Sáng ngày 6/7/2023, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức hội đồng đánh giá, nghiệm thu cấp học viện đề tài trọng điểm “Nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của loài Nghệ trắng (Curcuma aromatica Salisb) thuộc họ Gừng (Zingiberaceae) ở tỉnh Yên Bái, Việt Nam”. Mã số: T2020-04-1TĐ, do TS. Nguyễn Thị Hiển chủ nhiệm.

leftcenterrightdel
 

Trong bối cảnh hiện nay, tình trạng kháng kháng sinh đang trở nên phổ biến. Helicobacter pylori (H.P) là một mầm bệnh vi khuẩn khó điều trị ở người, là một trong các nguyên nhân chính gây ra viêm loét dạ dày và tá tràng. Vi khuẩn H.P đã được phát hiện ở các cá nhân ở mọi lứa tuổi trên toàn thế giới, chiếm tỉ lệ từ 20% - 80% và là nguyên nhân của ung thư dạ dày. Để điều trị khuẩn H.P thường sử dụng phác đồ điều trị gồm 1-2 tuần với một hoặc hai loại kháng sinh, chẳng hạn như amoxicillin, tetracycline, metronidazole, hoặc clarithromycin, cộng với ranitidine bismuth citrate, bismuth subsalicylate… Tuy nhiên, việc dùng nhiều kháng sinh trong thời gian dài gây nhiều tác dụng phụ như nôn, tiêu chảy, dị ứng, phát ban, sưng phù ở mặt, choáng váng, giảm thị lực, chán ăn… Do đó, việc tìm kiếm các loại thuốc mới để phát triển các liệu pháp thay thế là rất quan trọng, trong đo chiết xuất thực vật và các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên là một trong những nguồn hấp dẫn được hướng tới. Bên cạnh đó, nghệ trắng (tên khoa học là Curcuma aromatica Salisb) còn có tên là ngải trắng, ngải rừng, nghệ hoang được tìm thấy nhiều ở Việt Nam, thuộc họ gừng, là cây mọc hoang và trồng lấy củ thơm làm thuốc, làm gia vị. Theo Đông y nghệ trắng vị cay tính mát, hành khí, giải uất, lượng huyết, lợi mật, trừ vàng da. Nghệ trắng được dùng làm thuốc trong chữa các chứng bệnh, ho gà, thấp khớp, đau bụng kinh, bổ máu sau khi sinh, phong thấp, bong gân, sai khớp, chảy máu gan, nôn ra máu, đái ra máu, viêm gan, viêm dạ dày. Nghệ trắng cũng được sử dụng để làm thảo dược mỹ phẩm có tác dụng làm trắng da, mờ vết thâm nám, rạn da. Mặc dù được dùng nhiều trong dân gian để chữa bệnh nhưng chưa có nhiều bằng chứng khoa học về khả năng kháng khuẩn, kháng viêm của các cao chiết cũng như các hợp chất phân lập được từ nghệ trắng. Do đó, để minh chứng cho các tác dụng của nghệ trắng và tìm kiếm các hợp chất có hoạt tính kháng khuẩn, kháng viêm từ thiên nhiên nhóm nghiên cứu đã tiến hành thực hiện đề tài nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của loài nghệ trắng.

Kết quả của đề tài đã điều chế được 3 cao chiết từ củ nghệ trắng với 3 dung môi khác nhau (cao chiết nước, cao chiết etanol và cao chiết n-hexan). 17 hợp chất sạch (kí hiệu từ NGT1 đến NGT17) được phân lập từ cao chiết etanol của củ nghệ trắng, trong đó có 1 hợp chất mới. Cấu trúc của các hợp chất được chứng minh bằng các phương pháp vật lí hiện đại như phổ hồng ngoại (IR), phổ tử ngoại (UV), phổ cộng hưởng từ hạt nhân 1 chiều và hai chiều (1H NMR, 13C NMR, Cosy, Noesy, HMBC, HSQC) và phổ khối lượng phân giải cao (HRMS). Kết quả hoạt tính cho thấy cao chiết etanol, cao chiết n-hexan và 5 hợp chất phân lập thể hoạt tính kháng vi khuẩn H.P, trong đó có 4 hợp chất (NGT8, NGT9, NGT13 và NGT14) thể hiện hoạt tính kháng H.P mạnh hơn so với chất đối chứng là amocixilin. Ba hợp chất NGT4, NGT8 và NGT9 thể hiện hoạt tính kháng khuẩn với dòng vi khuẩn Staphylococcus aureus. Hoạt tính kháng viêm được đánh giá bằng phương pháp xác định hoạt tính ức chế sản sinh nitric oxit (NO) trên tế bào RAW264.7. Kết quả cho thấy, cao chiết etanol và 13 hợp chất sạch đều thể hiện hoạt tính kháng viêm với giá trị IC50 < 44,5 mM, trong đó có 3 hợp chất NGT7, NGT8, và NGT14 thể hiện hoạt tính kháng viêm thông qua ức chế sự sản sinh NO ở tế bào RAW264.7 được kích thích bằng LPS với giá trị IC50 < 10 mM, tương ứng lần lượt là 8,8±1,7; 4,0±0,9, và 6,2±0,4 µM, trong khi chất chuẩn đối chứng Cardamonin có giá trị IC50 là 4,2±0,3 mM.

Kết quả khoa học của đề tài đã đăng được 1 bài báo khoa học trên tạp chí Journal of Asian Natural Products Research (danh mục ISI), và 1 báo cáo poster tại hội thảo quốc tế (đạt giải nhất báo cáo poster). Đề tài cũng góp phần đào tạo 2 sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thực phẩm thông qua việc hoàn thành khóa luận tốt nghiệp đại học.

Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài nghiên cứu đã đạt được mục tiêu đề ra. Nhìn chung, đề tài nghiên cứu có tính cấp thiết, tính mới và có tiềm năng ứng dụng thực tiễn trong phát triển thuốc và dược liệu, góp phần nâng cao giá trị cây nghệ trắng. Kết quả nghiên cứu có thể được sử dụng vào giảng dạy và làm tài liệu tham khảo hữu ích cho các nghiên cứu khoa học cùng lĩnh vực. Thêm vào đó, đề tài cũng góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu của các thành viên tham gia trong đề tài.

Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến nhận xét của thành viên Hội đồng khoa học, PGS. TS. Võ Hữu Công, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu kết luận: Đây là một đề tài khoa học được tổ chức thực hiện nghiêm túc, các phương pháp nghiên cứu phù hợp với mục đích. Đề tài có giá trị khoa học và tiềm năng ứng dụng thực tiễn. Đề tài được Hội đồng nhất trí nghiệm thu với tổng điểm trung bình 88,8 và xếp loại Tốt.

Một số hình ảnh kết quả nghiên cứu

leftcenterrightdel
 
                                      

Ban Khoa học và Công nghệ

TS. Nguyễn Thị Hiển - Khoa tài nguyên và Môi trường