Đặt vấn đề

Hệ thống công trình thuỷ lợi là cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ tưới tiêu cho 85% diện tích đất trồng trọt, góp phần quan trọng làm tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, thuỷ sản, đồng thời góp phần phòng chống giảm nhẹ thiên tai và thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác.

Biến đổi khí hậu tác động trực tiếp và sâu sắc đến tài nguyên nước Việt Nam, mùa mưa và lượng mưa đang có xu hướng diễn biến thất thường nên nguồn nước mùa khô có xu hướng suy giảm, cạn kiệt nguồn nước kéo dài hơn, tồi tệ hơn, nhiều khu vực nước ngọt cũng sẽ bị xâm nhập mặn, ô nhiễm gia tăng do dòng chảy không còn khả năng tự làm sạch, khả năng chống chọi với thiên tai, trong đó có hạn hán sẽ tạo ra thách thức lớn đối với bảo đảm an ninh về nước và phát triển xanh, bền vững. Áp lực nước cho các nhu cầu phát triển kinh tế - xã  hội ngày càng tăng. Trong đó, 70% lượng nước tưới sử dụng cho ngành nông nghiệp. Vai trò của hệ thống thủy lợi càng được nâng lên trong việc điều tiết nhu cầu tưới tiêu trong nông nghiệp.

Thủy lợi là một trong 19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình phục vụ tưới tiêu cho 13.045ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, HTTL đã và đang được cải tạo nâng cấp nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Chính vì vậy, nghiên cứu đánh giá hoạt động của hệ thống thủy lợi là cơ sở để đưa ra các giải pháp phát triển nông nghiệp phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp.

2. Một số kết quả chính đạt được

2.1. Một số yếu tố tự nhiên ảnh hưởng đến tưới tiêu nước ở huyện Kiến Xương

Địa hình huyện Kiến Xương có độ đồng đều không cao, và tập quán canh tác cũng khác nhau giữa 2 vùng Bắc và Nam của huyện, địa hình cao, thấp xen kẽ do ảnh hưởng của kiến tạo đất. Phù sa sông, biển tạo ra kiểu địa hình lượn sóng, hướng sóng chạy theo Tây Bắc – Đông Nam, các dẻo đất thấp trũng có thành phần cơ giới nặng (thịt trung bình, thịt nặng).

Khí hậu của huyện được chia làm 4 mùa xuân, hạ, thu, đông rõ rệt. Theo chế độ mưa có thể chia thành 2 mùa: mùa mưa và mùa khô. Trong giai đoạn 2012-2019, tổng lượng mưa bình quân hàng năm tương đối lớn và thay đổi theo các năm với lượng mưa trung bình nhiều năm khoảng 1737,6mm. Lượng mưa phân bố không đều giữa các tháng trong năm. Tổng lượng mưa vào mùa khô chỉ chiếm 16,47% lượng mưa cả năm; lượng mưa chủ yếu tập trung vào mùa mưa (chiếm khoảng 83,53%) nhưng cũng có sự phân hóa thành mưa phụ và mưa chính. Mưa phụ (mưa tiểu mãn) thường xuất hiện vào đầu mùa hạ, lượng mưa không cao; mưa chính tập trung chủ yếu từ cuối tháng 8 đến tháng 10, lượng mưa có thể đạt trên 350 mm/tháng. Số ngày mưa trung bình hàng năm cũng khá cao, phổ biến từ 150-160 ngày.

Thuỷ văn của huyện ảnh hưởng bởi hệ thống sông Hồng, sông Trà Lý, sông Kiến Giang và các con sông nhỏ trên địa bàn, tốc độ dòng chảy nhỏ, chủ yếu là về mùa mưa lũ. Sông Trà Lý nằm ở phía Bắc của huyện, là ranh giới tự nhiên giữa huyện với huyện Đông Hưng và huyện Thái Thụy. Đoạn chảy qua huyện có chiều dài 16km và chiều rộng trung bình 150-200m. Sông Trà Lý cung cấp nước và phù sa chủ yếu cho các xã ở phía Bắc của huyện. Sông Hồng nằm ở phía Nam của huyện, là ranh giới tự nhiên giữa huyện với tỉnh Nam Định. Đoạn chảy qua huyện có chiều dài 14,5km và chiều rộng từ 400-600m. Sông Hồng cung cấp nước và phù sa cho các xã ở phía Nam của huyện. Sông Kiến Giang chảy qua huyện từ Tây sang Đông có chiều dài 10km, chiều rộng trung bình 20-40m. Mùa lũ trùng với mùa mưa, mực nước dọc theo triền sông Hồng và sông Trà Lý thường đạt +1,5 ÷ +3,5m  thậm chí tới +4,0 ÷ +4,2m. Mùa khô mực nước sông xuống thấp lúc chân triều 0,0 ÷ -0,6m, lục đỉnh triều có thể đạt 2,0m. 

