Hoạt động sử dụng đất luôn có tác động mạnh mẽ đến biến đổi khí hậu (BĐKH) ở quy mô vùng và toàn cầu thông qua việc làm thay đổi dòng năng lượng, dòng tuần hoàn nước và trao đổi khí nhà kính giữa trái đất và bầu khí quyển [1,2]. Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) đã ước tính nông nghiệp, lâm nghiệp và các hoạt động sử dụng đất khác phát thải khoảng 24% khí nhà kính trên toàn cầu [3]. Tại Việt Nam, theo kết quả ước tính của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất chiếm 50% tổng lượng phát thải khí nhà kính của cả nước. Trong đó, riêng canh tác lúa chiếm khoảng 49,4%, sử dụng đất nông nghiệp chiếm 26,7%, lên men dạ cỏ của gia súc nhai lại chiếm 11,4% và các nguồn phát thải nông nghiệp khác [4]. Biến đổi khí hậu có thể thu hẹp diện tích đất canh tác tới 21% ở Nam Mỹ, 18% ở Châu Phi và 17% ở Châu Âu [5]. Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi các tác động của BĐKH như mực nước biển dâng, thay đổi nhiệt độ bất thường và các hiện tượng thời tiết cực đoan (bão, lũ) [6-8]. Biến đổi khí hậu có thể làm giảm tới 14% diện tích đất canh tác vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và 24% ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) [9]. Biến đổi khí hậu còn dự báo sẽ làm giảm năng suất các cây lương thực như lúa và ngô và làm gia tăng dịch bệnh cây trồng [10,11]. Kịch bản BĐKH mức trung bình của Việt Nam dự báo năng suất lúa có thể giảm từ 717-795 kg/ha-1 vào năm 2050, tương ứng với 1.475.000 tấn gạo trên phạm vi cả nước. Năng suất ngô có thể giảm 782 kg/ha-1, tương ứng với 880.000 tấn [12]. Ngành nuôi trồng thủy sản cũng được dự báo sẽ chịu tác động mạnh bởi nước biển dâng, các hiện tượng thời tiết cực đoan, thay đổi chế độ mưa, độ mặn môi trường nước, và gia tăng nhiệt độ. Nhiệt độ môi trường nước tăng sẽ kích thích tảo nở hoa và làm giảm nồng độ oxy trong nước [13,14].

leftcenterrightdel
 Thay đổi sử dụng đất nông nghiệp huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình giai đoạn 2005-2010; 2010-2015; và 2015-2020.
leftcenterrightdel
Thảo luận nhóm với nông dân về tác động của BĐKH đến SXNN và sử dụng đất 
 

Biến đổi khí hậu đã hiện hữu ở khắp mọi nơi, trong đó vùng ven biển là vùng chịu nhiều rủi ro và dễ bị tổn thương nhất bởi BĐKH. Chính vì vậy các giải pháp công trình, xây dựng hành lang sinh thái, và giải pháp xã hội đã được áp dụng nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Chính phủ Việt Nam đã có những dự báo về tác động của BĐKH và đưa ra nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của thiên tai cho vùng ven biển. Tuy nhiên, với đường bờ biển trải dài hơn 3.200km từ Bắc vào Nam, hàng năm vùng ven biển Việt Nam thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, lũ lụt và sạt lở. Ngày 20/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1055/QĐ-TTg, ban hành kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030. Kế hoạch này hướng tới việc giảm thiểu các rủi ro và tính dễ bị tổn thương do BĐKH bằng biện pháp tăng cường khả năng thích ứng của cộng đồng, các lĩnh vực kinh tế và các hệ sinh thái. Để đưa ra những giải pháp phù hợp cho từng vùng miền, cần có những nghiên cứu về tác động của BĐKH đến sản xuất nông nghiệp, thay đổi sử dụng đất và những giải pháp ứng phó mà địa phương đã áp dụng. Các nghiên cứu đã cho thấy tác động của BĐKH đến vùng ĐBSH ngày càng rõ rệt. Tuy nhiên, nghiên cứu cụ thể về tác động của BĐKH đến thay đổi sử dụng đất và những giải pháp ứng phó của hộ gia đình tại ĐBSH còn hạn chế. Vì vậy, trong nghiên cứu này chúng tôi đã sử dụng ảnh vệ tinh Landsat, kết hợp với phương pháp phân tích không gian và điều tra xã hội học nhằm tìm hiểu những thay đổi sử dụng đất tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình trong giai đoạn 2005 đến 2020 và những giải pháp ứng phó của người dân. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy, BĐKH đã tác động mạnh mẽ đến thay đổi sử dụng đất của địa phương, đặc biệt là diện tích đất trồng cây hằng năm và đất nuôi trồng thủy sản. Mặc dù huyện Tiền Hải là một trong những vùng sản xuất lúa chính của ĐBSH, nhưng nhiều diện tích lúa đang dần bị thu hẹp do ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn và được chuyển sang các loại rau màu và đất nuôi trồng thủy sản. Mức độ ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết cực đoan, xâm nhập mặn, và bão đến trồng trọt và nuôi trồng thủy sản cũng được chỉ ra trong nghiên cứu này. Ngoài những thay đổi về sử dụng đất, người dân cũng đã áp dụng một số biện pháp thích ứng như thay đổi lịch mùa vụ, giống cây trồng, vật nuôi, gia cố trang trại và cải tạo đồng ruộng, áp dụng các biện pháp luân canh trong trồng trọt và nuôi trồng thủy sản.

