Nếu một lần cầm thử trên tay những lát snack khoai tây mỏng mảnh, giòn tan và thơm phức của Công ty Orion Food Vina, có thể bạn không biết rằng nó được làm từ những củ khoai tây trồng trên những cánh đồng mẫu lớn ở nhiều tỉnh thành Việt Nam.

Trong hơn một thập kỷ, với sự hỗ trợ của các nhà nghiên cứu Viện Sinh học Nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), các hộ nông dân Hải Phòng, Thanh Hóa, Bắc Giang, Hưng Yên… đã cung cấp nguyên liệu đạt yêu cầu cho công ty Orion Food Vina, dù thời tiết và thị trường có biến động ngược xuôi.

leftcenterrightdel
Khoai tây trong nhà màng khí canh do Công ty Orion Vina tài trợ cho Viện Công nghệ sinh học
 Khoai tây trong nhà màng khí canh do Công ty Orion Vina tài trợ cho Viện Công nghệ sinh học.

Giữa lúc các nhà quản lý vẫn đi tìm những mô hình tối ưu để tạo sự kết nối ba nhà (doanh nghiệp – khoa học – nông dân) để tìm đầu ra cho nông sản Việt Nam thì bằng sự tin cậy đủ sức tháo gỡ những bế tắc gặp phải trên đường, một mô hình như thế đã tồn tại và chứng minh sức mạnh của mình. “Mấu chốt của tất cả vẫn là cam kết đồng hành đường dài và xa của doanh nghiệp để nhà khoa học yên tâm nghiên cứu và bà con yên tâm chăm bón. Khi ấy, chuỗi liên kết sâu giữa ba nhà sẽ chẳng phải là chuyện gì quá xa xôi” – TS Nguyễn Xuân Trường, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) nhận xét về nguyên nhân thành công.

Mối nhân duyên trời định

Từ đầu những năm 2000, Orion - doanh nghiệp sản xuất đồ ăn nhẹ duy nhất của Hàn Quốc lọt vào top 15 trong danh sách 100 công ty bánh kẹo hàng đầu thế giới, đã tìm đến mở nhà máy ở Việt Nam. Để duy trì được uy tín và đảm bảo giá thành phù hợp, một trong những điều quyết định của Orion Việt Nam là có được vùng nguyên liệu bền vững ngay tại Việt Nam. Giữa một quốc gia nông nghiệp phát triển như Việt Nam, ít ai biết rằng, Orion ở thời điểm đó đã mất tới 5 năm chỉ để tìm bằng được một đối tác chiến lược để họ có thể tin tưởng giao toàn quyền sản xuất từ khâu giống đến khoai tây nguyên liệu. “5 năm liền, Orion đã mất nhiều tiền và công sức để tìm kiếm một đối tác nhưng không thành công cho đến khi họ gặp gỡ Viện Sinh học Nông nghiệp. Một cuộc gặp gỡ mà Giám đốc Nông nghiệp của Orion Vina gọi là nhân duyên” – TS. Nguyễn Xuân Trường kể lại.

Một trong những khó khăn mà công ty này gặp phải là vào thời điểm ấy, ở Việt Nam mới chỉ tập trung sản xuất khoai tây ăn tươi, khái niệm khoai tây chế biến vẫn còn xa lạ. Mối nhân duyên bắt đầu khi GS.TS. NGND. Nguyễn Quang Thạch - Viện trưởng đầu tiên của Viện Sinh học Nông nghiệp khi ấy, đã quyết định nhận 30kg giống từ Orion Việt Nam để trồng thử ở Yên Phong (Bắc Ninh) - vùng đất cát pha lý tưởng cho cây phát triển. “Năng suất và chất lượng củ giúp chúng tôi ghi điểm với Orion Vina và họ quyết định hợp tác bằng cách đưa các chuyên gia của Viện sang Hàn Quốc làm việc, thăm quan nhà máy, quy trình sản xuất” – TS. Nguyễn Xuân Trường nhớ lại và cho biết sau chuyến đi này, GS. Nguyễn Quang Thạch cùng cả Viện đã quyết định đi theo hướng sản xuất khoai tây chất lượng cao theo quy mô công nghiệp sinh học và chủ động cung cấp giống cho nông dân để họ có thể trồng khoai tây nguyên liệu.

