Biến đổi khí hậu được dự đoán là sẽ tiếp tục diễn ra hết sức phức tạp và tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực, vùng và các quốc gia. Trên cơ sở đánh giá mối tương quan giữa điều kiện sinh thái tới sự phát sinh, phát triển của một số đối tượng dịch hại quan trọng trên cây trồng có thể thấy với những biến đổi của thời tiết, khí hậu như hiện nay, nhiệt độ ngày càng tăng cao, mưa gió thất thường, ngập lụt ngày một nhiều hơn và xẩy ra không theo quy luật… sẽ là những yếu tố góp phần làm xuất hiện các loài dịch hại mới do phá vỡ cân bằng sinh thái, nhiều loài dịch hại từ thứ yếu trở thành chủ yếu, vòng đời của dịch hại ngắn lại, số lứa tăng lên, khả năng sinh sản tăng cao, tính độc dịch hại biến đổi theo chiều hướng tăng lên… thiệt hại do chúng gây ra ngày càng nghiêm trọng.

Ở Việt Nam trong thời gian gần đây có rất nhiều dịch hại được ghi nhận xuất hiện lần đầu tiên hoặc bùng phát trở lại như “Bệnh Lùn sọc đen phương nam do virus Fijivirus – 2 và môi giới là rầy lưng trắng đã xuất hiện và gây thành dịch tại Nghệ An 7/2009”; Bệnh thối gốc do vi khuẩn Erwinia Crotovora xuất hiện lần đầu tiên tại Quảng Ngãi 8/2007”, “rày xám hay rày nâu nhỏ Laodelphax Striatellus đã xuất hiện như loại sâu hại mới trên cây lúa tại huyện Bình Giang, Hải Dương trong vụ xuân 2009”…

Bệnh lùn sọc đen phương nam: Bệnh lùn sọc phương Nam hại lúa lần đầu tiên xuất hiện năm 2009, gây hại nặng trên lúa Hè Thu, Mùa ở nhiều tỉnh phía Bắc. Nguyên nhân gây bệnh là virus Southern Rice Black Streaked Dwarf Virus (SRBSDV), rầy lưng trắng (Sogatella furcifera) là môi giới lây truyền virus. Cây lúa ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh bị nhiễm virus sẽ không trỗ được hoặc giảm năng suất nghiêm trọng.

Để có giải pháp căn cơ và toàn diện cho việc phòng chống bệnh lùn sọc đen phương nam, ngày 16 tháng 8 năm 2018, nhóm nghiên cứu mạnh về Bệnh cây, Côn trùng và cây Lúa đã tiến hành seminar với chủ đề “Bệnh lùn sọc đen phương nam và các giải pháp phòng chống”.

Tham gia buổi seminar có sự tham gia của GS.TS. Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, GS.TS. Trần Đức Viên – Chủ tịch Hội đồng Học viện, TS. Lê Huỳnh Thanh Phương – Trưởng Ban Khoa học và Công nghệ, PGS. TS. Trần Văn Quang – Trưởng khoa Nông học; GS.TS. Ngô Vĩnh Viễn – Nguyên Viện trưởng viện Bảo vệ thực vật.


Tham luận tại buổi seminar: GS.TS. Ngô Vĩnh Viễn đã trình bày những vấn đề liên quan đến quá trình phát sinh, phát triển và gây hại của bệnh lùn sọc đen phương nam, mô hình hóa quá trình di trú của rày lưng trắng v à đặc biệt, GS. Viễn chia sẻ những kinh nghiêm thực tế trong th ời gian tham gia chống dịch và những vấn đề cần nghiên cứu, giải quyết để có thể chủ động phòng chống bệnh được tốt nhất.


Tiếp theo bài trình bày, chia sẻ của GS. Ngô Vĩnh Viễn, thay mặt nhóm nghiên cứu mạnh về Bệnh Cây, PGS.TS. Hà Viết Cường đã trình bày những nghiên cứu của nhóm về đặc điểm sinh học, quy luật phát sinh phát triển của virus gây bệnh lùn sọc đen phương nam (virus Fijivirus – 2) và những vấn đề về truyền lan bệnh và kỹ thuật phòng chống tổng hợp bệnh và những vấn đề cần nghiên cứu, hoàn thiện để hoàn thiện quy trình phòng chống bệnh tốt như vấn đề chẩn đoán và xác định tỷ lệ rầy lưng trắng mang nguồn bệnh, vấn đề di trú của rày.

 

Trình bày về vấn đề liên quan đến vector truyền bệnh là rầy lưng trắng (Sogatella furcifera), TS. Nguyễn Đức Khánh – Đại diện nhóm nghiên cứu mạnh về Côn trùng trình bày các kết quả nghiên cứu về đặc điểm sinh học, quy luật phát sinh phát triển, ký chủ của rầy lưng trắng, vấn đề kháng thuốc của rầy lưng trắng và những kỹ thuật phòng trừ cần thiết để giám sát tốt hơn khả năng truyền bệnh của nhóm môi giới truyền bệnh này.


Tham dự buổi seminar GS.TS. Nguyễn Thị Lan đánh giá cao những nghiên cứu của các nhóm nghiên cứu mạnh. Tuy nhiên, các nhà khoa học của nhóm cần nghiên cứu, công bố các kết quả nghiên cứu tốt hơn, tham gia tích cực hơn nữa vào các hoạt động phòng chống dịch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo GS. Nguyễn Thị Lan, vì nguyên nhân gây bệnh là nhóm virus và vector truyền bệnh là rày lưng trắng có khả năng biến thể cao, vòng đời ngắn… do vậy các nhà khoa học của Học viện không nên chủ quan, mà cần đẩy mạnh các nghiên cứu như: Sàng lọc và lựa chọn giống kháng; Thử nghiệm và lựa chọn các thuốc có khả năng phòng trừ cao hạn chế sự kháng thuốc; Dự tính dự báo tình hình bệnh hại. và đặc biệt là cần có kịch bản để xử lý 1 vùng dịch cụ thể… và đặc biệt GS. Nguyễn Thị Lan cũng đề nghị Khoa Nông học cần có sự phối hợp tốt hơn nữa với các đơn vị nghiên cứu trong Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để triển khai nhiều hơn nữa các buổi seminar chuyên đề, giúp cho định hướng nghiên cứu khoa học phục vụ xã hội được tốt hơn.