Sáng ngày 21/9/2020, tại Hội trường Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La, Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh đã tiến hành họp xét, đánh giá nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường Chương trình phát triển cây ăn quả trên đất dốc giai đoạn 2016 - 2020 và đề xuất các giải pháp thực hiện đến năm 2025”. Đề tài do Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì, ThS. Nguyễn Đăng Học, thành viên Nhóm nghiên cứu mạnh “Hợp tác, liên kết trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp” làm chủ nhiệm.

leftcenterrightdel
Bà Cầm Thị Phong - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại Hội đồng nghiệm thu
 Bà Cầm Thị Phong - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại Hội đồng nghiệm thu
 

Đại diện nhóm nghiên cứu, ThS. Nguyễn Đăng Học đã trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu. Theo đó, Chương trình phát triển cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh Sơn La giai đoạn 2016 -2020 nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cả hệ thống chính trị của tỉnh và phù hợp với nguyện vọng của người dân. Trong 4 năm qua, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, định hướng và các chính sách hỗ trợ phát triển cây ăn quả trên địa bàn với chủ trương chuyển đổi cây lương thực kém hiệu quả trên đất dốc sang trồng cây ăn quả. Sau hơn 4 năm thực hiện, Chương trình đã đạt được nhiều kết quả đáng kể. Tính đến cuối năm 2019, tổng diện tích trồng cây ăn quả trên toàn tình đạt 70.327ha, tăng 46.725ha (tương ứng 198%) so với năm 2015. Trong đó, có đến 92,2% là diện tích chuyển đổi từ cây lương thực kém hiệu quả (chủ yếu là cây ngô). Nhiều loại cây trồng mới có giá trị kinh tế như chanh leo, bơ, cây có múi… được triển khai trồng tại các địa phương. Song song với sự tăng lên về diện tích cây ăn quả thì sản lượng và giá trị sản xuất của các loại quả cũng có sự tăng lên đáng kể trong những năm qua, đặc biệt về giá trị xuất khẩu.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, Chương trình phát triển cây ăn quả trên đất dốc đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực về mặt kinh tế, xã hội và môi trường như: Nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân; giải quyết việc làm, đặc biệt là cho đồng bào dân tộc thiếu số; thành lập được nhiều hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất; hình thành sản xuất cây ăn quả theo hướng hữu cơ, chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn; thúc đẩy thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và góp phần làm tăng tỷ lệ phủ xanh rừng, giảm xói mòn, rửa trôi đất. Tuy nhiên, Chương trình vẫn còn tồn tại một số hạn chế như tỷ lệ hộ (diện tích) ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chưa cao; diện tích sản xuất được cấp giấy chứng nhận Vietgap, Globalgap còn hạn chế; sản xuất nhiều địa phương còn quy mô nhỏ, phân tán, không tập trung; các hộ phát triển nhiều loại cây ăn quả không theo quy hoạch; tính liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chưa cao, tỷ lệ sản phẩm được tiêu thụ qua hợp đồng còn hạn chế; sản phẩm chủ yếu tiêu thụ ở dạng tươi, chưa qua sơ chế, chế biến… Trên cơ sở đó, đề tài đã đánh giá những nguy cơ của Chương trình và đề xuất các giải pháp thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh Sơn La đến năm 2025.

Hội đồng đánh giá đề tài có những nghiên cứu sâu và cụ thể về Chương trình cây ăn quả trên đất dốc tại Sơn La và đưa ra được những giải pháp cụ thể, thực tiễn với tình hình phát triển cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh. Với những kết quả đã đạt được, Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài đạt yêu cầu và đồng ý nghiệm thu đề tài.

Nhóm NCM “Hợp tác, liên kết trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp”