm 2007, mang theo hoài bão nghiên cứu để đóng góp cho thực tiễn, lan tỏa những kiến thức được học tại Nhật, TS Nguyễn Thị Lan hăm hở lao vào công việc. Nhưng lúc đó, chị lại vấp phải khó khăn, thiếu thốn về điều kiện trang thiết bị, phòng thí nghiệm đạt chuẩn, chưa được xây dựng, đề tài nghiên cứu về thú y rất ít và kinh phí hạn chế. GS.TS Nguyễn Thị Lan nhớ lại: Đó thực sự là khoảng thời gian khó khăn, khi bản thân rất muốn ứng dụng những kiến thức được học nhưng điều kiện lại chưa cho phép[4]. Trước tình hình đó, TS Nguyễn Thị Lan đưa ra những đề xuất nghiên cứu gửi ban lãnh đạo khoa Thú y, trường Đại học Nông nghiệp và các cấp liên quan.

Năm 2008, dịch lợn tai xanh bùng phát trên diện rộng ở nước ta, đặt ra thách thức đối với những người nghiên cứu phải tìm ra cách phòng và chữa bệnh. Chị Lan đã đề xuất nghiên cứu để tìm cách chẩn đoán phát hiện bệnh tai xanh sớm trên lợn.

GS.TS Nguyễn Thị Lan

Và năm 2009, TS Nguyễn Thị Lan được giao nhiệm vụ Chủ nhiệm Đề tài độc lập cấp Nhà nước Nghiên cứu công nghệ chế tạo bộ chẩn đoán nhanh hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản (PRRS) trên lợn. Sau 2 năm thực hiện, nhóm nghiên cứu đã thu thập được 986 mẫu lợn mắc bệnh tai xanh, lựa chọn được dòng tế bào Marc-145 để phân lập được 20 chủng virus tai xanh, trong đó có 6 chủng đạt hiệu giá cao, ổn định về đặc tính sinh học và đặc tính di truyền làm nguyên liệu để sản xuất bộ chuẩn đoán và phục vụ các nghiên cứu chuyên sâu khác về bệnh tai xanh ở lợn. Bộ chuẩn đoán đã được sử dụng thử nghiệm tại một số tỉnh như Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương đem lại hiệu quả tốt. Đồng thời, công nghệ chế tạo bộ chuẩn đoán cũng được chuyển giao cho các doanh nghiệp sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa sản phẩm.

Từ đề tài này, TS Nguyễn Thị Lan đã học hỏi được kinh nghiệm xây dựng và tổ chức các nhóm nghiên cứu chuyên ngành, đi sâu vào các vấn đề khoa học mà xã hội đang quan tâm. Đồng thời, những bài học về hợp tác quốc tế, hợp tác với các doanh nghiệp để chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống, vacxin cũng được chị tiếp tục chú trọng trong các đề tài sau. Tính đến thời điểm hiện tại, GS.TS Nguyễn Thị Lan đã chủ trì và tham gia 22 đề tài khoa học công nghệ các cấp, đăng 105 bài báo khoa học  trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước. Nhiều sản phẩm công nghệ từ các đề tài do cô chủ nhiệm đã được công nhận và chuyển giao như ”Kháng thể đơn dòng chẩn đoán đặc hiệu bệnh Care ở chó”, ”Vacxin phòng bệnh Care ở chó”, ”Chế phẩm vi sinh vật sử dụng trong chăn nuôi”...

Lan tỏa đam mê, truyền lửa cảm hứng

Trong quá trình làm việc, đặc biệt từ khi được giao trọng trách Phó trưởng khoa Thú y kiêm Trưởng phòng thí nghiệm của khoa (2012-2015), đến khi được bổ nhiệm Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam (từ 2015), GS.TS Nguyễn Thị Lan luôn hướng đến mục tiêu ”Nghiên cứu là sức sống của trường đại học”. Chị chia sẻ: Tôi nhận thấy khi đã giữ vai trò quản lý có thể đóng góp được nhiều hơn ở “tầm cao” cho nghiên cứu khoa học. Tôi luôn chủ trương mỗi thầy cô trong công tác phải xác định đi sâu nghiên cứu, gắn nghiên cứu với giảng dạy, lồng ghép lý thuyết vào những bài học thực tiễn, lồng ghép vào đó những câu chuyện khởi nghiệp để tạo hứng thú cho sinh viên[5]. Từ những quyết sách đó, chị đã lan tỏa đam mê nghiên cứu và truyền lửa cảm hứng đến các thế hệ đồng nghiệp và sinh viên, đặc biệt là các sinh viên nữ.

