Là con gái của một gia đình nông dân nhỏ ở Việt Nam, cha cô đã khuyên Vân Schepler Lưu không nên theo đuổi sự nghiệp nông nghiệp, vì ông cho rằng đó không phải là con đường dẫn đến sự thịnh vượng. Nhưng thay vì nản lòng, cô coi đó như một thử thách để thực hiện phần việc của mình để khiến cuộc sống của những người nông dân trồng lúa, giống như cha cô, trở nên tốt đẹp hơn. Trong cuộc phỏng vấn này với TS. Vân Schepler Lưu, chúng tôi đã hỏi nhà khoa học đầy nhiệt huyết này điều gì đã thu hút cô đến với lĩnh vực nghiên cứu thực vật học của mình và tại sao cô lại đưa ra quyết định thay đổi cuộc đời khi chuyển gia đình đi nửa vòng trái đất từ Đức đến Philippines để trở thành một phần của Viện IRRI (International Rice Research Institute – Viện Nghiên cứu lúa quốc tế).

 

Xin hãy giới thiệu về bản thân và chia sẻ thêm về quá trình học tập và kinh nghiệm công tác của tiến sỹ.

Tên tôi là Vân Schepler Lưu. Tôi là một nhà nghiên cứu thực vật học phân tử có kiến thức nền tảng về sinh học phân tử và nhân giống cây trồng. Tôi đã học đại học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam và đã thực hiện nhiều dự án nhân giống lúa nhằm kháng bệnh và chất lượng hạt cao. Tôi tốt nghiệp Thạc sĩ Khoa học Sinh học về Sinh học Tế bào Phân tử và Phát triển của Thực vật tại Đại học Heidelberg và đã hoàn thành chương trình Tiến sĩ tại Viện Sinh thái Hóa học Max Planck ở Đức. Dự án tiến sĩ của tôi nghiên cứu khám phá các cơ chế bảo vệ mới trong hệ thống mầm bệnh thực vật hoang dã, giúp xác định một nhóm các chất chuyển hóa thứ cấp của thực vật và các vi sinh vật có liên quan đến rễ giúp tăng sức đề kháng của thực vật chống lại nấm bệnh bản địa.

Trước khi chuyển đến IRRI, tôi đã làm trưởng nhóm Nghiên cứu lúa tại Đại học Düsseldorf ở Đức trong 4 năm 6 tháng. Tôi là thành viên của Hiệp hội Cây trồng Sức khỏe lớn (Health Crops Consortium) do Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ và đã nghiên cứu để phát triển lúa kháng bệnh bạc lá do vi khuẩn phổ rộng và bền cho châu Á và châu Phi bằng cách sử dụng chỉnh sửa bộ gen.

Tôi tham gia IRRI với vai trò trưởng nhóm Bệnh thực vật và Kháng cây ký chủ. Đó là một đặc ân giúp tôi để tiếp tục trang sử khoa học của IRRI nói chung và nhóm bệnh thực vật nói riêng.

 

Tại sao bà lại chọn lĩnh vực nghiên cứu đó?

Tôi nhận ra những gì tôi muốn làm trong cuộc sống từ rất sớm nhưng tôi không vạch ra và cũng không kỳ vọng về con đường cuộc đời của tôi sau này sẽ như thế nào. Tôi bắt nguồn từ nông nghiệp và lớn lên với nghề trồng lúa từ khi bố mẹ tôi là nông dân sản xuất nhỏ tại một ngôi làng ở đồng bằng sông Hồng.

Khi tôi còn là một cô bé, bố tôi đã nói với tôi rằng: “Nếu con muốn thoát nghèo, con cần chăm chỉ học tập và chọn một nghề nghiệp khác ngoài làm nông”. Câu nói ấy cứ lởn vởn trong đầu tôi và tôi tự hỏi mình: Tại sao lại như vậy và tại sao nông dân vẫn luôn nghèo? Tôi thấy điều đó là không công bằng vì nông nghiệp là gốc rễ của nền văn minh và là nền tảng của xã hội chúng ta. Tôi muốn giúp những người nông dân trồng lúa, nhưng tôi không biết làm thế nào. Suy nghĩ đơn giản của tôi là có lẽ chúng ta cần đổi mới nhiều hơn trong nông nghiệp. Đó là lý do tại sao tôi chọn nghiên cứu chủ đề mới nhất trong nông nghiệp lúc bấy giờ là công nghệ sinh học thực vật. Với những nghiên cứu chuyên sâu về nông nghiệp và những kinh nghiệm thu được trong suốt chặng đường, tôi thấy suy nghĩ ban đầu của mình là đúng, đúng vậy, chúng ta cần đổi mới hơn nữa trong nông nghiệp. Và để có sự đổi mới tốt trong nông nghiệp, chúng ta cần hiểu di truyền thực vật và chúng ta cần hiểu sự tương tác giữa thực vật và các đối tác khác, bao gồm vi khuẩn và côn trùng. Đó là lý do tại sao lĩnh vực nghiên cứu của tôi chủ yếu tập trung vào nghiên cứu và cải tiến di truyền thực vật và tương tác thực vật-vi khuẩn-côn trùng. Bên cạnh đó, tôi nhận ra rằng đổi mới một mặt là tốt; mặt khác, làm thế nào để chuyển đổi các đổi mới nghiên cứu thành các giải pháp thực tiễn và tạo ra các tác động với chúng cũng quan trọng như chính việc phát hiện ra đổi mới. Đối với điều này, IRRI là nơi tốt nhất để tôi chọn làm việc.

 

Hãy giới thiệu về gia đình và những sở thích khác ngoài công việc của bà.

Tôi có một gia đình luôn ủng hộ tôi. Chồng tôi đã từ chối làm CEO của một tổ chức phi chính phủ để hỗ trợ sự nghiệp của tôi và luôn ủng hộ tôi ở bất cứ đâu. Con gái tôi năm nay năm tuổi và luôn mang lại niềm vui và hạnh phúc lớn khi tôi về nhà.

Tôi thích trồng cây, rau và hoa. Con gái tôi nói: "Chúng ta cần phải cứu trái đất vì trái đất cứu chúng ta". Và con nói khi lớn lên, con muốn trở thành người thu gom tất cả rác thải và tôi sẽ là người trồng cây.

 

Van Schepler Luu với chồng và con gái

 

Bà đã tìm hiểu về IRRI như thế nào? Điều gì đã khiến bà nộp đơn xin việc tại IRRI?

Tôi đã biết về IRRI khoảng 15 năm trước khi tôi đang học chương trình đại học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam và học về Di truyền học lúa gạo. Vào thời điểm đó, IRRI là viện nghiên cứu phát hiện gen lúa tiến bộ nhất về khám phá gen. Chương trình khám phá gen tại IRRI đã nổi tiếng tại thời điểm đó; rất nhiều lô-cut tính trạng số lượng quan trọng đã được phát hiện tại IRRI. IRRI là nguồn cung cấp vật liệu tiên tiến cho nhiều chương trình nhân giống trên toàn thế giới.

Kể từ đó, tôi luôn muốn đến IRRI vì đối với tôi, IRRI là Viện nghiên cứu của lúa. Thật không may, tôi chưa từng có cơ hội đến thăm IRRI cho đến khi tôi có thể gia nhập IRRI với tư cách là một nhà khoa học. Tôi muốn trở thành một phần của mạng lưới khoa học IRRI, một phần lịch sử của IRRI. Quan trọng hơn, tôi muốn phát triển và mang các giải pháp sáng tạo đến tay người nông dân để xóa đói giảm nghèo cho nông dân trồng lúa. Đó là lý do tại sao tôi tham gia IRRI.

 

Bà đã nhận được một số lời mời làm việc từ các tổ chức có uy tín tương tự. Điều gì đã khiến bà chọn IRRI thay vì các tổ chức khác?

Tôi đã chọn trở thành lãnh đạo mới của nhóm Bệnh thực vật và Kháng thực vật ký chủ tại IRRI và từ chối những lời đề nghị khác vì một số lý do. Lý do đầu tiên là vì lịch sử của IRRI về di truyền và tiến bộ của cây lúa như tôi đã giải thích ở trên, có nghĩa là nguồn lực để nghiên cứu cây lúa ở IRRI là rất lớn (nghĩ về ngân hàng gen và tất cả các vật liệu di truyền cây lúa hiện có). Lý do thứ hai là tôi tin rằng với vị trí này, tôi sẽ có một đội ngũ và mạng lưới hỗ trợ tuyệt vời để hiện thực hóa nhiều điều tôi muốn làm nhằm thúc đẩy đổi mới giống lúa của chúng tôi nhằm tăng khả năng chống chọi với mầm bệnh và sâu bệnh cho cây lúa. Lý do thứ ba là tôi tin rằng bất kỳ sự đổi mới nào mà tôi phát triển tại IRRI sẽ được chuyển giao đến tận tay người nông dân và tôi có thể nhanh chóng nhận ra liệu những việc tôi đang thực hiện có những ảnh hưởng tích cực nào phù hợp với sứ mệnh của tôi hay không.

Tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều về việc chuyển gia đình tôi sang bên kia của quả địa cầu, nhất là khi mà gần đây có khá nhiều bất ổn tại IRRI. Tôi đã cần rất nhiều sự động viên và hỗ trợ, không chỉ từ gia đình, bạn bè mà còn từ những người cố vấn của tôi. Tôi may mắn có nhiều người cố vấn tuyệt vời trên con đường của tôi – những người luôn cho tôi nhiều lời khuyên và hỗ trợ bất cứ khi nào tôi cần.

 

Kinh nghiệm của bà tại IRRI cho đến nay như thế nào? Bà có ấn tượng gì về IRRI trước khi được tuyển dụng và giờ chúng có gì thay đổi khi bà đã là thành viên của Viện IRRI?

Tôi yêu IRRI! Đó là những gì tôi có thể nói lúc này - sau một tháng làm việc tại đây. Nhiều hơn rất nhiều so với tôi nghĩ! Các thành viên trong nhóm của tôi rất tuyệt. Họ là những chuyên gia trong lĩnh vực của họ và họ hiểu rõ những gì họ đang làm. Họ cung cấp một bầu không khí làm việc mang tính xây dựng và sôi nổi và họ thể hiện sự nhiệt tình với khoa học trong những cuộc thảo luận của chúng tôi. Tôi cảm thấy như đang ở trên một chiếc thuyền buồm nơi mà tất cả các thành viên trong nhóm biết họ phải làm gì và tôi chỉ cần tìm nơi chúng tôi muốn chèo thuyền đến.

Tôi rất ngạc nhiên bởi sự ủng hộ của các nhà khoa học tại IRRI. Tất cả những người mà tôi đã gặp cho đến nay đã rất nhiệt tình chào đón tôi, đã mang tới cho tôi nhiều lời khuyên và những cuộc thảo luận ý nghĩa. Nhiều người trong số họ sẽ là cộng sự trực tiếp của tôi trong nhiều dự án, và tôi mong muốn được hợp tác chặt chẽ với các nhà khoa học của IRRI.

 

TS. Vân Schepler Lưu và nhóm nghiên cứu trong chuyến đi kiểm tra bệnh hại lúa trên ruộng của IRRI

 

Có bất kỳ sự phát triển/công nghệ/tiến bộ mới nào mà bà hào hứng và mong muốn được là một phần hay không?  

Nói chung, tôi rất quan tâm đến các công nghệ nhân giống tiên tiến vì tôi tin rằng chúng có thể thúc đẩy nhân giống lúa phát triển hơn nữa. Các công cụ mới như chỉnh sửa bộ gen, giải trình tự thế hệ mới bao gồm giải trình tự tế bào đơn, bộ gen di truyền và hệ vi sinh vật, nếu được kết hợp và sử dụng đúng cách, có thể tác động đáng kể đến các chương trình nghiên cứu và nhân giống lúa của chúng tôi.