Ruồi đục quả (fruit fly) hay ruồi đục trái là nhóm côn trùng thuộc 2 họ Tephritidae và Drosophilidae, Bộ hai cánh (Diptera). Ruồi đục quả có màu sắc sặc sỡ, có các vân màu vàng, nâu, đen trên cánh và trên cơ thể, thường xuất hiện và gây hại trên các vườn cây ăn quả và cây rau như ổi, xoài, cây có múi, măng cụt, cà chua, cây thuộc họ bầu bí. Trong đó, ruồi đục quả họ Tephritidae gây hại nguy hiểm hơn so với họ Drosophilidae trên cây trồng nông nghiệp.
Hình 1. Ruồi đục quả và triệu chứng gây hại (a. Ruồi đục quả Phương Đông Bactrocera dorsalis, a. Triệu chứng gây hại của ruồi đục quả trên ổi; c. Triệu chứng gây hại trong ruột quả ổi) (nguồn ảnh: a. https://www.fao.org.vn/sau-benh/ruoi-duc-qua/; b,c: Thân Thế Anh & cs., 2020)
Ở Việt Nam đã ghi nhận 16 loài ruồi đục quả, trong đó các loài phổ biến xuất hiện như Bactrocera dorsalis, Bactrocera correcta, Bactrocera curcubitae. Trưởng thành cái ruồi đục quả đẻ trứng trên vỏ quả và khi nở sâu non đục vào trong, ăn và sống trong quả, gây ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng quả. Trưởng thành cái ruồi đục quả có sức đẻ trứng rất cao lên đến trên 1.000 trứng trong suốt thời gian sống của một trưởng thành cái. Vì vậy, sức tăng quần thể của ruồi đục quả rất mạnh mẽ, gây thiệt hại lớn cho nhiều loại cây trồng. Đây cũng là sinh vật ngoại lai nguy hiểm bị nhiều nước trên thế giới liệt vào danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật, là rào cản lớn trong việc xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam ra thị trường quốc tế.
Hình 2. Một số loài ruồi đục quả phổ biến ở Việt Nam (a. Ruồi đục quả Phương Đông Bactrocera dorsalis; b. Ruồi đục quả bầu bí Bactrocera cucurbitae; c. Ruồi đục quả ổi Bactrocera correcta) (nguồn ảnh: Thân Thế Anh & cs., 2020)
Hiện nay, có nhiều biện pháp kiểm soát ruồi đục quả đã được áp dụng như sử dụng bẫy bả, bẫy pheromone, sử dụng các loại thuốc hóa học, sử dụng các biện pháp bọc quả, dùng màn để che cây,... nhưng hiệu quả chưa thực sự cao và ổn định. Một biện pháp hiện nay được nhiều nước quan tâm (đặc biệt áp dụng nhiều tại Úc) cho hiệu quả áp dụng cao với đối tượng ruồi đục quả có tên là Phương pháp khử đực (Sterile insect technique viết tắt là SIT). SIT là phương pháp nhân nuôi số lượng lớn một loài côn trùng, ứng dụng kỹ thuật chiếu xạ bằng tia Gamma hoặc tia X để khử đực, sau đó thả côn trùng đực bất dục này ra ngoài để cạnh tranh giao phối với các cá thể đực khác ngoài tự nhiên nhằm hạn chế số lượng ruồi đục quả được sinh ra. Tại Việt Nam, theo báo cáo của IAEA (2019), nhóm nghiên cứu của Nguyễn Thị Thanh Hiền & cs. với sự hỗ trợ của FAO/IAEA đã tiến hành thử nghiệm SIT để kiểm soát một số loài ruồi đục quả trong sản xuất thanh long ở Bình Thuận cho hiệu quả rõ rệt. Do đó, việc mở rộng áp dụng phương pháp SIT này tại Việt Nam trên những cây trồng khác như ổi, xoài, nhóm cây có múi là có triển vọng. Trước mắt, cần tập trung nghiên cứu sâu hơn về nâng cao kỹ thuật nhân nuôi ruồi, nghiên cứu về mật độ thả ruồi, các kỹ thuật thả để tối ưu quần thể ruồi được thả ra ngoài tự nhiên nhằm khắc phục những khó khăn trong điều kiện canh tác hiện nay tại Việt Nam.
Ruồi đục quả là đối tượng sâu hại nguy hiểm, việc nghiên cứu mở rộng mô hình sử dụng SIT kết hợp với các biện pháp đang sử dụng để phòng trừ tổng hợp ruồi đục quả là rất cần thiết. Phương pháp mới này có triển vọng giúp tăng đáng kể năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm rau, hoa quả phục vụ cho đời sống nhân dân và đảm bảo chất lượng xuất khẩu nông sản ra thị trường quốc tế.
Tài liệu tham khảo
Department of Primary Industries and Regional Development (2018). Sterile insect technique for fruit fly control [Online]. Government of Western Australia. Truy cập từ https://www.agric.wa.gov.au/medfly/sterile-insect-technique-fruit-fly-control?page=0%2C1 ngày 12.10.2021.
Fao (1998). The Sterile Insect Technique [Online]. FAO. Truy cập từ https://www.fao.org/News/1998/sit-e.htm ngày 12.10.2021.
IAEA. (2019). "Integrated Pest Management to Boost Dragon Fruit Production in Viet Nam." Retrieved 12.10.2021, from https://www.iaea.org/newscenter/news/integrated-pest-management-to-boost-dragon-fruit-production-in-viet-nam.
The University of Florida Bactrocera dorsalis (Hendel) (Insecta: Diptera: Tephritidae) [Online]. The University of Florida. Truy cập từ https://entnemdept.ufl.edu/creatures/fruit/tropical/oriental_fruit_fly.htm ngày 12.10.2021.
Thân Thế Anh, Bộ môn Côn trùng, Khoa Nông học