Ngày 15/12/2023, tại Phòng họp 2, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng đánh giá, nghiệm thu cấp Học viện đề tài trọng điểm: “Nghiên cứu xây dựng bộ chủng giống vi sinh vật hữu ích có khả năng đối kháng với nấm Sclerotium rolfsii gây bệnh thôi gốc lạc phục vụ sản xuất chế phẩm sinh học”, mã số: T2021-12-13TĐ do ThS. Nguyễn Thanh Huyền chủ trì.

Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu là PGS. TS. Hà Viết Cường, cùng các thành viên trong Hội đồng bao gồm: PGS.TS. Trịnh Xuân Hoạt, PGS.TS. Nguyễn Thanh Hải, ThS. Nguyễn Thị Thanh Mai, TS. Đặng Thị Thanh Tâm và sự có mặt của PGS.TS. Trần Hiệp - Phó trưởng phụ trách ban KH&CN, PGS.TS. Nguyễn xuân Cảnh - Trưởng khoa Công nghệ sinh học, ThS. Vũ Thị Xuân Bình – Ban KH&CN.

Hội đồng đã đưa ra những nhận xét về ý nghĩa khoa học cũng như khả năng ứng dụng của đề tài. Cây lạc hiện nay đã và đang được gieo trồng phổ biến ở hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới với tổng diện tích lên tới trên 24 triệu ha (Fao, 2010). Ở Việt Nam, lạc là một trong những cây công nghiệp ngắn ngày được trồng ở hầu hết các vùng sinh thái trong cả nước từ Bắc tới Nam. Cây lạc được sử dụng để luân canh với cây trồng khác giúp làm thay đổi pH đất, tăng hàm lượng chất hữu cơ, cải thiện thành phần cơ giới, tăng lượng đạm dễ tiêu trong đất. Đặc biệt, khi luân canh lạc với lúa sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với các công thức luân canh khác. Tuy điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm quanh năm của nước ta rất thuận lợi cho việc canh tác lạc nhưng cũng dẫn đến phát sinh nhiều loại sâu bệnh hại ở các giai đoạn sinh trưởng khác nhau của cây. Một trong những loại nấm đất gây thiệt hại nghiêm trọng đến giá trị kinh tế cây lạc là nấm S. rolfsii gây bệnh thối gốc lạc. Chính vì vậy, kết quả của đề tài có thể cung cấp một số chủng xạ khuẩn có khả năng kháng nấm S. rolfsii gây bệnh trên lạc và bước đầu xây dựng công thức chế tạo chế phẩm, cũng như đánh giá hiệu lực của chế phẩm.

Từ 13 mẫu cây lạc bị bệnh thu thập ở Hà Nội, Thái Bình và Nam Định, 15 chủng nấm bệnh được phân lập. Trong đó, 02 chủng nấm (LT1 và LN1) thể hiện khả năng gây bệnh mạnh nhất và được xác định thuộc loài S. rolfsii. Hai chủng nghiên cứu sinh trưởng tốt trên môi trường PDA ở 30oC, pH 5,0 (chủng LT1) hoặc pH 6,0 (chủng LN1). Tản nấm của chúng màu trắng, bông xốp, đâm tia mạnh. Cả hai chủng đều có khả năng hình thành hạch nấm màu trắng sau 4-5 ngày và hạch nấm hóa nâu sau 6-7 ngày. Hai chủng này thuộc cùng nhóm tương thích hệ sợi. Trong quá trình sinh trưởng chúng đều có khả năng sinh axit và enzyme ngoại bào.

Từ 62 chủng xạ khuẩn, đã sàng lọc được 11 chủng xạ khuẩn có hoạt tính đối kháng với nấm S. rolfsii. Trong đó, 3 chủng (TB25, L71 và L72) thể hiện hoạt tính đối kháng cao nhất với tỉ lệ đối kháng lần lượt là 46,11%, 52,31% và 63,59%. Ba chủng xạ khuẩn này được xác định đều thuộc chi Streptomyces sp. Chủng TB25 có dạng hình phóng xạ, tâm lồi bề mặt nhung, khuẩn ti khí sinh có màu trắng xám, còn khuẩn ti cơ chất có màu vàng, đồng thời sinh sắc tố màu vàng nhạt, chuỗi bào tử dạng thẳng được hình thành sau 72 giờ nuôi cấy; Trong khi đó, chủng L71 và L72 có hình thái khuẩn lạc tương đối giống nhau: Bề mặt khuẩn lạc khô, kết cấu da, hệ sợi cơ chất phát triển sâu vào môi trường, đồng thời sinh sắc tố hòa tan màu vàng, chuỗi bào tử dài có dạng xoắn ốc. Ba chủng xạ khuẩn có thể đồng hóa nguồn carbon và nitơ khác nhau, nhưng đều thể hiện khả năng sinh tổng hợp cellulase, IAA và phân giải phosphate khó tan.

leftcenterrightdel
 

Cây phân loại chủng TB25, L71 và L72

Ba chủng xạ khuẩn TB25, L71 và L72 phát triển tốt ở điều kiện 30-35oC, pH 6-7, nồng độ muối < 1%. Cả ba chủng xạ khuẩn tuyển chọn không ức chế sự phát triển của nhau và phù hợp để cùng sử dụng sản xuất chế phẩm. Công thức “20% đậu nành + 60% mạt dừa + 10% bột ngô + 10% cám gạo” được xác định là công thức thích hợp để lên men chủng xạ khuẩn TB25, L71 và L72 tạo chế phẩm sinh học và bước đầu đã đánh giá được hiệu quả của chế phẩm trong việc phòng bệnh thối gốc lạc do nấm S. rolfsii gây ra.

Ngoài ra, sản phẩm khoa học của đề tài bao gồm 01 bài báo đăng trên tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam, 01 bài báo đăng trên tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và 01 bài báo đã được gửi đăng trên Tạp chí International Journal of Agricultural Technology (thuộc danh mục Scopus, Q4, H-index 8, impact factor 0.49) và đã góp phần đào tạo được 02 sinh viên ngành Công nghệ sinh học.

Hội đồng nghiệm thu đánh giá, về tổng thể, đề tài nghiên cứu đạt được mục tiêu đề ra. Nhìn chung, đề tài nghiên cứu có tính cấp thiết, tính mới và có tiềm năng ứng dụng thực tiễn. Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến nhận xét của thành viên Hội đồng khoa học, PGS. TS. Hà Viết Cường - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu kết luận: Đây là một đề tài khoa học được tổ chức thực hiện nghiêm túc, các phương pháp nghiên cứu phù hợp với mục đích. Đề tài có giá trị khoa học và tiềm năng ứng dụng thực tiễn.

Một số hình ảnh buổi nghiệm thu và kết quả của đề tài:

leftcenterrightdel
 ThS. Nguyễn Thanh Huyền báo cáo kết quả đề tài
leftcenterrightdel
 Đặc điểm hình thái khuẩn lạc và chuỗi bào tử của chủng TB25, L71 và L72
leftcenterrightdel
 Hình ảnh đại diện thử nghiệm chế phẩm trong điều kiện nhà lưới