Nghiên cứu này đã cung cấp thêm những thông tin cần thiết cho việc lập kế hoạch sử dụng đất nhằm thích ứng với BĐKH ở địa phương và lồng ghép với kế hoạch cấp quốc gia. Tuy nhiên, kết quả mới chỉ giới hạn ở việc đánh giá biến đổi sử dụng đất và biện pháp ứng phó của người dân với BĐKH. Do vậy, cần tiếp tục có những phân tích chi tiết về mức độ rủi ro, chi phí – lợi ích và xác định các giải pháp ưu tiên đối với từng loại hình sử dụng đất ở địa phương. Các dữ liệu từ vệ tinh khí tượng cũng có thể được kết hợp nhằm phân tích chi tiết và mô hình hóa mối quan hệ giữa thay đổi sử dụng đất và BĐKH. Điều này có ý nghĩa rất lớn, góp phần thực hiện thành công kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021–2030 và mục tiêu quản lý nền kinh tế xanh của Việt Nam.

 

TS. Nông Hữu Dương và nhóm tác giả - BM Sinh thái Nông nghiệp, Khoa TN và MT

 

Toàn văn bài nghiên cứu được đăng tại: https://doi.org/10.3390/land10060627.

Tài liệu tham khảo:

[1]      Bennett, L. Deforestation and Climate Change; Climate Institute: Washington, DC, USA, 2017; Volume 1400.

[2]      Lawrence, D.; Vandecar, K. Effects of tropical deforestation on climate and agriculture. Nat. Clim. Chang. 2015, 5, 27–36.

[3]      Shukla, P.; Skea, J.; Calvo Buendia, E.; Masson-Delmotte, V.; Pörtner, H.; Roberts, D.; Zhai, P.; Slade, R.; Connors, S.; Van Diemen, R. Climate Change and Land: An IPCC Special Report on Climate change, Desertification, Land Degradation, Sustainable Land Management, Food Security, and Greenhouse Gas Fluxes in Terrestrial Ecosystems; IPCC: Geneva, Switzerland, 2019; p. 864.

[4]      Crumpler, K.; Dasgupta, S.; Federici, S.; Meybeck, A.; Bloise, M.; Slivinska, V.; Salvatore, M.; Damen, B.; Loeben, S.V.; Wolf, J.; et al. Regional analysis of the nationally determined contributions in Asia–Gaps and opportunities in the agriculture and land use sectors. In Environment and Natural Resources Management Working Paper No. 78; FAO: Rome, Italy, 2020.

[5]      Zhang, X.; Cai, X. Climate change impacts on global agricultural land availability. Environ. Res. Lett. 2011, 6, 014014.

[6]      ADB. Vietnam: Environment and Climate Change Assessment. Available online: https://www.adb.org/documents/viet-namenvironment-and-climate-change-assessment (accessed on 24 May 2021).

[7]      Christoplos, I.; Ngoan, L.D.; Sen, L.T.H.; Huong, N.T.T.; Nguyen, H. Changing arenas for agricultural climate change adaptation in Vietnam. Dev. Pract. 2017, 27, 132–142.

[8]      Nguyen, T.A.; Vu, D.A.; Van Vu, P.; Nguyen, T.N.; Pham, T.M.; Nguyen, H.T.T.; Le, H.T.; Nguyen, T.V.; Hoang, L.K.; Vu, T.D. Human ecological effects of tropical storms in the coastal area of Ky Anh (Ha Tinh, Vietnam). Environ. Dev. Sustain. 2017, 19, 745–767.

[9]      WorldBank. Economics of Adaptation to Climate Change: Vietnam. Available online: https://openknowledge.worldbank.org/handle/10986/12747 (accessed on 5 February 2021).

[10]  Chakraborty, S.; Tiedemann, A.; Teng, P.S. Climate change: Potential impact on plant diseases. Environ. Pollut. 2000, 108, 317–326.

[11]  Zhu, T.; Trinh, M. Climate change impacts on agriculture in Vietnam. In Proceedings of the International Conference on Agricultural Risk and Food Security, Beijing, China, 11–12 June 2010; pp. 11–12.

[12]  Thanh, D.V.; Viet, N.V. Tác động của biến đổi khí hậu đến ngành nông nghiệp và giải pháp ứng phó [Impacts of Climate Change on Agriculture Sector and Response Measures]; Agricultural Publishing House: Hanoi, Vietnam, 2014.

[13]  Mohanty, B.; Mohanty, S.; Sahoo, J.; Sharma, A. Climate change: Impacts on fisheries and aquaculture. In Climate Change and Variability; IntechOpen: Winchester, UK, 2010; pp. 119–138.

[14]  Seggel, A.; De Young, C. Climate Change Implications for Fisheries and Aquaculture: Summary of the Findings of the Intergovernmental Panel on Climate Change Fifth Assessment Report. In FAO Fisheries and Aquaculture Circular No. C1122; FAO: Rome, Italy, 2016; p. 54.