2.2. Đánh giá hoạt động của hệ thống thủy lợi của huyện Kiến Xương

a. Hiện trạng hệ thống thủy lợi trong xây dựng NTM

Hệ thống đê điều làm nhiệm vụ bảo vệ chống lại nước lũ, triều dâng gồm các tuyến: Đê Hữu Trà Lý, từ Km 32 + 700 ÷ Km 42 dài 9,3km; Đê Tả Hồng Hà II, từ Km 185 + 650 ÷ Km 200 dài 14,9km; Đê biển số 6 từ Km 0 ÷ Km 7 + 700 dài 7,7km. Ngoài ra có hệ thống đê bối dài 38,9km. Trong những năm gần đây, hệ thống đê đã được thường xuyên kiểm tra, gia cố, đặc biệt là vào mùa mưa bão để giảm thiểu những rủi ro cho sản xuất nông nghiệp và hoạt.

Do điều kiện tự nhiên của huyện không thay đổi nên các công trình thủy lợi trên toàn huyện giữ nguyên về mặt số lượng, với 34 cống dưới đê, 160 trạm bơm, 480 cống đập nội đồng, 383,96km sông dẫn, mật độ sông dẫn trên diện tích đất nông nghiệp bình quân toàn huyện 2,75 km/1km2. Trong giai đoạn này, xí nghiệp KTCTTL kết hợp với phòng NN&PTNT, các HTX dịch vụ nông nghiệp ở các xã tiến hành nạo vét khơi thông dòng chảy được triển khai hàng năm (đặc biệt trước mùa mưa bão) để nâng cao hiệu quả tiêu úng khi mưa lớn xảy ra. Tùy theo điều kiện địa hình, đặc điểm thuỷ văn, quy hoạch đồng ruộng của từng vùng, sự phân bố các công trình thuỷ lợi ở các vùng có sự khác nhau.

Trong giai đoạn thực hiện xây dựng NTM, toàn bộ 160 trạm bơm của huyện được nâng cấp, cải tạo để nâng cao hiệu quả phục vụ tưới và tiêu trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong đó, 31 trạm bơm được xây dựng lại trên vị trí trạm bơm cũ, đây là những trạm bơm được xây dựng từ trước năm 1990 đã xuống cấp nghiêm trọng. Còn 129 trạm bơm được nâng cấp cải tạo, đây là những trạm bơm được xây dựng từ sau năm 1990. Việc cải tạo hệ thống trạm bơm để giúp nâng cao khả năng cung cấp nước trong điều kiện tài nguyên nước diễn biến bất thường.

Để giảm lượng nước tổn thất trong quá trình tưới nước, kênh mương sau trạm bơm đã được cứng hoá theo phương án quy hoạch NTM. Trước năm 2010, tỷ lệ cứng hoá đạt 9,26%, vùng 1 có tỷ lệ cứng hoá cao nhất với 17,61%. Đến năm 2020, tỷ lệ cứng hóa kênh mương toàn huyện tăng lên 27,18%. Sau 10 năm xây dựng NTM, toàn huyện đã đầu tư nâng cấp kiên cố hóa được 180,01km kênh cấp I, tỷ lệ cứng hoá kênh cấp I tăng gần 84%. Bên cạnh đó, hệ thống cống đập nội đồng toàn huyện nâng cấp được 452 cống đập (đạt 94,17%).

