Quản lý chất thải là thách thức lớn đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt với các quốc gia đông dân và có tốc độ phát triển kinh tế nhanh. Việt Nam có dân số đông thứ 3 khu vực Đông Nam Á và thứ 14 thế giới, cộng với quá trình phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế - xã hội trong những năm vừa qua đã tạo ra những sức ép lớn tới chất lượng môi trường do lượng chất thải phát sinh ngày càng tăng. Quản lý chất thải, bảo vệ môi trường trở thành nhiệm vụ trọng tâm góp phần phát triển bền vững nền kinh tế đất nước ở hiện tại và tương lai.
Theo Báo cáo của Tổng cục Môi trường (2016), khối lượng chất thải rắn y tể của nước ta phát sinh ở mức 600 tấn/ngày, trong đó có khoảng 8 – 10% là chất thải nguy hại, tốc độ gia tăng bình quân của chất thải rắn y tế là 7,6%/năm. Trong khi đó, lượng nước thải phát sinh từ các cơ sở y tế trên địa bàn cả nước là 150.000 m3/ngày đêm, có xu hướng tăng lên theo thời gian. Mặc dù khối lượng chất thải y tế chiểm tỷ lệ không lớn như các loại chất thải phát sinh từ sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp... nhưng mức độ độc hại của nguồn thải này lại rất cao do có chứa các mầm bệnh, các chất hóa học, dịch tễ và khả năng lây nhiễm cao. Chính vì vậy, yêu cầu quản lý và xử lý nguồn thải phát sinh từ các cơ sở y tế rất quan trọng và phải thực hiện bằng những quy trình riêng biệt.
Thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với sự nghiệp bảo vệ môi trường của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Thầy và trò Khoa Tài nguyên và Môi trường – Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trọng đào tạo, học tập, nghiên cứu khoa học và triển khai tiến bộ kỹ thuật cho các địa phương trong cả nước đối với công tác quản lý chất thải nói chung và quản lý chất thải y tế nói riêng. Dự án “Điều tra hiện trạng phát sinh chất thải tại các cơ sở y tế trên địa tỉnh và đề xuất các biện pháp quản lý” được các giảng viên của Khoa trực tiếp thực hiện tại tỉnh Bắc Ninh năm 2020 là một minh chứng rõ nét nhất. Dự án thể hiện sự gắn kết đào tạo với giải quyết vấn đề môi trường thực tế tại các địa phương giúp chương trình đào tạo ngành Khoa học môi trường và Công nghệ môi trường của Học viện luôn theo sát và đáp ứng hiệu quả yêu cầu thực tiễn đề ra. Quá trình triển khai dự án, giảng viên của Khoa Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra các giải pháp tổng thể giúp tỉnh Bắc Ninh xây dựng và cải thiện hiệu quả hệ thống quản lý chất thải y tế hiện có, khẳng định năng lực và trình độ cao của đội ngũ thầy cô giáo trong giải quyết các vấn đề thực tế. Bên cạnh đó, dự án đã huy động một lượng lớn sinh viên chuyên ngành Khoa học môi trường của Học viện tham gia vào các công việc thực tế như: điều tra khảo sát, thu thập thông tin; kiểm toán thành phần chất thải; phân tích và đánh giá hệ thống quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải; đánh giá năng lực đáp ứng yêu cầu pháp lý về bảo vệ môi trường của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Các hoạt động trải nghiệm thực tế này giúp sinh viên củng cố được kiến thức chuyên môn, rèn luyện thành thạo kỹ năng chuyên ngành và từng bước phát triển tư duy giải quyết vấn đề. Nhờ đó, các sinh viên môi trường thuộc chuyên ngành Khoa học môi trường và Công nghệ kỹ thuật môi trường của Học viện Nông nghiệp Việt Nam luôn tự tin với năng lực của bản thân sau khi tốt nghiệp và đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ môi trường cho đất nước.
|
|
Thầy cô và sinh viên Khoa Tài nguyên và Môi trường làm việc và trao đổi với cán bộ tại cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh |
Các kết quả của dự án còn chỉ ra điểm yếu cốt lõi trong hoạt động quản lý rác thải y tế ở nước ta đó là nguồn nhân lực bảo vệ môi trường tại các địa phương còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn. Hầu hết các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến xã và cơ sở y tế tư nhân chưa có cán bộ chuyên trách về bảo vệ môi trường. Trong khi đó các cán bộ phụ trách môi trường tại các bệnh viện tuyến tỉnh còn chưa được đào tạo bài bản và đúng chuyên môn về môi trường. Thêm vào đó, các mô hình và kỹ thuật quản lý chất thải y tế hiện tại của Bắc Ninh nói riêng và của nước ta hiện nay tương đối lạc hậu với 2 hình thức chủ yếu là chôn lấp và đốt. Điều này dẫn tới hiệu quả quản lý chất thải y tế thấp, chi phí xử lý cao và lãng phí tài nguyên thiên nhiên. Để giải quyết những bất cập nói trên tỉnh Bắc Ninh nói riêng và các địa phương khác ở nước ta nói chung cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ môi trường đông đảo, được trang bị các kiến thức khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong thời gian tới. Đây là cơ hội rộng mở cho để các sinh viên môi trường tìm kiếm cơ hội việc làm và khẳng địnhnăng lực của bản thân, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ bảo vệ môi trường và sức khỏe của nhân dân.
|
|
Điều tra, thu thập thông tin |
|
|
|
|
Kiểm tra và đánh giá hệ thống lưu trữ, vận chuyển chất thải rắn y tế |
Sinh viên ngành Khoa học môi trường tham gia vào các hoạt động thực tế của dự án trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
TS. Cao Trường Sơn – BM Quản lý Môi trường,
Khoa Tài nguyên và Môi trường