Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về sản xuất muối (xếp hạng thứ 23/62 quốc gia có sản xuất muối biển), có bờ biển dài 3.260 km, có 21 tỉnh sản xuất muối, được trải dài từ Hải Phòng đến Cà Mau. Nước biển của Việt Nam có độ mặn khoảng (3-3,3)‰, tương đương với độ mặn trung bình của nước biển trên thế giới. Tuy nhiên, do đặc thù thời tiết khí hậu nước ta thường xuyên mưa bão trên phạm vi cả nước nên những công nghệ và thiết bị sản xuất muối truyền thống, lạc hậu đã ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, chất lượng muối ở nước ta.

Sản xuất muối tại Việt Nam hiện tại đang áp dụng hai phương pháp sau:

1) Phương pháp sản xuất muối phơi nước dùng các thiết bị thô sơ như: Ô phơi chạt, bơm, guồng đạp nước, cào muối. Phương pháp này áp dụng tại các tỉnh miền trung và miền nam Việt Nam.

leftcenterrightdel
 

2) Phương pháp phơi cát dùng thiết bị là ô phơi cát, bể lọc chạt, ô kết tinh muối, phương pháp sản xuất muối phơi cát áp dụng phổ biến ở các đồng muối phía bắc Việt Nam.

leftcenterrightdel
 

Nhược điểm của hai phương pháp sản xuất muối nêu trên là:

-  Sử dụng dụng cụ thô sơ, cổ truyền, đã có từ lâu đời, không được cải tiến cơ giới hóa; công việc làm muối quá vất vả, nặng nhọc, năng suất thấp;

-  Sản lượng muối thất thoát lớn do phụ thuộc nhiều vào thời tiết khí hậu: Lượng nước chạt lưu lại trên các ô phơi rất lớn (từ 1.000 đến 2.000 m3/ha) rất khó bảo quản, khi gặp mưa sẽ gây nhiều tổn thất;

-  Chu kỳ sản xuất muối dài ngày do phương pháp bay hơi trên mặt bằng nên lượng nước bay hơi bị hạn chế dẫn đến năng suất chất lượng thấp;

-  Không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (đặc biệt là muối để xuất khẩu và sinh hoạt, y tế...).

Theo thống kê của Cục Kinh tế hợp tác – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Nhu cầu sử dụng muối ở Việt nam 1.500.000 - 1.600.000 tấn, sản lượng muối hàng năm đạt khoảng 1.000.000 tấn. Hàng năm ta phải nhập khẩu 500.000-600.000 tấn muối. 

Hiện nay, cơ sở hạ tầng đồng muối nước ta đang bị xuống cấp (kể cả các ruộng muối quy mô hộ gia đình, liên hộ và các cánh đồng muối sản xuất tập trung quy mô nhỏ), chưa được chú trọng đầu tư; Sản xuất muối chủ yếu vẫn theo phương pháp thủ công: Lao động nặng nhọc nên năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, thị trường tiêu thụ hẹp… dẫn đến giá thành cao, khó cạnh tranh so với các nước trên thế giới và luôn biến động qua các năm. Diện tích đồng muối đang bị thu hẹp, bỏ hoang hoặc chuyển đổi mục đích canh tác khác như nuôi tôm, thủy hải sản…

Nghề làm muối khó bảo tồn và phát triển được, đời sống hàng triệu diêm dân trong nước gặp nhiều khó khăn. Người làm muối không thể sống được bằng chính nghề truyền thống của mình.

Vấn đề đặt ra là cần phát triển diện tích muối công nghiệp, áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến, thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nhất là khâu thu hoạch, tăng năng suất muối, nâng cao giá trị hạt muối Việt.

Trên thế giới cũng đã có một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, Ấn Độ, Mỹ, Pháp … ứng dụng những công nghệ và thiết bị có năng suất sản xuất muối cao... song đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị cũng cao, diện tích sản xuất phải lớn và tập trung. Tuy nhiên chất lượng muối bị ảnh hưởng bởi vật liệu làm thiết bị sản xuất muối (gỗ, tre nứa, rơm, rạ...). Mặt khác, thiết bị nước ngoài không phù hợp đặc điểm khí hậu thời tiết ở nước ta nên khả năng áp dụng gặp nhiều hạn chế.

Từ nghiên cứu trong và ngoài nước, chúng tôi đề xuất mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất muối biển bằng phương pháp bay hơi lập thể E3D.

 

leftcenterrightdel

Sơ đồ mô hình hệ thống thiết bị sản xuất muối biển bằng phương pháp bay hơi lập thể (E3D)

1-      Nguồn nước biển; 2 - Hệ thống xử lý nước biển; 3 – Hệ thống sản xuất nước chạt;

4 – Hệ thống kết tinh muối; 5 – Trạm xử lý chất thải

 

Đánh giá về Hệ thống thiết bị sản xuất muối biển bằng phương pháp bay hơi lập thể (E3D):

- Vốn đầu tư thiết bị công nghệ thấp (do sử dụng tối đa các thiết bị nội địa), thu hồi vốn nhanh, công suất linh hoạt, khai thác tận dụng vật liệu sẵn có, nguồn năng lượng tái tạo tại địa phương (năng lượng gió, mặt trời…);

- Nâng cao năng suất (dự kiến tăng 2 – 3 lần trên cùng diện tích so phương pháp sản xuất muối truyền thống);

- Sản phẩm thu được là muối sạch, đáp ứng vi chất cần thiết cho sức khỏe con người; Góp phần nâng cao giá trị hạt muối Việt, cải thiện thu nhập cho người làm muối;

- Hệ thống thiết bị được khép kín, kết cấu gọn nhẹ, di chuyển cơ động, không phụ thuộc vào thời, khí hậu... nên có sản xuất muối mọi lúc, mọi nơi;

- Giảm ô nhiễm môi trường, đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm;

Mô hình sản xuất muối biển bằng công nghệ bay hơi lập thể (E3D) đã được giới thiệu thử nghiệm về mặt nguyên lý làm việc tại Diêm Điền, Thái Bình.

leftcenterrightdel
 

Mô hình trên cho thấy có tính khả thi cao áp dụng trong sản xuất muối biển ở nước ta vì có những ưu điểm nổi trội nêu trên, hy vọng nếu được nghiên cứu ứng dụng trong thực tiễn nước ta sẽ là một giải pháp tốt nhằm phát triển bền vững nghề sản xuất muối biển trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở nước ta.

Hoàng Đức Liên