Nhờ vậy, hệ thống thuỷ lợi huyện phục vụ tưới tiêu ổn định cho 13.045ha đất nông nghiệp. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động đạt 100%, đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ. Đến nay, 36/36 xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn tiêu chí thuỷ lợi.

b. Kết quả khai thác hệ thống thuỷ lợi

* Hướng điều tiết tưới tiêu chủ yếu như sau:

Tưới nước: Về vụ mùa mực nước sông Hồng lên cao không bị ảnh hưởng mặn nên có thể lấy nước từ tất cả các công dưới đê để cấp nước vào hệ thống phục vụ bơm tát và đặc biệt là khai thác khả năng tự chảy. Huyện Kiến Xương thuộc phân vùng tưới: Vùng tưới Lịch Bải - Nguyên Lâm Nước được lấy từ sông Hồng qua cống Mộ Đạo, cống Nguyệt Lâm; Vùng tưới Tam Lạc  - Vũ Đông; Vùng Dục Dương được cấp nước từ sông Trà Lý qua cống Tam Lạc, cống Vũ Đông, cống Dục Dương.

leftcenterrightdel

Hình 1. Bản đồ phân vùng tưới hệ thống thuỷ nông huyện Kiến Xương thuộc hệ thống thủy nông  Nam Thái Bình

Tiêu nước: Trên địa bàn huyện Kiến Xương, tiêu nước thường xuyên ra hệ thống sông Kiến Giang và hệ thống cống hạ du. Tiêu bán tự chảy hướng tiêu ra biển chủ yếu qua các cống Lân 1, Lân 2, Hoàng Môn, Nho Lâm và các cống tiêu ở hạ lưu sông Hồng, sông Trà Lý. Hướng tiêu chủ yếu ra sông Hồng và sông Trà Lý. Các trạm bơm đầu mối tiêu ra sông ngoài có quy mô từ trung bình đến lớn phần lớn là trạm bơm trục ngang.

leftcenterrightdel

Hình 2. Bản đồ phân vùng tiêu nước của hệ thống thuỷ nông huyện Kiến Xương thuộc hệ thống thủy nông Nam Thái Bình

Trong giai đoạn 2010-2020, hệ thống thuỷ lợi tạo nguồn nước tưới và tiêu nước cho 13.045ha đất nông nghiệp. Trong đó, diện tích đất cây hàng năm được tưới giảm 79ha chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản. Đây là khu vực có địa hình thấp trũng ở các xã, tập trung nhiều ở các xã ven sông Hồng và sông Trà Lý.

Việc nâng cấp trạm bơm, cống dưới đê và nạo vét sông dẫn giúp cho việc tạo nguồn nước tưới từ sông Hồng và sông Trà Lý phục vụ cho vùng nội đồng hiệu quả hơn. Diện tích tưới tự chảy vụ xuân đều tăng lên (từ 23,48% trước 2010 lên 24,09% diện tích vào năm 2020). Phần lớn diện tích được tưới do hệ thống trạm bơm cung cấp. Sự nâng cấp trạm bơm, cứng hoá kênh mương, cống điều tiết nội đồng đã giúp cho hiệu quả tưới nước được nâng lên, sự phân bố nguồn nước đồng đều giữa các xứ đồng (không còn hiện tượng chỗ quá thừa hoặc quá thiếu nước), giảm lượng nước tổn thất. Vì vậy, toàn bộ diện tích đều đủ nước tưới theo kế hoạch sản xuất hàng năm. Vào vụ mùa, khi mực nước sông dâng cao, tỷ lệ diện tích tưới tự chảy tăng lên 46,45% diện tích, diện tích tưới bằng trạm bơm giảm xuống còn 53,55% diện tích đất canh tác. Đây là thời điểm mà vấn đề tưới nước không gặp khó khăn do lượng mưa tập trung lớn. Diện tích tưới bằng trạm bơm ở vụ xuân và vụ mùa giảm xuống do diện tích nuôi trồng thuỷ sản được chuyển sang từ đất trồng cây hàng năm hình thức tưới là tự chảy.

Đối với vấn đề tiêu nước, việc nạo vét sông dẫn và khơi thông dòng chảy cùng với nâng cấp hệ thống trạm bơm, cống điều tiết đã làm tăng hiệu quả quá trình tiêu úng khi có mưa lớn giảm diện tích bị ngập và thời gian ngập được rút ngắn. Vụ xuân tiêu tự chảy là chủ yếu và có xu hướng tăng lên, diện tích tiêu bằng trạm bơm chiếm dưới 10% diện tích canh tác của vùng. Diện tích tiêu nước bằng trạm bơm chủ yếu tập trung giai đoạn tháng 4, tháng 5 cho những vùng thấp trũng. Trong vụ mùa, diện tích tiêu nước bằng trạm bơm vụ mùa cao gấp 2,35 lần so với vụ xuân, tỷ lệ diện tích tiêu tự chảy có xu hướng giảm xuống.

Trong vụ đông, HTTL chủ yếu phục vụ tưới cho cây vụ đông trên vùng chuyên màu, vùng đất cao trên đất lúa và diện tích nuôi trồng thuỷ sản. Toàn bộ diện tích trồng cây vụ đông được tưới bằng động lực. Diện tích tưới bằng trạm bơm đều tăng lên ở tất cả các vùng tưới trong huyện. Cụ thể, vùng 2 tăng lên nhiều nhất với 296ha, vùng 3 tăng lên ít nhất với 50ha. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản tăng lên từ 1.141ha trước 2010 lên 1.220ha vào năm 2020. Tưới tiêu đối với diện tích nuôi trồng thuỷ sản bằng hình thức tự chảy. Nguồn nước tưới được sử dụng chủ yếu được lưu trữ ở hệ thống sông dẫn. Chính vì vậy, nạo vét sông dẫn hạ thấp độ cao giúp tăng khả năng lưu trữ nước trong vụ đông. Việc cứng hoá kênh mương đã làm giảm lượng nước tổn thất do quá trình thấm nên lưu trữ nước trong hệ thống kênh ở vùng trồng màu sẽ dài hơn.

Xí nghiệp KTCTTL Kiến Xương còn phối hợp chặt chẽ với HTX sản xuất, kinh doanh DVNN các xã, thị trấn thực hiện công tác tưới hữu hiệu và tiêu úng hiệu quả. Xí nghiệp thường xuyên thông báo lịch điều tiết nước vào hệ thống để các địa phương chủ động lấy nước vào ruộng. Khi Xí ng

hiệp tiêu nước, các xã thực hiện khoanh vùng cao để giữ nước và tiêu nước cho vùng trũng phục vụ nông dân làm đất, gieo cấy và chăm sóc lúa mùa.

leftcenterrightdel

Hình 3. Trạm Lịch Bài bơm nước tiêu úng đợt mưa tháng 10/2020

leftcenterrightdel

Hình 4. Công tác khơi thông dòng chảy trước mùa mưa bão

 

2.3. Đánh giá những tác động của hệ thống thủy lợi tới sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Kiến Xương

a. Khái quát những ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của huyện

Trong những năm qua, nhiều dự án trong ngành nông nghiệp được triển khai như dự án nâng cấp hệ thống thủy lợi trong chương trình xây dựng nông thôn mới; tái cơ cấu ngành nông nghiệp với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất; Hoạt động của hệ thống thủy nông giúp đảm bảo tưới tiêu nước trong sản xuất nông nghiệp. Kết hợp với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện duy trì ổn định về diện tích và năng suất cây trồng.

Về cơ cấu mùa vụ, sản xuất nông nghiệp được chia làm 3 vụ (vụ xuân, vụ mùa, vụ đông). Lúa được sản xuất ở 2 vụ xuân và vụ mùa. Cây rau màu thường được bố trí trên những chân ruộng cao hoặc vàn cao. Đối với nhóm cây rau màu yêu cầu sử dụng nước thấp hơn so với lúa, nên áp lực của việc cung cấp nước không lớn nhưng việc tiêu thoát nước lại rất quan trọng (vì đây là nhóm cây không có khả năng chịu ngập). Đối với lúa, lượng nước sử dụng lớn tập trung vào giai đoạn làm đất, giai đoạn đầu sinh trưởng, giai đoạn làm đòng nên áp lực của việc cung cấp nước là lớn (đặc biệt là vào vụ xuân). Trong khi, vào vụ mùa áp lực tưới giảm xuống, áp lực tiêu nước lại tăng lên do thời điểm này lượng mưa lớn và tập trung. Tuy nhiên do lúa là cây trồng có khả năng chịu ngập nên áp lực tiêu thấp hơn so với cây trồng cạn

Năng suất lúa trong những năm qua giữ ổn định khoảng 59,33-65,90 tạ/ha. Trong đó, vụ xuân năng suất đạt 70-72 tạ/ha cao hơn so với vụ mùa đạt khoảng 58-60 tạ/ha.Nhóm cây rau màu có năng suất tương đối ổn định như: ngô có năng suất đạt khoảng 55,60-56,12 tạ/ha; đậu tương có năng suất đạt khoảng 21,90-22,15 tạ/ha; lạc có năng suất đạt khoảng đạt 31,15-32 tạ/ha; rau ăn lá có năng suất đạt khoảng đạt 249,85-259,11 tạ/ha; dưa lấy quả có năng suất đạt khoảng đạt 290,34-292,12 tạ/ha; rau họ đậu có năng suất đạt khoảng đạt 130,25-132,04 tạ/ha; rau lấy quả có năng suất đạt khoảng đạt 266,45-269,03 tạ/ha; rau lấy củ, rễ, thân có năng suất đạt khoảng đạt 254,02-256,81 tạ/ha.

b. Những đánh giá của người dân về hoạt động của hệ thống thủy lợi

Trên cơ sở tổng hợp phiếu điều tra nông hộ, người dân đã có những đánh giá về hoạt động của hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện. 100% hộ điều tra là các hộ có diện tích trồng lúa, nuôi trồng thủy sản và trồng cây rau màu nên nhiệm vụ tưới và tiêu nước sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của hộ. Theo đánh giá của các hộ gia đình được điều tra, nguồn nước là nguồn nước mặt từ hệ thống sông ngòi với chế độ tưới chủ động  và chất lượng nước tốt.

Đánh giá những khó khăn trong tưới nước, giai đoạn trước xây dựng NTM, cả 3 vùng điều tra có trên 50% số hộ đánh giá có gặp khó khăn trong tưới nước, vùng 2 có số hộ đánh giá khó khăn trong tưới nước cao nhất với 57,5% hộ điều tra. Các hộ gặp khó khăn về nước tưới là các hộ có chân ruộng cao hoặc nằm ở vùng xa nguồn nước tưới và thời điểm gặp khó khăn nhất chính là thời điểm lấy nước tưới cho canh tác lúa xuân, vụ đông. Tuy nhiên, sau khi thực hiện xây dựng NTM, tỷ lệ các hộ đánh giá gặp khó khăn trong tưới nước giảm xuống dưới 40%, (vùng 3 cao nhất có 16/40 tương đương 40%).

Đối với tiêu nước, vùng 2 có số hộ đánh giá gặp khó khăn cao nhất, cụ thể: trước khi xây dựng NTM với 45% hộ điều tra và sau khi xây dựng NTM giảm xuống còn 32,50% hộ điều tra. Kết quả này là do vùng 2 có diện tích cây rau màu tăng nhanh trong huyện nên vấn đề tiêu nước có vai trò quan trọng. Vùng 3 có số hộ đánh giá khó khăn ở mức thấp nhất và giảm từ 25% hộ điều tra trước khi thực hiện xây dựng NTM xuống còn 15% hộ điều tra sau khi xây dựng NTM. Nguyên nhân do vùng 3 chủ yếu canh tác lúa nên áp lực việc tiêu nước giảm hơn so với vùng trồng màu. Nhờ HTTL tiêu nước kịp thời giảm nguy cơ ngập úng nên diện tích tiêu gặp khó khăn giảm xuống.

Đánh giá về sự thay đổi hiện trạng kênh mương trong xây dựng NTM, đa số các hộ đánh giá HTTL được nâng cấp rất nhiều, thể hiện qua tỷ lệ kênh mương cứng hóa tăng lên, nâng cấp trạm bơm, cống điều tiết. Đánh giá về sự thay đổi tốt lên của hiện trạng kênh mương, vùng 2 có mức đánh giá cao nhất với 100% hộ điều tra, vùng 3 có mức đánh giá thấp nhất với 85% hộ điêu tra. Đánh giá là không thay đổi, vùng 3 có mức đánh giá cao nhất với 15% hộ điều tra. Số hộ đánh giá không thay đổi do diện tích canh tác của gia đình được bố trí ở khu vực đã được cứng hoá từ trước xây dựng NTM.

Hoạt động tưới nước của HTTL, 100% các hộ đều đánh giá ở mức tốt lên và không thay đổi. Trong đó, vùng 3 có mức đánh giá cao nhất về hoạt động tưới nước tốt hơn với 85% hộ điều tra. Vùng 2 đánh giá ở mức cao nhất về hoạt động tưới nước không thay đổi với 30% hộ điều tra. Những hộ đánh giá không thay đổi là những hộ cho rằng điều kiện lấy nước trước kia không gặp khó khăn.

Hoạt động tiêu nước của HTTL, 100% các hộ đều đánh giá ở mức tốt lên và không thay đổi. Trong đó, vùng 1 có mức đánh giá cao nhất với 87,50% hộ điều tra cho rằng hoạt động tiêu nước tốt hơn. Vùng 2 có mức đánh giá cao nhất với 25% hộ điều tra cho rằng hoạt động tiêu nước không thay đổi. Những hộ đánh giá không thay đổi là những hộ cho rằng tiêu nước trước kia không gặp khó khăn.

Đánh giá nâng cấp HTTL giúp cho sản xuất của gia đình thuận lợi hơn, vùng 3 có mức đánh giá thuận lợi hơn cao nhất với 77,50% hộ điều tra. Vùng 2 có mức đánh giá cao nhất với  35% hộ điều tra cho rằng không thay đổi so với trước. Việc đánh giá này thể hiện thông qua đánh giá mức ổn định về năng suất, mức chi phí phát sinh do ngập hoặc thiếu nước.

 Đánh giá về sự ổn định năng suất cây trồng, phần lớn các hộ đều tra đều đánh giá năng suất cây trồng ổn định, cụ thể: vùng 3 có mức đánh cao nhất với 95% hộ điều tra, vùng 2 có mức đánh giá thấp nhất với 87,5% hộ điều tra. Theo nhóm hộ đánh giá này, để có kết quả này là sự kết hợp đồng bộ chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, kỹ thuật canh tác, kiểm soát sâu bệnh, tưới tiêu nước hiệu quả. Bên cạnh đó, một tỷ lệ nhỏ hộ đánh giá năng suất không ổn định, trong đó vùng 2 với 20% hộ điều tra, vùng 3 có mức đánh giá thấp nhất với 5% hộ điều tra. Họ đánh giá năng suất không ổn định do nhiều nguyên nhân như không phun thuốc kịp thời theo khuyến cáo, diện tích bị ngập sâu hoặc bị ảnh hưởng của bão…

Đánh giá về chi phí phát sinh do thiếu nước và ngập úng bao gồm như chi phí giống phải cấy lại khi lúa gặp rét đậm rét hại kết hợp với thiếu nước hoặc ngập úng, chi phí xử lý khi lúa bị đổ do mưa bão và ngập… 100% các hộ điều tra ở các vùng đánh giá mức chí phí không tăng lên hoặc giảm xuống. Đánh giá về mức chi phí không thay đổi, vùng 2 có mức đánh giá cao nhất với 52,50% hộ điều tra. Đánh giá về chi phí giảm xuống, vùng 1 có mức đánh giá cao nhất với 67,50% hộ điều tra.

2.4. Đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả tưới tiêu của hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện Kiến Xương

Nâng cao hiệu quả tưới tiêu nước của HTTL là một trong những giải pháp quan trọng góp phần phát triển sản nông nghiệp trên địa bàn huyện. Để có thể thực tốt giải pháp này cần thực hiện các biện pháp cụ thể:

Biện pháp công trình: Tập trung nạo vét các cửa lấy nước của công trình đầu mối, đảm bảo đủ mắt cắt lấy đủ nước vào hệ thống tưới. Đồng thời, tiếp tục nạo vét, khơi thông các trục sông chính như Kiến Giang, Nguyệt Lâm, Cự Lâm, Tam Lạc, Dục Dương… Duy tu, bảo dưỡng các công trình lấy nước như trạm bơm, cống lấy nước, cống điều tiết, các xã chuẩn bị thêm các trạm bơm dã chiến kịp lấy nước cho các vùng bị hạn chế nguồn nước.

Tiếp tục cứng hoá hệ thống kênh mương đã được quy hoạch trong NTM; Nâng cấp tiếp  cống điều tiết mặt ruộng còn lại. Đây là giải pháp tốt nhất để giảm thất thoát nước do lượng nước tổn thất dọc đường hiện nay là rất lớn.

Biện pháp phi công trình: Xí nghiệp KTCTTL huyện kết hợp với phòng NN&PTNT xây dựng kế hoạch tưới hợp lý, chủ động phối hợp chặt chẽ với lịch gieo cấy để không lãng phí nguồn nước. Để đảm bảo đủ nước tưới cho toàn bộ diện tích, các HTX dịch vụ nông nghiệp lên kế hoạch tưới cụ thể trong từng vụ như khoanh vùng tưới cụ thể (vùng tưới trước, vùng tưới sau) để đảm bảo phân bố đồng đều, tránh hiện tượng chỗ thừa nước, chỗ thiếu nước. Đồng thời, xây dựng phương án phòng chống lụt bão, thực hiện tốt công tác nạo vét, khơi thông dòng chảy đảm bảo hiệu quả tiêu nước nhanh chóng, kịp thời hàng năm vào mùa mưa.

Cần có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp (vụ xuân giảm diện tích trồng lúa, tăng tỷ lệ diện tích lúa xuân muộn để tận dụng mưa đầu mùa, mở rộng diện tích rau màu để giảm căng thẳng về nước tưới) với những vùng canh tác tưới nước gặp khó khăn (phân bố chủ yếu trên chân ruộng cao tập trung nhiều ở các quanh trục đường tỉnh lô 39B). Vùng canh tác gặp khó khăn trong tiêu nước, các địa phương chuyển đổi sang mô hình nuôi trồng thuỷ sản, mô hình trang trại tổng hợp (tập trung nhiều các xã nằm ven đê sông Hồng và sông Trà Lý).

3. Kết luận

Hệ thống thuỷ lợi trên địa bàn huyện được nâng cấp cải tạo từ hệ thống cống, trạm bơm dưới đê đến hệ thống trạm bơm, kênh sau trạm bơm, cống điều tiết mặt ruộng. Đến năm 2020, 36/36 xã phương đạt tiêu chí thuỷ lợi trong xây dựng nông thôn mới. Hệ thống thủy lợi của huyện tưới và tiêu nước chủ động đạt 100% diện tích sản xuất nông nghiệp và đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ. Hệ thống thủy lợi đã góp phần đảm bảo tưới tiêu cho 13.045ha đất nông nghiệp, duy trì diện tích trồng trọt và đảm bảo năng suất lúa ổn định. Các hộ điều tra đều đánh giá diện tích tưới tiêu gặp khó khăn giảm đi trong giai đoạn thực hiện xây dựng NTM. 100% các hộ điều tra đánh giá hiện trạng hệ thống kênh mương, hoạt động tưới tiêu nước tốt hơn góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn trong phát triển sản xuất của hộ. Để nâng cao hiệu quả của hoạt động của hệ thống thủy lợi phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện cần thực hiện đồng bộ các biện pháp công trình và biện pháp phi công trình như: tiếp tục nâng cấp, cải tạo hiện trạng hệ thống thống thuỷ lợi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng kế hoạch tưới cụ thể từng vụ và kế hoạch phòng chống lụt bão trong mùa mưa… 

Tài liệu tham khảo         

1.       Ban chỉ đạo tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản trung ương (2017). Báo cáo tóm tắt Kết quả chính thức tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016.

2.       Bộ NN&PTNT (2014). Đề án nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi.

3.       Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Xương (2020). Báo cáo diện tích, năng suất, sản lượng cây trồng ở huyện Kiến Xương.

4.       Phòng NN&PTNT huyện Kiến Xương (2008). Đề án tưới tiêu nước phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp huyện Kiến Xương.

5.       UBND huyện Kiến Xương (2020). Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.

 

Vũ Thị Xuân & Cộng sự,  Nhóm nghiên cứu mạnh Quản lý tổng hợp đất nước và dinh dưỡng cây trồng

E.mail: vtxuan@vnua.edu.vn