Dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng nhiều cơ sở giáo dục đại học đã đưa ra giải pháp và cách làm sáng tạo nhằm hỗ trợ và thúc đẩy sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học (NCKH). 

leftcenterrightdel
Cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường ĐH Khoa học (ĐH Thái Nguyên) đã nghiên cứu và phát triển bộ sinh phẩm phát hiện virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime PCR. Ảnh: NTCC 

Quan trọng hơn là tạo động lực cho các em tích cực tham gia vào hoạt động này.

Giải pháp trực tuyến

Là tác giả đề tài NCKH “Xây dựng ứng dụng hỗ trợ học tập dành cho sinh viên”, Nguyễn Đắc Cương – lớp CNTT K12 A, Học viện Quản lý Giáo dục cho hay: Đề tài này được thực hiện trong mùa dịch Covid-19. Trong thời gian tạm dừng đến trường và việc học chuyển sang hình thức online, thay vì về nhà, Đắc Cương ở lại Hà Nội, dành thời gian cho việc nghiên cứu. Ngoài tra cứu các tài liệu trên mạng, Đắc Cương tranh thủ lên thư viện nhà trường để tìm kiếm thông tin; đồng thời gặp gỡ giảng viên để được hướng dẫn, triển khai công việc.

Chia sẻ về đề tài nghiên cứu của mình, Cương cho hay: Ứng dụng các nền tảng công nghệ sẽ giúp ích rất nhiều cho HSSV, giáo viên và nhà trường. Đơn giản như thay vì sử dụng sổ sách, nhà trường có thể lưu thông tin sinh viên vào cơ sở dữ liệu để quản lý; vừa không chiếm bộ nhớ mà dữ liệu lại an toàn. Đây là lý do em quyết tâm thực hiện đề tài “Xây dựng ứng dụng hỗ trợ học tập dành cho sinh viên”.

leftcenterrightdel
Sinh viên Nguyễn Đắc Cương báo cáo tại Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học năm học 2020 – 2021 do Học viện Quản lý Giáo dục tổ chức. Ảnh: NTCC

“Có những lúc thầy – trò phải làm việc online, dù có gặp khó khăn nhưng em không nản lòng và quyết tâm thực hiện đến cùng. Kết quả, đề tài của em được Ban Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục biểu dương, khen thưởng ngay tại Hội nghị sinh viên NCKH. Với người mới tập làm nghiên cứu như em, đây là niềm vui lớn và là động lực để tiếp tục phấn đấu trong học tập cũng như NCKH sau này” - Đắc Cương bộc bạch, đồng thời mong muốn: Nhà trường có thêm nhiều chương trình, hoạt động và giải pháp hỗ trợ sinh viên; qua đó tạo động lực để sinh viên làm NCKH.

Để hỗ trợ sinh viên NCKH, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Hiền - Trưởng khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết: Khoa tổ chức các buổi tập huấn kỹ năng viết đề xuất, đề cương nghiên cứu; phương pháp nghiên cứu, phân tích dữ liệu trên phần mềm Excel, SPSS; kỹ năng viết báo cáo và thuyết trình. Qua đó, nhằm trang bị cho sinh viên có đầy đủ nhận thức về hoạt động NCKH, tiếp cận phương pháp và kỹ năng triển khai đề tài.

Để khắc phục khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, đồng thời thúc đẩy sinh viên tham gia NCKH, Học viện Nông nghiệp Việt Nam khuyến khích giảng viên hướng dẫn sinh viên tiến hành các hoạt động khảo sát trên nền tảng trực tuyến, thông qua thiết kế phiếu xin ý kiến online. Đối với nhóm đang ở địa phương, không trực tiếp báo cáo kết quả khảo sát thường xuyên, giảng viên cần hướng dẫn sinh viên sử dụng nền tảng nhập liệu trên một số hệ thống như phần mềm KoBoToolbox. Sinh viên báo cáo trên nền tảng dạy học trực tuyến giúp việc nghiệm thu kết quả NCKH diễn ra kịp thời và hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh.

Linh hoạt trong khuyến khích 

leftcenterrightdel

Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam

thực hiện khảo sát nghiên cứu online.

Ảnh: NTCC 

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Hiền cho hay: Sau khi hoàn thành, toàn bộ NCKH của sinh viên Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn được bảo vệ trước hội đồng chuyên môn là các thầy cô có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu.

Thầy cô đánh giá, góp ý chỉnh sửa để có báo cáo NCKH đạt chất lượng và hiệu quả cao hơn. Ngoài ra, khi tham gia NCKH, sinh viên của khoa được ưu tiên xét cấp học bổng, tính điểm rèn luyện, xét các danh hiệu thi đua, cấp giấy chứng nhận và khen thưởng nếu có thành tích.

Đặc biệt, khi tham gia hoạt động NCKH tại Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, sinh viên được hỗ trợ chuyên môn thông qua việc phân công trực tiếp thầy cô hướng dẫn thực hiện đề tài nghiên cứu.

Sau khi hoàn thiện đề xuất nghiên cứu gửi hội đồng xét duyệt ở khoa, các đề tài nghiên cứu được duyệt chọn nhận tài trợ kinh phí thực hiện từ 3 triệu đồng – 5 triệu đồng/đề tài. Trung bình mỗi năm khoa tài trợ kinh phí cho 7 - 10 đề tài NCKH của sinh viên.

Để nghiên cứu khoa học trở thành nhu cầu tự thân của cán bộ giảng viên, sinh viên, PGS.TS Nguyễn Văn Đăng – Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học (ĐH Thái Nguyên) cho hay: Nhà trường áp dụng nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ viết bài báo khoa học. Bài báo cấp đại học đăng trên kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học cũng được hỗ trợ kinh phí. Những bài báo có chất lượng sẽ được thưởng, nhất là bài được đăng trên các tạp chí uy tín   thế giới...

Ngoài ra, hàng năm Trường ĐH Khoa học tổ chức Hội nghị khoa học trẻ. Năm 2021, Hội nghị nhận được hơn 100 bài báo, công trình nghiên cứu. Sau quy trình phản biện chặt chẽ của Hội đồng Chuyên môn và Hội đồng Khoa học tại vòng sơ khảo, 43 công trình đảm bảo yêu cầu chất lượng đã được lựa chọn, in trong Kỷ yếu Hội nghị Khoa học trẻ do Nhà xuất bản ĐH Thái Nguyên xuất bản.

TS Lê Thị Ngọc Thúy – Trưởng phòng Quản lý khoa học (Học viện Quản lý Giáo dục) chia sẻ: Thời gian qua, học viện đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để khuyến khích sinh viên tham gia hoạt động này. Từ kết quả thực hiện đề tài của sinh viên cho thấy, các em đã có nhận thức đúng về NCKH. Nhiều sinh viên đã hiểu và thực hiện tốt kỹ năng nghiên cứu như đề xuất đề tài, viết thuyết minh, báo cáo tổng kết, thuyết trình đề tài khoa học…

Theo https://giaoducthoidai.vn/