UHD là viết tắt của Ultra High Definition, một công nghệ hiển thị hình ảnh đỉnh cao đang ngày càng trở nên phổ biến trong thế giới của các sản phẩm điện tử, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền hình và tivi. Trong bài viết này sẽ giới thiệu sơ lược về các đặc điểm đặc trưng của UHD và ứng dụng của nó.
UHD được hiểu là truyền hình độ nét cực cao bao gồm 4K UHD và 8K UHD, là hai định dạng video kỹ thuật số được xác định và chấp thuận của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU):
- 4K UHD (2160p): rộng 3.840 pixel và cao 2.160 pixel với 8,29 megapixel. Độ phân giải của dòng này cao gấp 4 lần so với độ phân giải 1920×1080 pixel (2,07 megapixel) thường thấy ở các màn hình Full HD.
- 8K UHD (4320p): Có chiều rộng 7.680 pixel và chiều cao 4.320 pixel (33,18 megapixel). Độ phân giải 8K UHD cao gấp 16 lần so với pixel của TV Full HD thông thường.
Các Hiệp hội Điện tử tiêu dùng công bố vào ngày 17/10/2012, rằng "Ultra High-Definition", hoặc "Ultra HD", được sử dụng cho những màn hình có tỉ lệ nhỏ nhất là 16:9 và ít nhất một đầu vào kỹ thuật số có khả năng mang và trình bày nguồn gốc hình ở độ phân giải tối thiểu là 3840 × 2160 pixel.
|
|
Hình 1. Minh họa sự khác biệt giữa HD và UHD |
Công nghệ UHD mang đến cho người xem trải nghiệm hình ảnh cực kỳ chân thực và sống động.
* Đặc điểm đặc trưng của UHD và ứng dụng:
a) Đặc điểm đặc trưng của UHD
Một số công nghệ nổi bật của màn hình UHD cho hình ảnh sắc nét như:
- Auto Depth Enhancer: Công nghệ này có chức năng chia hình ảnh thành nhiều lớp khác nhau như tiền cảnh, giữa và hậu cảnh. Từ đó, công nghệ sẽ điều chỉnh tăng độ tương phản khác nhau để tạo ra hình ảnh có chiều sâu, sống động trên màn hình.
- PurColor: Công nghệ PurColor có thể điều chỉnh với hơn 192 màu và điểm lấy mẫu cao hơn gấp 4 lần so với những TV thông thường. Chất lượng của hình ảnh ngày càng được nâng cao để tạo được độ nét cao.
- Upscaling: Chức năng này còn có khả năng xử lý được hình ảnh và nhận dạng tín hiệu. Khi hình ảnh đạt chất lượng HD hoặc SD, Upscaling sẽ được chuyển sang bộ lọc giảm nhiễu để tạo ra điểm ảnh sắc nét cao gấp 4 lần màn hình thông thường.
- UHD Dimming: Đây là dòng công nghệ mới giúp người dùng có được hình ảnh rõ nét hơn với độ tương phản và chất lượng siêu sắc nét của UHD.
Song song với những đặc điểm tuyệt vời đến từ trải nghiệm hình ảnh sắc nét, chân thực của UHD thì cũng phải nói tới những điều còn hạn chế của UHD được trình bày chi tiết trong bảng 1:
Bảng 1. Một số ưu, nhược điểm của UHD
Ưu điểm
|
Nhược điểm
|
Chất lượng của hình ảnh sắc nét và rõ ràng hơn
|
Công nghệ cần thiết để sản xuất ra màn hình UHD đắt đỏ hơn
|
Có thể tạo ra mức độ chi tiết cao hơn trong hình ảnh
|
Nó đòi hỏi một lượng lớn dữ liệu được truyền bởi các đài truyền hình để đạt được hình ảnh UHD
|
Có thể cải thiện trải nghiệm xem cho người dùng
|
Thông thường cần có kết nối Internet ít nhất 25mbps để truyền phát nội dung ở mức UHD
|
Các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục tìm hiểu các phương pháp giảm thiểu ảnh hưởng không tốt từ các yêu cầu kỹ thuật cao của UHD để giúp người dùng dễ dàng hơn trong việc trải nghiệm UHD.
b) Ứng dụng
Mặc dù 4K đang được chào mời là độ phân giải tương lai của công nghệ phát sóng và xem trực tuyến video, nhất là với sự ra đời của chuẩn mã hóa dữ liệu mới HEVC H.256, được quảng cáo hiệu quả hơn nhiều so với chuẩn HD hiện tại (AVC H.264). Nhưng cái gốc phát triển của 4K lại bắt nguồn từ các rạp chiếu phim. Ban đầu, các bộ phim chiếu rạp được sản xuất, vận chuyển, lưu trữ là dạng phim nhựa với chi phí đắt đỏ trong khi định dạng số mới sẽ sớm trở thành tiêu chuẩn cho phim điện ảnh với chi phí rẻ hơn nhiều. Các rạp chiếu phim chỉ cần thao tác đơn giản là tải file phim số hóa, trình chiếu trên màn hình với một máy chiếu số chuyên dụng thì ngành công nghiệp giải trí này có thể tiết kiệm chi phí đáng kể. Trong cuộc chiến khốc liệt với dịch vụ truyền hình cáp theo yêu cầu và xem phim trực tuyến, thì việc cắt giảm chi phí đó trở nên vô cùng quan trọng. Nhưng các chuyên gia khi đó sớm nhận ra rằng ngay cả độ phân giải 1080p cũng không đủ cho các màn hình khổng lồ ở rạp. Nếu người xem ngồi ở hàng ghế đầu và xem các nội dung có độ phân giải 1080p, họ dễ dàng nhận ra hình ảnh trông mờ hơn, hay thậm chí thấy cả từng điểm ảnh trên màn hình.
Vì thế, ngành công nghiệp giải trí này thấy cần phải có một độ phân giải phải đảm bảo đủ độ hoàn hảo ngay cả khi người xem ngồi gần màn hình hơn cả khoảng cách xem phim tối ưu (khoảng cách tối ưu được tính bằng 1,5 lần chiều cao màn hình), và độ phân giải này chắc chắn phải cao hơn 1080p. Từ đó, năm 2002, Liên minh Sáng kiến Điện ảnh Kỹ thuật số (DCI_Digital Cinema Initiatives) được hình thành với mục tiêu tạo lập một chuẩn kỹ thuật số mới. Kết quả là DCI đã công bố hai đặc tả định dạng mới: 2K, và sau đó là 4K vào năm 2005.
Ngoài việc được sử dụng tại các rạp chiếu phim, UHD cũng đã xuất hiện trong một số modem tivi hiện đại giúp người dùng có thể trải nghiệm chất lượng hình ảnh siêu sắc nét tại nhà. Mặc dù với khoảng cách gần thì khả năng phân biệt sự khác nhau giữa chất lượng HD và UHD không đáng kể khiến cho màn hình tivi UHD còn chưa được ưu chuộng, nhưng với sự phát triển của việc xem các video trực tuyến sẽ là một bước đệm để hỗ trợ cho giải trí 4K phát triển tại nhà.
Tóm lại, với độ phân giải siêu cao và khả năng tái tạo màu sắc tinh tế, tivi UHD đã mở ra một thế giới mới của trải nghiệm giải trí tại nhà. Việc thưởng thức nội dung với độ chi tiết và sắc thái đặc sắc này không chỉ là việc đơn giản là xem, mà là trải nghiệm thực sự đưa người xem đến gần hơn với thế giới ảo.