Khi bắt tay vào thử thách mới này, thuận lợi lớn nhất mà họ có được chính là đã thực hiện nhiều nghiên cứu bài bản trước đó về phương pháp cắt ngọn để nhân giống nhanh và nuôi trồng bằng phương pháp khí canh. Do đó, Viện Sinh học Nông nghiệp nhanh chóng làm chủ được công nghệ sản xuất khoai tây giống từ các chuyên gia Hàn Quốc từ khâu sản xuất giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng và giống xác nhận. “Khoai tây chế biến là giống khoai trắng, có hàm lượng đường khử thấp, hàm lượng chất khô cao, nên củ dễ bị nứt. Vì thế việc điều chỉnh về lượng nước tưới, thời vụ, lượng phân bón trong quá trình phát triển là vô cùng quan trọng và quyết định năng suất” – TS. Nguyễn Xuân Trường cho biết.

Bởi thế trong 10ha đầu tiên trồng thử ở Tiên Lãng (Hải Phòng), do chưa quen với cách trồng khoai tây chế biến ngoài đồng ruộng nên năng suất, chất lượng, thời gian thu hoạch bị ảnh hưởng không nhỏ. Tuy nhiên "hợp đồng mình đã kí với bà con, lại còn là đơn vị chịu trách nhiệm kỹ thuật" – TS Nguyễn Xuân Trường nhớ lại “thất bại” đầu tiên này và cho biết, Viện đã quyết định bỏ tiền túi ra bù. Hành động đó đã xây dựng niềm tin của bà con nông dân ở Tiên Lãng, qua đó khiến họ vững tin hơn vào cam kết của các nhà khoa học trong những mùa vụ tới.

leftcenterrightdel
KTS Nguyễn Xuân Trường hướng dẫn sinh viên quy trình chọn tạo giống khoai tây.
 TS. Nguyễn Xuân Trường hướng dẫn sinh viên quy trình chọn tạo giống khoai tây.

Thông thường vào vụ đông, cán bộ Viện Công nghệ sinh học lại bận rộn đi đến từng vùng trồng để hướng dẫn bà con xuống giống, chăm bón, thấy có dấu hiệu bệnh tật phải lập tức can thiệp. Ngày ba lần, loa xã phát các hướng dẫn cụ thể tùy theo từng thời điểm để bà con làm đúng kỹ thuật. “Phải đến khi thu hoạch, thanh toán đầy đủ mới yên tâm”, miêu tả ngắn gọn của – TS. Nguyễn Xuân Trường cho thấy trách nhiệm của người trung gian nối và tạo ra mối liên kết bền chặt giữa ba nhà ‘doanh nghiệp – nhà khoa học – người nông dân’ trong liên kết chuỗi.

Tất cả những công việc ấy được các cán bộ của Viện Sinh học Nông nghiệp thực hiện bền bỉ suốt hơn một thập kỷ. “Chúng tôi chưa nợ nông dân một đồng nào” – TS Nguyễn Xuân Trường tự hào nói và trở thành điểm chốt quan trọng để mối liên kết này bền chặt, cùng đi một chặng đường vừa dài vừa rộng.

Những điều chỉnh của các nhà khoa học đã đem lại kết quả tốt đẹp đầu tiên: mùa vụ thu hoạch đã cho ra những mẻ khoai tây đạt yêu cầu của doanh nghiệp. Tiếng lành đồn xa lan, tới nay nhiều huyện khác của Hải Phòng ‘đến hẹn lại lên’ cứ vào vụ là nhận khoai giống về canh tác.

Từ 10ha đầu tiên vào năm 2007 đó, sau 13 năm, vùng trồng khoai tây cung cấp cho Công ty Orion Vina đã lên tới 800 ha với những cánh đồng mẫu lớn ở 11 tỉnh miền Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bắc Giang, Hưng Yên….

Liên tục cải tiến trong phòng thí nghiệm

Để có được kết quả tốt trên đồng ruộng, ba tháng vụ khoai, các nhà khoa học của Viện Sinh học Nông nghiệp quay về phòng thí nghiệm để thực hiện các nghiên cứu cơ bản khác để cải tiến kỹ thuật nuôi cấy mô, kỹ thuật trồng chăm sóc trong nhà màng và đồng ruộng, kỹ thuật bảo quản củ giống, hay nghiên cứu chọn tạo giống mới…

Trong khu nhà màng 2500m2 trồng khoai tây theo hình thức khí canh, sử dụng hệ thống IoT kết nối và điều khiển hoàn toàn bằng điện thoại mà công ty Orion Vina đầu tư cho Viện Sinh học Nông nghiệp, Ths Vũ Tiến Dũng chỉ cho tôi giống khoai tây Bliss mà Viện nghiên cứu chọn tạo mới được công nhận. Sử dụng giống Atlantic từ năm 2007 nhưng giống này đã bộc lộ nhiều nhược điểm như dễ bị nứt, dễ nhiễm sương mốc và thoái hóa nhanh. Vì thế, “với sự dẫn dắt của TS Nguyễn Xuân Trường, Viện đã nghiên cứu chọn tạo ra giống Bliss và được đối tác chấp nhận, dần thay thế giống cũ”– Ths Vũ Tiến Dũng cho biết.

