Nguyễn Văn Giáp1, Đào Đoan Trang2, Lê Thị Trinh3,
Nguyễn Quang Đức3, Cao Thị Bích Phượng1, Huỳnh Thị Mỹ Lệ1*
1Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
2Trung tâm Thực nghiệm và Bảo tồn vật nuôi, Viện Chăn nuôi,
3Công ty cổ phần Thú y xanh (Greenvet)
*Tác giả liên hệ: huynhtmle@vnua.edu.vn
Giới thiệu: Bệnh viêm thận ở động vật thuộc lớp chim (avian nephritis) là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi một số loại virus, trong đó có virus gây bệnh Viêm phế quản truyền nhiễm (Infectious bronchitis virus, IBV) và Avian nephritis virus (ANV). Ở Việt Nam, bệnh tích viêm thận thường được chẩn đoán liên quan tới IBV.
Mục đích nghiên cứu: Cho đến thời điểm hiện tại, ở Việt Nam, chưa có công bố nào về bệnh viêm thận do ANV nói chung, cũng như sự hiện diện của ANV ở gà nói riêng. Trong khuôn khổ của bài báo này, chúng tôi trình bày kết quả phát hiện ANV và phân tích đặc điểm sinh học phân tử của virus ở ca bệnh có bệnh tích viêm thận tích muối urat, thu thập ở gà Lạc Thủy 4-5 tuần tuổi, nuôi tại Hà Nội năm 2019.
Phương pháp nghiên cứu: Trong nghiên cứu này, kỹ thuật RT-PCR được dùng để phát hiện ANV. Mẫu bệnh phẩm là mẫu gộp phủ tạng, gồm: thanh quản, khí quản, phổi; thận; hạch lympho manh tràng. Mẫu được nghiền bằng cối chày sứ và hòa thành huyễn dịch 10% trong đệm PBS 1X. Tách ARN tổng số của huyễn dịch bệnh phẩm bằng Patho Gene-spin DNA/RNA Extraction Kit, với các bước thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Chuyển ARN thành cDNA sử dụng kít RT PreMix ở nhiệt độ 45°C trong 60 phút. IBV được phát hiện bằng phản ứng nested RT-PCR với PCR vòng ngoài dùng cặp mồi UTR1/UTR2 và cặp mồi vòng trong là UTR3/UTR4. Sản phẩn PCR được giải mã bằng phương pháp Sanger’s, thực hiện bởi Công ty 1st BASE (Malaysia).
Kết quả: Kết quả đã phát hiện ANV ở ca bệnh có bệnh tích viêm thận tích muối urat và âm tính với IBV. Giải mã và phân tích trình tự gen ORF1a của chủng G19.24.2 cho thấy chủng này tương đồng 95,3% so với chủng ANV/CHN/BJCP510-2/2018 (MN732558) phát hiện tại Trung Quốc năm 2018. Dựa vào đặc điểm phân nhánh của cây phát sinh chủng loại, chủng ANV phát hiện trong nghiên cứu được xếp vào genotype 7.
Ghi chú: 11 chủng ANV biết trước genotype (dựa vào trình tự genome) là tham chiếu, đánh dấu mũi tên. Giá trị ở các nút (node) biểu thị mức tin cậy cho phân nhánh. Thước đo (phía dưới) là số thay đổi ở mỗi vị trí nucleotide. Đồ thị đính kèm biểu thị phân bố mức tương đồng trình tự nucleotide giữa 2 nhánh lớn.
Cây phát sinh chủng loại của ANV dựa vào gen ORF1a
Kết luận: Kết quả RT-PCR và giải trình tự gen đã khẳng định sự hiện diện của ANV ở gà nuôi tại Hà Nội. Dựa vào trình tự gen ORF1a, chủng ANV được xếp vào genotype 7 và giống 81,20% đến 95,30% so với 25 chủng ANV thu thập từ GenBank