Nghiên cứu quy trình nhân giống và nuôi trồng Đông trùng hạ thảo
Cập nhật lúc 05:21, Thứ ba, 21/06/2016 (GMT+7)
Ngày 16/6 vừa qua, Khoa Công nghệ sinh học đã tổ chức seminar khoa học với đề tài “Nghiên cứu quy trình nhân giống và nuôi trồng Đông trùng hạ thảo (Cordyceps militaris L.ex Fr.)” do TS. Nguyễn Thị Bích Thùy, Bộ môn Công nghệ Vi sinh trình bày.
Đông trùng hạ thảo (Cordyceps ilitaris L.ex Fr.) được coi là một loại dược liệu quý, do có chứa nhiều hoạt chất (cordycepin, adenosine, polysaccharides, ergosterol, và các chất khoáng…), có tác dụng hạ đường huyết, chống viêm, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, điều hòa hệ miễn dịch, chống oxi hóa, tăng hoạt lực của tinh trùng. Với những đặc tính sinh học và chu kì sống, Đông trùng hạ thảo có rất ít trong tự nhiên. Chính vì vậy, để tìm kiếm và sử dụng Đông trùng hạ thảo tự nhiên làm dược phẩm hoặc thực phẩm chức năng là vấn đề không khả thi (Hong 2010). Do đó, việc xác định được ảnh hưởng của một số yếu tố ngoại cảnh và yếu tố dinh dưỡng đến sinh trưởng và phát triển của hệ sợi, quả thể Đông trùng hạ thảo (C.militaris) là rất quan trọng. Nhận thức rõ về điều này, trên cơ sở nghiên cứu, bước đầu đề tài đã xây dựng được quy trình nhân giống, nuôi trồng Đông trùng hạ thảo.
Đồng thời, cũng đưa ra định hướng nghiên cứu trong thời gian tới sẽ tiếp tục tuyển chọn giống Đông trùng hạ thảo có hàm lượng cordycepin và adenosine,… thử nghiệm các giá thể có thành phần là nguyên liệu nguồn gốc hữu cơ tự nhiên nhằm xác định được giá thể không những cho năng suất cao mà còn cho hàm lượng cordycepin cao, đặc biệt an toàn cho người sử dụng, đặc biệt là nghiên cứu về ảnh hưởng của chế độ ánh sáng đến quy trình nuôi trồng.
Căn cứ vào báo cáo của TS. Nguyễn Thị Bích Thùy tại seminar, các đại biểu tham dự đã thảo luận sôi nổi và đưa ra nhiều ý kiến giúp làm rõ hơn về nội dung cũng như phương pháp nghiên cứu để đạt kết quả cao nhất.