Cà chua cherry (Solanum lycopersicum var. Cerasiforme) được cho là tổ tiên của cà chua hiện đại ngày nay (Ranc & cs., 2008), là một giống cà chua phổ biến vì kích thước quả nhỏ, hương vị tinh tế, chất lượng quả cao và ngày càng được ưa chuộng như một thực phẩm salad ăn tươi (Liu & cs., 2018). Mặc dù có thể trồng được trên đồng ruộng nhưng với năng suất và chất lượng cao, các giống cà chua cherry phần lớn được canh tác theo hướng nông nghiệp công nghệ cao trong nhà kính, nhà màng (He & cs., 2021; Kong & cs., 2021).
Cà chua cherry có tỷ lệ phenylpropanoids, lycopene, β-carotene và α-carotene cao hơn so với các loại cà chua khác (Mun & cs., 2021). Ngoài ra, hoạt động chống oxy hóa cao nhất và tổng hàm lượng phenolic và flavonoid đã được quan sát thấy trong các giống cà chua cherry. Ha & cs. (2021) khi phân tích thành phần dinh dưỡng của các giống cà chua bi đen trồng tại Lâm Đồng, Việt Nam đã phát hiện hai hợp chất mới là delphinidin-3-(p-coumaroyl)-glucoside và delphinidin-3-(p-coumaroyl)-glucoside-arabinoside. Đây là cơ sở để người tiêu dùng hiểu rõ hơn về đặc tính bổ dưỡng của cà chua cherry đen, tím trồng tại Việt Nam, từ đó thúc đẩy nhu cầu trồng và tiêu thụ loại quả có lợi này. Việt Nam không có sẵn các nguồn gen cà chua cherry. Do vậy, thu thập, sàng lọc, đánh giá và phát triển nguồn vật liệu, lai tạo tổ hợp lai và đánh giá khả năng kết hợp là bước rất quan trọng trong chương trình chọn tạo giống cà chua cherry cho Việt Nam.
Khả năng kết hợp chung (GCA), khả năng kết hợp riêng (SCA) và ưu thế lai được sử dụng trong chọn giống cây trồng làm công cụ dự đoán quan trọng để chọn lọc các dòng bố mẹ có khả năng kết hợp cao về tính trạng mục tiêu (sinh trưởng, năng suất, chất lượng) ngay ở những đời tự phối đầu (Hallauer & cs., 2010). Đánh giá khả năng kết hợp chung theo mô hình Line × Tester đã được sử dụng chọn lọc dòng bố mẹ ưu tú có khả năng kết hợp chung cao về năng suất, các yếu tố cấu thành năng suất, chất lượng trên cà chua (Kumar & cs., 2018; Rehana & cs., 2019; Singh & cs., 2021) và trên nhiều loại cây trồng khác như ngô (Abrha & cs., 2013; Sodedji & cs., 2018; Pham Quang Tuan & cs., 2022), lúa (Sreelakshmi, 2018), bông (Mahmood & cs., 2021; Yehia & El-Hashash, 2022).
Được sự hỗ trợ kinh phí từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng đã tiến hành đề tài cấp Học viện: "Nghiên cứu ưu thế lai và khả kết hợp về năng suất, chất lượng giữa các dòng cà chua cherry tím, đỏ, vàng” mã số T2022-43-59 nhằm chọn lọc các dòng bố mẹ ưu tú phục vụ chương trình chọn tạo giống cà chua cherry tím, đen chất lượng cao tại Việt Nam. Vật liệu nghiên cứu gồm 10 dòng cà chua cherry tím tự phối đời S3 kí hiệu D1 đến D10; 03 cây thử, 30 THL đỉnh và hai giống đối chứng gồm Chocolate và Indigo Rose. Kết quả nghiên cứu cho thấy dòng D10 và cây thử T1 có giá trị GCA dương có ý nghĩa thống kê, các dòng D2 và D3 có GCA âm có ý nghĩa thống kê ở tính trạng năng suất thực thu. Đối với chỉ tiêu chất lượng TSS, các dòng D7 và D10 có GCA cao có ý nghĩa thống kê và sẽ cho con lai F1 có chất lượng cao. Dòng D3 và cây thử T2 có GCA âm có ý nghĩa thống kê ở các tính trạng này. Kết quả chọn lọc THL triển vọng bằng phương pháp chọn lọc đa biến MGIDI dựa trên tính trạng sinh trưởng TGST (mục tiêu thấp); và 5 tính trạng TSS, DTQ, TSQ, NSCT, NSTT (mục tiêu cao) đã chọn được 6 THL triển vọng bao gồm THL16 (T1xD6), THL18 (T3xD6), THL30 (T3xD10), THL27 (T3xD9), THL28 (T1xD10) và THL25 (T1xD9) có năng suất và chất lượng vượt trội tương đương đối chứng Chocolate, cho thấy tiềm năng phát triển thành dòng thuần bố mẹ ưu tú của các dòng bố mẹ D6, D9 và D10. Nghiên cứu đã cung cấp thông tin di truyền về các tính trạng nông học quan trọng, và là cơ sở để phát triển các giống cà chua cherry chất lượng cao tại Việt Nam.
Một số hình ảnh đề tài:
|
|
Mười dòng cà chua cherry tím tự phối đời S3 |
|
|
Khu thí nghiệm nhà lưới đánh giá THL đỉnh trong vụ Thu Đông 2022 tại Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng |
|
|
Kết quả chọn lọc các THL ưu tú |
Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng