Thực hiện chiến lược phát triển về KHCN của Khoa Quản lý đất đai đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trong vấn đề thực hiện các kết quả nghiên cứu gắn với thực tiễn của ngành Quản lý Đất đai, Khoa học đất, Kỹ thuật tài nguyên nước, góp phần cho sự phát triển ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ngành Tài nguyên Môi trường của đất nước. Trong giai đoạn vừa qua, Khoa Quản lý Đất đai đã đẩy mạnh sự liên kết trong hoạt động nghiên cứu khoa học với các Sở KHCN các tỉnh, các viện nghiên cứu, các địa phương nhằm tạo ra sản phẩm khoa học đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Trong các ngày 13-15/4/2018, Đoàn công tác của Khoa gồm PGS.TS. Cao Việt Hà - Trưởng Khoa, PGS.TS. Trần Trọng Phương - Phó Trưởng khoa cùng các CBGD của Bộ môn Trắc địa Bản đồ đã làm việc với Sở KHCN tỉnh Gia Lai. Tiếp và làm việc với Đoàn, phía Sở KHCN Gia Lai có đ/c Lưu Trung Nghĩa - Giám đốc Sở, đ/c Dương Thị Ngà - PGĐ Sở, đ/c Nguyễn Nam Hải - PGĐ Sở cùng các Trưởng phòng, ban chuyên môn thuộc Sở.
Tại Hội nghị, 2 bên đã cùng trao đổi, thảo luận chi tiết các nội dung 2 bên có thế mạnh, năng lực để hợp tác trao đổi, nghiên cứu khoa học. Khoa Quản lý đất đai đã đề xuất một số nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao khoa học vào thực tiễn sản xuất là thế mạnh của Khoa trong suốt hơn 40 năm qua. Các đề xuất của Khoa đã được Ban Giám đốc Sở và các phòng ban chuyên môn đánh giá cao và đề nghị Khoa, Học viện sớm nghiên cứu và cụ thể hóa các nội dung. Chương trình đề xuất hợp tác gồm:
1. Khoa Quản lý Đất đai, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
+ Nghiên cứu biến động và xây dựng quy trình chẩn đoán chất lượng đất phục vụ nông nghiệp công nghệ cao; Sử dụng ảnh viễn thám để xác định độ ẩm trong đất và để kiểm soát sử dụng đất lúa; Xây dựng bản đồ trực tuyến hướng dẫn bón phân cho các loại cây trồng;
+ Nghiên cứu xây dựng hệ thống đánh giá thổ nhưỡng phục vụ phát triển ngành nông nghiệp, các cây trồng chủ lực theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Tiềm năng đất phục vụ phát triển vùng nông nghiệp công nghệ cao/nông nghiệp đô thị/phát triển nông nghiệp sạch và ứng dụng công nghệ trong xây dựng mô hình quản lý chất lượng đất nông nghiệp;
+ Ứng dụng công nghệ viễn thám (RS) và hệ thống thông tin địa lý (GIS), quản lý bằng phần mềm để đánh giá dự báo và cảnh báo tình trạng xói mòn đất trên đất dốc canh tác vùng đồi núi của tỉnh Gia Lai;
+ Ứng dụng Google Maps API xây dựng bản đồ trực tuyến chỉ dẫn địa lý vùng các cây trồng chủ lực của tỉnh Gia Lai. Ứng dụng công nghệ viễn thám (RS) và hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong đánh giá biến động sử dụng lớp phủ phục vụ quản lý tài nguyên đất rừng và dự báo tình trạng mất đất rừng do biến đổi khí hậu;
+ Xây dựng mô hình xác định giá đất và xây dựng bản đồ xác định giá đất phù hợp với phát triển kinh tế xã hội ở trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Nghiên cứu các chính sách khuyến khích tích tụ đất đai để hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
- Tư vấn các công nghệ, quy trình công nghệ để Sở KH&CN tỉnh Gia Lai hỗ trợ quản lý thổ nhưỡng, phục vụ các vấn đề công nghệ phát triển ngành Nông nghiệp bền vững của tỉnh.
- Hỗ trợ tỉnh Gia Lai, Sở KH&CN đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo năng lực của Khoa và của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
2. Về phía Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai
Sở sẽ huy động, khuyến khích cán bộ quản lý của Sở để phối hợp với Khoa Quản lý Đất đai triển khai các nhiệm vụ; hỗ trợ Khoa vấn đề tư vấn các thủ tục, quy định của pháp luật liên quan đến phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Sở để xây dựng, đề xuất nhiệm vụ.
Huy động mọi nguồn lực (vấn đề kinh phí, nhân lực) để triển khai hợp tác với Khoa Quản lý Đất đai -Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Giới thiệu Khoa Quản lý Đất đai tham gia chuyển giao công nghệ mà Học viện sở hữu cho các dự án, chương trình KH&CN phù hợp.
Phối hợp và mời chuyên gia của Khoa Quản lý Đất đai tham gia Hội đồng phản biện và các Hội thảo khoa học (nếu có) phù hợp với yêu cầu chuyên môn đặt ra. Tham mưu UBND tỉnh đặt hàng một số nhiệm vụ KH&CN phù hợp với Tỉnh mà Khoa Quản lý Đất đai đề xuất.
Tích cực tham gia các nhiệm vụ KH&CN của Khoa Quản lý đất đai và của Học viện Nông nghiệp Việt Nam triển khai trên địa bàn Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng.
Thông tin, vận động và hỗ trợ cán bộ Sở KH&CN, các ngành, địa phương của tỉnh Gia Lai tham gia đào tạo chất lượng cao (tiến sỹ, thạc sỹ), đào tạo lại và đào tạo bồi dưỡng các khoá học ngắn hạn do Khoa, Học viện đào tạo.
Kết thúc phiên trao đổi thảo luận, hai bên đã ghi biên bản hợp tác về khoa học công nghệ đến năm 2020 và những năm tiếp theo.