Trong những năm qua, thực hiện công cuộc “Đổi mới”, nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Hồng có những bước phát triển quan trọng, góp phần ổn định tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân trong vùng. Thành tựu chủ yếu đạt được về phát triển nông nghiệp, nông thôn, từ thời kì đổi mới đến nay phải kể đến xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ngày càng phù hợp hơn trong cơ cấu kinh tế vùng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế của các tỉnh trong vùng và cả nước. Sản xuất nông nghiệp (SXNN) trong vùng có sự tăng trưởng ổn định, chất lượng tăng trưởng ngày càng vững chắc, đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng nông nghiệp cả nước. Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững góp phần bảo đảm an ninh lương thực và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong vùng. Môi trường nông thôn ngày càng được quan tâm…
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn, trong quá trình phát triển nông nghiệp của vùng ĐBSH đã xuất hiện một số vấn đề: Nông nghiệp phát triển kém bền vững, sức cạnh tranh thấp, chưa phát huy tốt các nguồn lực; chuyển dịch cơ cấu và đổi mới cách thức sản xuất còn chậm, phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ, phân tán; Công nghiệp, dịch vụ trong nông nghiệp phát triển chậm, thiếu quy hoạch, quy mô nhỏ, chưa thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động ở nông thôn; Đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông nghiệp còn thấp, chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn còn lớn, lại đang có xu hướng giãn ra, số hộ nghèo còn lớn, phát sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc.
Ngoài các vấn đề trên, thực tiễn SXNN vùng Đồng bằng sông Hồng còn tồn tại về vấn đề bón phân không cân đối, lạm dụng phân bón hóa học, hóa chất BVTV, tập trung vào một số giống cây trồng nhập nội có năng suất cao,… đã và đang tác động xấu, làm suy thoái các Hệ sinh thái nông nghiệp (HSTNN), ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển nông nghiệp bền vững của vùng. Để khắc phục các tồn tại trên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt chủ trì thực hiện đề tài KH&CN cấp quốc gia“Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ nhằm phục hồi và phát triển các hệ sinh thái nông nghiệp đồng bằng sông Hồng” thuộc Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và do PGS.TS. Hoàng Thái Đại làm chủ nhiệm. Qua 03 năm thực hiện đề tài đã đạt được một số kết quả chính sau:
- Đã đánh giá được hiện trạng các HSTNN vùng ĐBSH, đánh giá được các giải pháp khoa học công nghệ đang được áp dụng tại ĐBSH. Đã đánh giá hiện trạng phân bố không gian của các HSTNN, hiện trạng thành phần và tính chất của các HSTNN (đa dạng sinh học trong cây trồng, vật nuôi, sinh vật hoang dại v.v.). Đề tài đã phân tích được các nguyên nhân suy thoái của các HSTNN vùng ĐBSH, nghiên cứu trường hợp tại 3 tỉnh: Hà Nam, Nam Định và Vĩnh Phúc. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 2 nguyên nhân chủ yếu là do suy giảm đa dạng sinh học và độ phì nhiêu đất bị thoái hóa.
- Đã đề xuất một số giải pháp phục hồi và phát triển một số HSTNN chủ yếu của vùng ĐBSH. Trên cơ sở phương pháp luận về các giải pháp, tại 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định và Vĩnh Phúc, đề tài đã bố trí thí nghiệm (tại mỗi tỉnh đã bố trí 10 thí nghiệm) để kiểm chứng các giải pháp (bố trí hệ thống cây trồng, vật nuôi, tái sinh dòng vật chất để phục hồi độ phì nhiêu của đất (che phủ đất bằng tàn dư thực vật, phát triển cây phân xanh, sản xuất phân compost,…).
Trên cơ sở các kết quả thí nghiệm tại 3 tỉnh, đề tài đã triển khai mô hình ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ nhằm phục hồi và phát triển HSTNN trên địa bàn nghiên cứu. Các mô hình này đã thể hiện được hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường và có tính bền vững, khi được nhân rộng sẽ có đóng góp tích cực cho phát triển sản xuất và bảo vệ môi trường tại địa phương.
Đề tài được Hội đồng KHCN cấp quốc gia đánh giá cao kết quả đạt được và đề nghị tiếp tục áp dụng các kết quả nghiên cứu trên vào thực tiễn sản xuất.
Một số hình ảnh triển khai đề tài Khu vực nuôi trồng thủy sản của mô hình tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định Mô hình trồng lúa tại Văn Xá, Kim Bảng, Hà Nam Trồng dưa chuột bao tử tại Văn Xá, Kim Bảng, Hà Nam Cánh đồng lạc tại Văn Xá, Kim Bảng, Hà Nam Khu ruộng của mô hình tại huyện Kim Bảng, Hà Nam Nuôi gà Ai Cập tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc |