Khoa Công nghệ thực phẩm đạt nhiều thành tích NCKH của giảng viên và sinh viên, sở hữu loạt bằng độc quyền giải pháp hữu ích cùng nhiều bài báo quốc tế uy tín.
Sáng ngày 15/5, Khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học và cuộc thi ý tưởng sáng tạo khoa học công nghệ của sinh viên năm 2025.
Tham dự Hội nghị có sự hiện diện của Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh - Trưởng khoa Khoa Công nghệ thực phẩm; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lại Thị Ngọc Hà và Tiến sĩ Nguyễn Thị Hạnh - Phó Trưởng khoa Khoa Công nghệ thực phẩm; Tiến sĩ Giang Trung Khoa - Trưởng ban Công tác chính trị và công tác sinh viên cùng đông đảo nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên của Khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh - Trưởng khoa Khoa Công nghệ thực phẩm cho biết, từ những công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên, có thể khẳng định rằng đây không chỉ là kết quả của quá trình học tập và rèn luyện, mà còn là nền tảng quan trọng, là bước đệm vững chắc để các em tiếp tục học lên các bậc cao hơn trong tương lai.
“Thông qua việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, sinh viên được rèn luyện tư duy phản biện, phương pháp nghiên cứu độc lập, khả năng giải quyết vấn đề thực tiễn và nâng cao kỹ năng làm việc nhóm, trình bày, thuyết trình. Đây cũng chính là cơ hội để các em khẳng định bản thân, đóng góp tri thức cho cộng đồng và tích lũy hành trang quý báu cho con đường phát triển lâu dài sau khi tốt nghiệp.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định rõ vai trò của giáo dục đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu, đồng thời đặt ra nhiều mục tiêu, phương hướng chỉ đạo cụ thể nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển đội ngũ trí thức trẻ, khuyến khích đổi mới sáng tạo và tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học.
Bám sát các nội dung của Nghị quyết, trong thời gian tới, nhà trường sẽ tập trung triển khai các giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học cho sinh viên, giảng viên của trường”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh cho hay.
    |
 |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh - Trưởng khoa Khoa Công nghệ thực phẩm. |
Báo cáo tổng kết về hoạt động nghiên cứu khoa học của cán bộ và sinh viên trong năm 2024, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lại Thị Ngọc Hà - Phó Trưởng khoa Khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: “Năm 2024, Khoa Công nghệ thực phẩm đã hoàn thành 4 đề tài/dự án hợp tác quốc tế, trong đó, 1 dự án đã được nghiệm thu; 3 đề tài địa phương (Quảng Ninh, Hòa Bình, Hà Nội) đều đã được nghiệm thu đúng hạn; 2 đề tài cấp Học viện trọng điểm đang thực hiện; 3 đề tài cấp Học viện.
Về công bố khoa học và độc quyền giải pháp hữu ích, nhà trường sở hữu 2 bằng độc quyền giải pháp hữu ích; 10 bài báo quốc tế; 13 bài báo trong nước. Trong năm 2024, Khoa đã tham gia 4 hội thảo quốc tế và 3 hội thảo trong nước.
Về kết quả hoạt động của sinh viên, có 7 đề tài nghiên cứu khoa học và tăng gấp đôi so với các năm trước. Bên cạnh các đề tài được duyệt, các nhóm sinh viên tích cực đề xuất đề tài nghiên cứu trong khuôn khổ Đề án 500 đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học của Học viện. Các nhóm sinh viên cũng tích cực tham gia cuộc thi Khởi nghiệp Nông nghiệp đổi mới sáng tạo; tham gia các cuộc thi do Khoa và Học viện phát động, thực hiện làm các sản phẩm thử nghiệm trưng bày tại các sự kiện lớn của Học viện, tham gia phục vụ kiểm định chương trình đào tạo của Khoa”.
    |
 |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lại Thị Ngọc Hà - Phó Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. |
Đánh giá chung về hoạt động nghiên cứu khoa học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lại Thị Ngọc Hà cho biết, cán bộ trong Khoa luôn luôn có trách nhiệm và tích cực tham gia các hoạt động khoa học công nghệ của Khoa và của Học viện.
Hai nhóm nghiên cứu mạnh của Khoa tích cực hoạt động, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu của nhóm. Hợp tác quốc tế và trong nước được tăng cường. Các giảng viên tích cực tham gia hoạt động của các nhóm nghiên cứu mạnh, tìm kiếm nguồn tài chính để thực hiện các nghiên cứu, đam mê nghiên cứu khoa học nhằm ứng dụng trong đời sống đồng thời tăng tính thực tế, tính khoa học và tính cập nhật trong giảng dạy. Bên cạnh đó, cán bộ tích cực tham gia hội thảo, hội thảo chuyên đề khoa học để trao đổi, học hỏi và cập nhật các kiến thức ngành, chuyên ngành.
Ngoài ra, hoạt động nghiên cứu khoa học được phát động, lan tỏa trong sinh viên các khóa và đến tất cả các lớp. Tất cả các lớp thuộc Khoa Công nghệ thực phẩm đều tham gia đề xuất ý tưởng sinh viên nghiên cứu khoa học. Hội thảo khoa học định kỳ của Khoa thu hút được sự quan tâm và tham gia của nhiều sinh viên.
Nhiều sinh viên hứng thú và chủ động tham gia các cuộc thi khởi nghiệp do Học viện và các đơn vị khác tổ chức. Câu lạc bộ Sinh viên nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp thu hút được các em sinh viên năm thứ nhất đến năm thứ tư, hoạt động có tổ chức, có chiến lược, kế hoạch, đã tổ chức được nhiều hoạt động khoa học công nghệ như: các buổi sinh hoạt chuyên ngành định kỳ hàng tuần; các cuộc thi với chủ đề về ngành, về sản phẩm thực phẩm; cuộc thi ý tưởng nghiên cứu khoa học; đi thăm các cơ sở sản xuất/nhà máy trong lĩnh vực;...
    |
 |
Toàn cảnh Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học và cuộc thi ý tưởng sáng tạo khoa học công nghệ của sinh viên năm 2025. |
Trong thời gian tới, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên và cán bộ trong Khoa, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lại Thị Ngọc Hà đã đề ra nhiều giải pháp thiết thực sẽ được triển khai đồng bộ.
Trước hết, Khoa sẽ tạo điều kiện để cán bộ và sinh viên được tiếp cận và trải nghiệm thực tế thông qua các chuyến thăm quan, khảo sát tại nhà máy, cơ sở chế biến, địa phương và các đơn vị sản xuất. Việc tiếp xúc với thực tiễn sẽ giúp các đề tài nghiên cứu xuất phát từ nhu cầu thực tế, từ đó đưa ra được những giải pháp có tính ứng dụng cao, góp phần giải quyết các vấn đề đang đặt ra trong đời sống và sản xuất.
Bên cạnh đó, Khoa sẽ đẩy mạnh việc kết nối và phối hợp hợp tác giữa cán bộ, sinh viên trong Khoa với các giảng viên, nhà nghiên cứu và sinh viên ở các đơn vị khác trong và ngoài Học viện. Sự giao lưu học thuật này không chỉ góp phần mở rộng góc nhìn nghiên cứu mà còn nâng cao năng lực làm việc nhóm, khả năng học hỏi lẫn nhau, hướng tới xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, liên ngành và liên lĩnh vực.
Đặc biệt, Khoa sẽ chú trọng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho sinh viên và cán bộ trẻ tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, tham dự các hội thảo chuyên môn cả trong nước và quốc tế. Đây là cơ hội để học hỏi, tiếp cận các xu hướng nghiên cứu mới, đồng thời quảng bá kết quả nghiên cứu và nâng cao uy tín học thuật của cán bộ, sinh viên trong Khoa.