Từ năm 2015, dưới sự lãnh đạo và định hướng trực tiếp của GS.TS Nguyễn Thị Lan, chiếm lĩnh các lĩnh vực cụ thể như rau sạch, cây ăn quả, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thủy sản, dinh dưỡng vật nuôi... Hàng năm, Học viện Nông nghiệp đã đào tạo được khoảng 10.000 bác sĩ thú y, trong đó nhiều cán bộ (đặc biệt cán bộ nữ) có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản, học tập nâng cao ở nước ngoài. Bên cạnh đó, chị tổ chức, đẩy mạnh việc xây dựng các phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO tại Học viện.

Trong công tác đào tạo, GS.TS Nguyễn Thị Lan chủ trương giao cho cán bộ giảng dạy của Học viện tổ chức để sinh viên được tiếp cận với nghiên cứu từ năm học thứ 2; kết nối các khóa để sinh viên giúp đỡ, học hỏi lẫn nhau; xây dựng các nhóm nghiên cứu, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, đặc biệt là sinh viên nữ, qua đó chuẩn bị nguồn nhân lực cho các vị trí làm việc ở các phòng thí nghiệm và nghiên cứu trọng điểm của Học viện.

Mặc dù đảm nhiệm rất nhiều công việc, nhưng GS Nguyễn Thị Lan vẫn dành thời gian trao đổi, lắng nghe, tư vấn, định hướng học tập và động viên kịp thời đối với sinh viên. Cô hào hứng cho biết: Hầu như năm nào, tôi cũng trực tiếp hướng dẫn một vài nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học, sắp xếp dành rất nhiều thời gian cho các em. Tôi cảm thấy rất say sưa khi thấy các em rất thú vị với nhiều ý tưởng hay. Cô đã trực tiếp hướng dẫn 7 nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học đạt giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (viết tắt là Vifotec).

Đặc biệt, từ năm 2018, theo chủ trương của Đảng và Chính phủ về việc đưa chương trình khởi nghiệp vào các trường đại học, GS.TS Nguyễn Thị Lan và Ban lãnh đạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã khéo léo thông qua liên kết các doanh nghiệp và hợp tác quốc tế để lồng ghép các vấn đề định hướng công việc cho sinh viên. Các cuộc thi xây dựng đề án khởi nghiệp trong sinh viên được phát động đã tạo không khí sôi nổi, hào hứng toàn Học viện.

Trong vai trò đại biểu Quốc hội khóa XIV thuộc đoàn đại biểu thành phố Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường của Quốc hội, cô đã đóng góp những ý kiến sâu sắc đối với các vấn đề liên quan đến luật giáo dục, luật đào tạo đại học, luật chăn nuôi, luật trồng trọt, luật chuyển giao công nghệ… để có những chính sách sửa đổi phù hợp với tình hình thực tế.

Ở tuổi 45, GS.TS Nguyễn Thị Lan là nhà khoa học nữ được phong hàm Giáo sư trẻ nhất trong lịch sử Học viện Nông nghiệp Việt Nam và ngành Thú y; Giáo sư danh dự của Đại học Yamaguch (Nhật Bản), Giáo sư thỉnh giảng Đại học Miyazaki (Nhật Bản) và gần đây nhất là người phụ nữ trẻ nhất nhận được Giải thưởng Kovalevskaia[6].

Thật khó lý giải tại sao một người phụ nữ mảnh mai như chị có thể đảm nhận và làm tốt nhiều nhiệm vụ, chức trách. Mỉm cười nhỏ nhẹ, GS.TS Nguyễn Thị Lan chia sẻ: Tôi may mắn có gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và mọi người xung quanh cảm thông, chia sẻ. Đó là sự khích lệ, động viên to lớn để tôi luôn tâm niệm phải cố gắng hơn nữa trong công việc và cuộc sống. Chị luôn mong muốn tất cả mọi người, dù ở bất kỳ cương vị công tác  nào, làm bất cứ công việc gì, đặc biệt là phụ nữ phải tìm cách cân bằng cuộc sống, có kế hoạch phân bổ thời gian hợp lý, biến khó khăn thành động lực, phát huy vai trò, sức mạnh cá nhân, để góp phần cho đời. 

Phạm Ngọc Hải

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam



[1] Tên gọi của Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn 1967-2008.

[2] Phỏng vấn GS.TS Nguyễn Thị Lan, 5-3-2019, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Phỏng vấn GS.TS Nguyễn Thị Lan, 5-3-2019, tài liệu đã dẫn.

[4] Phỏng vấn GS.TS Nguyễn Thị Lan, 5-3-2019, tài liệu đã dẫn.

[5] Phỏng vấn GS.TS Nguyễn Thị Lan, 5-3-2019, tài liệu đã dẫn.

[6] Giải thưởng mang tên nhà khoa học nữ người Nga, dành cho các tập thể, cá nhân nữ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống.