Tích tụ và tập trung ruộng đất là một tất yếu khách quan, tích tụ và tập trung ruộng đất khác nhau về cách thức tiến hành, quyền tài sản và một số tác động xã hội nhưng mục đích cuối cùng đều là tạo ra một diện tích đất đai quy mô lớn để có thể ứng dụng công nghệ, máy móc vào sản xuất nông nghiệp để mang lại hiệu quả cao hơn. Ở vùng ĐBSH cũng đã có các hình thức chuyển nhượng, cho thuê đất đai giữa hộ với hộ; giữa hộ với công ty; giữa hộ với hợp tác xã để mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp hình thành nên các mô hình sản xuất hộ, gia trại, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã ít người và công ty sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, các mô hình sản xuất này có ảnh hưởng to lớn đến quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của các địa phương. Nghiên cứu được thực hiện tại 3 huyện thuộc 3 tỉnh của vùng ĐBSH bao gồm: huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam; huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Phòng và huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.

leftcenterrightdel
 

Các phương pháp tiếp cận, thu thập thông tin và phân tích được đánh giá là phù hợp nên các kết quả thu được đảm bảo tính khoa học, có đóng góp quan trọng về mặt cơ sở lý luận và thực tiễn về vấn để tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp. Kết quả cho thấy, tại 3 tỉnh nghiên cứu đã đề ra nhiều chủ trương và chính sách nhằm khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân tham gia đẩy mạnh tích tụ và tập trung đất phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp. Tuy nhiên, mỗi tỉnh lại có những cách làm khác nhau song cơ bản có được sự đồng thuận của đa số người dân địa phương và thu hút được nhiều doanh nghiệp, công ty, trang trại, HTX, tổ hợp tác và hộ tham gia tích tụ đất hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp.

Sự đa dạng của các loại hình tích tụ, dẫn đến sự đa dạng của các mô hình sản xuất trong nông nghiệp sau tích tụ. Các mô hình này mặc dù đã có những cách đi khác nhau trong tích tụ đất song đều xác định được hướng sản xuất đem lại kết quả kinh tế cao và đã có những chuyển biến tích cực trong thay đổi phương thức sản xuất đáp ứng tốt với nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, các mô hình sản xuất này còn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng thêm diện tích đất, kéo dài thời gian thuê đất, các thủ tục vay vốn,... Tích tụ đất đã làm thay đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tích cực như: Sắp xếp lại yếu tố đất đai, giảm số mảnh ruộng, đồng thời làm tăng đáng kể diện tích bình quân/mảnh; Thay đổi phương thức sản xuất theo hướng chuyên sâu, áp dụng khoa học kĩ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng và tạo ra sự phát triển theo hướng ngày càng phù hợp lợi thế của từng vùng. Nghiên cứu có giá trị ứng dụng tốt, các giải pháp có giá trị tham khảo với địa phương giúp cho chính quyền địa phương áp dụng trong công tác quy hoạch, sử dụng đất nông nghiệp sau khi tích tụ, tập trung trong sản xuất nông nghiệp phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại địa bàn nghiên cứu nói riêng và của vùng Đồng bằng sông Hồng nói chung.

BAN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

TS. Lê Thị Long Vỹ - Khoa Kinh tế &PTNT