Quãng thời gian hợp tác hơn 10 năm đánh dấu những bước thay đổi lớn trong quy trình nuôi cấy mô, nhân giống, trồng và chăm sóc của Viện Sinh học Nông nghiệp, ví dụ như hệ thống nhà màng hồi năm 2007 và hệ thống nhà màng hiện nay. Nếu như với hệ thống nhà màng cũ, Viện phải cần nhiều lao động chăm sóc, tưới bón và theo dõi ngày đêm thì hệ thống IoT đã giúp việc chăm sóc chỉ cần hai cán bộ và chiếc điện thoại. Nhiệt độ dung dịch và môi trường được kiểm soát, cùng với độ ẩm, ánh sáng được điều chỉnh tối ưu cho cây y. Dinh dưỡng phun dạng sương 15 phút một lần để cây hấp thụ. Dung dịch thừa được thu lại, bổ sung chất dinh dưỡng để sử dụng tuần hoàn. Công nghệ không chỉ giúp giảm được 90% chi phí về nước, 95% phân bón và 99% thuốc bảo vệ thực vật so với phương pháp canh tác truyền thống mà còn giúp các nhà khoa học của Viện Sinh học Nông nghiệp trở thành những nhà ảo thuật có thể điều khiến cây khoai tây có thể làm bất kỳ điều gì như ra bao nhiêu củ, ngừng phát triển, không ra củ mà tập trung dinh dưỡng nuôi thân và lá.

“TS. Nguyễn Xuân Trường đưa ra ý tưởng áp dụng hệ thống IoT và được một người bạn học cùng chương trình Tiến sĩ với anh tại Hàn Quốc thực hiện. Hệ thống cho phép việc chăm sóc khoai tây được thực hiện chính xác qua các cảm biến đo nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, dinh dưỡng… dựa trên thông số tiêu chuẩn được cài đặt ban đầu để điều khiển hệ thống ánh sáng, thông gió, dinh dưỡng… Dù đã mất tới hai năm để có hệ thống như hiện tại nhưng chúng tôi thấy vẫn còn phải tiếp tục tối ưu nó hơn nữa.” – Ths Vũ Tiến Dũng chia sẻ. Cái khó nằm ở chỗ, củ khoai tây có nhiều tinh bột ưa khô, cần rất ít nước nếu đưa dinh dưỡng một cách đột ngột hay tưới quá nhiều nước dễ làm củ bị nứt, ảnh hưởng tới chất lượng. Bởi vậy theo Ths Vũ Tiến Dũng, với giống rau củ khác, việc trồng khí canh cần phải tưới đẫm nước và thường xuyên hơn hay các chỉ số tăng cao hơn bình thường cũng không mấy ảnh hưởng thì với khoai tây phải tính toán cụ thể vì ‘sai một li đi một dặm’.

Thời điểm ấy, gần như các cán bộ của Viện Sinh học Nông nghiệp phải đồng hành 1:1 với phía phát triển phần mềm để có được sản phẩm hợp lý nhất với quan điểm “họ chỉ là cán bộ kỹ thuật còn mình mới là người hiểu khoai tây cần gì và như thế nào cho hợp lý”. Nhờ vậy, nếu như cây khoai tây ngoài đồng ruộng chỉ có năng suất từ 4-5 củ thì trong nhà khí canh, việc tăng giảm các chế độ dinh dưỡng, ánh sáng nhiệt độ thuận lợi có thể khiến một cây cho số củ đạt gấp 3-4 lần. Tất cả được thực hiện chỉ bằng như cái chạm tay vào màn hình.

Trong những câu chuyện mà các cán bộ Viện Sinh học Nông nghiệp kể về cây khoai tây, ánh mắt mỗi người không chỉ ánh lên niềm tự hào mà còn có cả khát khao có thể làm tốt hơn nữa. Đơn cử như việc “khoai tây thích hợp nhất với đất cát pha ven biển, nhưng gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu xâm nhập mặn đã ảnh hưởng không nhỏ. Vì thế chúng tôi đang nghiên cứu chọn tạo những giống khoai tây chế biến chịu mặn” – TS Nguyễn Xuân Trường tiết lộ.


