Nghiên cứu ảnh hưởng của thức ăn chứa dầu thực vật đến đáp ứng miễn dịch và phản ứng viêm của cá chép (Cyprinus carpio)
Cập nhật lúc 11:11, Thứ sáu, 30/12/2022 (GMT+7)
Trong khuôn khổ đề tài trọng điểm cấp trường năm 2020-2022: “Nghiên cứu ảnh hưởng của thức ăn chứa dầu thực vật đến đáp ứng miễn dịch và phản ứng viêm của cá chép (Cyprinus carpio)”, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm đánh giá ảnh hưởng của loại thức ăn có thành phần chất béo khác nhau bao gồm dầu cá, dầu hạt lanh, dầu vừng, và hỗn hợp dầu hạt lanh + dầu vừng nhằm đến đáp ứng miễn dịch và phản ứng viêm của cá chép.
Các thành phần nguyên liệu thức ăn chỉ khác nhau ở nguồn chất béo được phối trộn và ép viên bằng máy tại phòng thí nghiệm ướt Khoa Thủy sản, HVNNVN, thức ăn sau đó được sấy khô ở nhiệt độ 40oC, đóng gói, hút chân không và được bảo quản trong điều kiện lạnh.
Cá thí nghiệm được nuôi trên hệ thống bể kính có thể tích 100L, nước chảy tuần hoàn, với mật độ 15 con/bể. Cá được cho ăn 2 lần/ngày đến no với thức ăn thí nghiệm trong thời gian 6 tuần. Trong thời gian thí nghiệm, các thông số môi trường được duy trì trong khoảng thích hợp với cá chép.
Cuối thí nghiệm, cá ở mỗi bể được tiến hành lấy mẫu máu, gan và thận để phân tích các chỉ tiêu nghiên cứu cần thiết. Mẫu máu được thực hiện ly tâm lạnh lấy huyết thanh, mẫu thận tươi được làm lạnh nhanh bằng ni tơ lỏng (-196 oC), các mẫu sau đó được lưu trữ ở tủ đông. Đồng thời, cá được tiêm với chất nội độc tố lipopolisaccharide (LPS) từ E.coli là một hợp chất chuẩn có khả năng kích thích gây viêm. Sau 24 h, mẫu huyết thanh, mẫu gan và thận của cá được thu thập để phân tích các chỉ tiêu nghiên cứu.
Sau thời gian nuôi thí nghiệm, kết quả cho thấy việc sử dụng dầu thực vật trong thức ăn của cá chép thay thế dầu cá không ảnh hưởng đến tăng trưởng, khả năng sử dụng thức ăn, tỉ lệ sống và các chỉ tiêu miễn dịch như hoạt động bổ thể, immunoglobuline tổng số và peroxidase của cá trước và sau khi tiêm LPS. Những sự khác biệt được thể hiện ở biểu hiện của các gen tham gia vào đáp ứng miễn dịch và phản ứng viêm của cá chép bao gồm: sinh tổng hợp axit béo không no mạch dài là tiền tố của phản ứng viêm, miễn dịch không đặc hiệu, quá trình sản xuất các cytokine tham gia vào phản ứng viêm và kháng viêm. Các nguồn chất béo dầu axit béo thuộc nhóm omega 3 (dầu cá và dầu hạt lanh) giúp tăng cường phản ứng viêm trong khi các nguồn chất béo cân bằng giữa omega 3 và 6 lại tăng cường phản ứng kháng viêm. Những sự biến động này được tóm lược trong sơ đồ sau:
Khoa Thuỷ sản – Ban KH&CN