Ngoài ra, việc triển khai sớm Đề án “500 đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học” của Học viện cũng sẽ được Khoa tích cực hưởng ứng và thực hiện. Thông qua các giải pháp này, Khoa kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng một môi trường học thuật năng động, sáng tạo và gắn liền với thực tiễn, từng bước nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu.
Tham dự hội nghị, em Nguyễn Thị Ngọc Huyền - sinh viên khoa Công nghệ thực phẩm đã trình bày đề tài “Khả năng chuyển đổi của nước whey đậu phụ thành loại nước chức năng mới nhờ hệ vi sinh vật trong Kombucha”.
Theo chia sẻ của Ngọc Huyền, whey đậu phụ là nguồn nguyên liệu giàu dinh dưỡng nhưng hiện nay thường bị thải bỏ, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, xu hướng tiêu dùng hiện nay đang gia tăng mạnh mẽ nhu cầu đối với các loại đồ uống tự nhiên, có lợi cho sức khỏe. Kombucha là một loại trà lên men giàu probiotic hiện đang rất phổ biến trên thị trường nhờ những lợi ích đối với hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch.
Việc kết hợp giữa whey đậu phụ và kombucha không chỉ mở ra hướng đi mới trong phát triển sản phẩm đồ uống mà còn góp phần tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm, từ đó hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Đây là một hướng nghiên cứu tiềm năng, vừa mang tính sáng tạo, vừa thân thiện với môi trường.
    |
 |
Sinh viên Nguyễn Thị Ngọc Huyền phát biểu tại hội nghị. |
Qua quá trình nghiên cứu, nhóm đã rút ra kết luận rằng tỷ lệ đường bổ sung phù hợp cho quá trình lên men là 10%, pH lên men tối ưu là 5,00 + 0,05 với tỷ lệ bổ sung dịch mồi là 10% và thời gian lên men thích hợp là 9 ngày. Thời gian xử lý nhiệt 10 phút ở nhiệt độ 90 độ C cho phép sản phẩm whey đậu nành giữ cảm quan tốt trong thời gian 70 ngày ở điều kiện bảo quản nhiệt độ thường.
Bên cạnh đó, trình bày đề tài “Nghiên cứu xác định một số thông số kỹ thuật trong quy trình chế biến matcha từ giống chè Shan tuyết Suối Giàng”, em Hoàng Minh Quân - sinh viên khoa Công nghệ thực phẩm đặt vấn đề: “Cây chè là một trong những cây công nghiệp lâu năm có giá trị kinh tế cao, được trồng rộng khắp từ Bắc vào Nam. Ngoài ra, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia xuất khẩu chè lớn nhất thế giới, sản phẩm chè đã có mặt tại hơn 60 quốc gia.
Ngành chè đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, tạo việc làm cho hàng trăm ngàn người lao động. Chính phủ và các cơ quan ban ngành đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển ngành chè, nhằm xây dựng thương hiệu chè Việt trên thị trường quốc tế”.
Mục tiêu chung của nhóm nghiên cứu là xác định một số thông số kỹ thuật phù hợp trong quy trình chế biến matcha từ lá chè Shan tuyết Suối Giàng, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị thương mại của sản phẩm.
Mục tiêu cụ thể là nghiên cứu lựa chọn nguyên liệu lá chè phù hợp (số lá non, hình thái búp); xác định chế độ diệt men tối ưu để giữ màu sắc và hoạt chất sinh học; tìm ra kỹ thuật sấy phù hợp nhằm đảm bảo cảm quan và chất lượng dinh dưỡng.
Yêu cầu kỹ thuật là xác định hàm lượng chất hòa tan, tanin, chlorophyll, polyphenol của từng công thức. Đánh giá cảm quan về màu sắc, hương vị, độ mịn của bột. Tìm ra công thức cân bằng giữa kỹ thuật chế biến và giá trị cảm quan, dinh dưỡng tốt nhất.
    |
 |
Sinh viên Hoàng Minh Quân phát biểu tại hội nghị. |
Tại hội nghị, sinh viên tham dự sẽ có cơ hội giao lưu, đặt câu hỏi trực tiếp với các giảng viên, nghiên cứu sinh và thành viên trong các nhóm nghiên cứu. Đây là dịp quan trọng giúp sinh viên mở rộng kiến thức, đào sâu các chủ đề chuyên môn đang theo đuổi, đồng thời rèn luyện kỹ năng đặt vấn đề và thảo luận học thuật.
Việc chủ động nêu câu hỏi không chỉ giúp sinh viên làm rõ những nội dung chưa hiểu, mà còn góp phần phát triển tư duy phản biện, khả năng phân tích và giải quyết vấn đề - những kỹ năng cần thiết để ứng dụng vào thực tiễn trong ngành Công nghệ thực phẩm. Qua đó, sinh viên sẽ tích lũy thêm kiến thức chuyên sâu, kết nối tốt hơn giữa lý thuyết và thực hành, đồng thời nâng cao sự tự tin trong học tập và nghiên cứu.Về phía giảng viên, hội nghị là cơ hội để tiếp tục đồng hành cùng sinh viên trên con đường nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh đó, vai trò của giảng viên không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức, mà còn là người hướng dẫn, định hướng và hỗ trợ sinh viên trong quá trình hình thành và phát triển các đề tài nghiên cứu.
Công nghệ thực phẩm (tiếng Anh là Food Technology) là ngành chuyên về lĩnh vực bảo quản và chế biến nông sản nhằm tối ưu hóa dinh dưỡng trong việc phục vụ nhu cầu ăn uống của cộng đồng. Ngành đào tạo kiến thức nền tảng, chuyên sâu về hóa học, sinh học; vệ sinh an toàn thực phẩm; nguyên liệu chế biến và quy trình phân tích, đánh giá chất lượng thực phẩm; phương pháp chế biến thực phẩm... Nghiên cứu, thiết kế, lắp đặt, vận hành dây chuyền sản xuất; tổ chức, quản lý (công nghệ, kỹ thuật, chất lượng sản phẩm) và điều hành sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm.
Sinh viên theo học ngành Công nghệ thực phẩm được trang bị nền tảng kiến thức vững chắc về hóa học, sinh học, vệ sinh an toàn thực phẩm, nguyên liệu và phương pháp chế biến thực phẩm, kỹ thuật đánh giá chất lượng, phân tích thành phần dinh dưỡng cũng như các quy trình bảo quản hiện đại. Ngoài kiến thức lý thuyết, sinh viên còn được thực hành thường xuyên trong phòng thí nghiệm, rèn luyện kỹ năng phân tích thực phẩm, kiểm định vệ sinh an toàn và vận hành quy trình chế biến, sản xuất thực phẩm thực tế.
Cơ hội việc làm trong ngành Công nghệ thực phẩm hiện rất rộng mở và đa dạng. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc tại các doanh nghiệp chế biến thực phẩm như thịt, sữa, đồ hộp, cà phê, chè, thủy sản... Họ cũng có thể tham gia vào lĩnh vực bảo quản, xuất khẩu thực phẩm, làm việc tại các viện nghiên cứu, trung tâm dinh dưỡng, y tế dự phòng hay các phòng thí nghiệm và nhà máy thực phẩm với vai trò kỹ thuật viên, quản lý chất lượng hoặc vận hành dây chuyền sản xuất. Ngoài ra, sinh viên còn có thể trở thành giảng viên trong các cơ sở đào tạo chuyên ngành hoặc khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nguyên liệu thực phẩm. Với nhu cầu thị trường ngày càng cao, đây là ngành học hứa hẹn nhiều triển vọng phát triển bền vững.
Mọi thông tin chi tiết về ngành Công nghệ thực phẩm, học sinh và phụ huynh xem chi tiết tại: https://tuyensinh.vnua.edu.vn/nganh-cong-nghe-thuc-pham
|
Bài và ảnh: Thúy Hiền
https://giaoduc.net.vn/