Nếu như cây khoai tây ngoài đồng ruộng chỉ có năng suất từ 4-5 củ thì trong nhà khí canh, việc tăng giảm các chế độ dinh dưỡng, ánh sáng nhiệt độ thuận lợi có thể khiến một cây cho số củ đạt gấp 3-4 lần.

Có lẽ chính những khát khao không tự bằng lòng với một chu trình đã ổn định suốt hơn một thập kỷ của các nhà khoa học đã khiến cho doanh nghiệp như ORION Vina tin, họ có thể giao toàn bộ việc chọn tạo giống, tìm vùng trồng nguyên liệu, chịu trách nhiệm sản xuất và cung cấp toàn bộ nguyên liệu cho toàn miền Bắc. Bởi nếu chỉ một lần thất hứa hay có vấn đề, sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ quy trình sản xuất của cả nhà máy trong suốt một năm sau đó.

“Không chỉ tin tưởng họ còn sẵn sàng chịu trách nhiệm cùng mình. Đó là cái đáng quý khi họ sẵn sàng chung lưng đấu cật” – TS Trường trầm tư và nhớ lại đúng vào dịp Tết Nguyên đán năm ngoái, trận mưa đá đêm giao thừa đã làm thiệt hại không nhỏ cho bà con. Sau khi làm việc với Viện, công ty quyết định hỗ trợ bà con một phần thiệt hại.

Những cánh đồng mẫu lớn khoai tây

Từ 10ha ban đầu để lên tới được 800ha là nhờ sự bền bỉ xây dựng niềm tin, hướng dẫn bà con trồng và cả sáng kiến phát triển những cánh đồng mẫu lớn thông qua cán bộ khuyến nông. Việc hiểu rõ đặc tính của cây khoai tây có thời gian dải vụ kéo dài, ưa thời tiết khô lạnh, không như cây ngô, đậu tương … (nếu gieo trồng sau 15/9 thì năng suất thấp do nhiệt độ quá lạnh không thụ phấn được), TS Nguyễn Xuân Trường và các cộng sự đề xuất phương án, để cán bộ khuyến nông đứng ra “mượn ruộng” để hình thành những cánh đồng mẫu lớn trong thời hạn 90 ngày để trồng khoai tây.

leftcenterrightdel
Hình ảnh một cánh đồng khoai tây mẫu lớn ở Thanh Hóa. 

“Do thiếu lao động nên nhiều nông hộ bỏ không cánh đồng vụ đông. Cánh đồng nào tốt nhất cho việc trồng khoai tây cán bộ khuyến nông nắm rõ hơn cả nên họ đứng ra mượn để hình thành nên những cánh đồng 5, 10, 20, 30 ha rồi thuê nhân công. Sau khi thu hoạch, cán bộ khuyến nông làm luôn đất cho bà con trước khi trả nên họ phấn khởi lắm” – TS Trường miêu tả. Cách làm dứt khoát, chỉn chu và sáng tạo ấy đã giúp cho hàng chục cánh đồng mẫu lớn được hình thành khắp miền Bắc. Những vùng cam kết đi đường dài, phía Orion Vina cũng đầu tư hệ thống máy cơ giới hỗ trợ việc làm đất, lên luống, xuống giống, bón phân, thu hoạch … Quan trọng hơn, càng làm lớn, càng chuyên nghiệp, năng suất càng cao, mỗi sào Bắc bộ có thể cho thu hoạch lên tới 0,8 – 1,0 tấn khoai tây.

Chẳng thế mà từ khi có khoai tây, người nông dân làm nông nhàn hơn hẳn mà thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa. Đơn cử như bà con Nga Sơn trước mỗi năm đều trồng 2 vụ lúa và 1 vụ màu, nhưng giờ đây, họ chỉ trồng 1 vụ lúa mùa và 1 vụ đông trồng khoai tây, xen kẽ với đó là trồng lạc xuân hay rau mầm ngắn ngày. “Mỗi hộ có thể lời từ 700 nghìn đến 1 triệu đồng, thậm chí là 1,5 triệu mỗi sào” – TS Trường tiết lộ.

Thế nhưng mọi chuyện chưa thể dừng lại ở đó, bởi từ hai năm nay, năm nào phía Orion cũng tăng sản lượng nhập lên 20%, như năm 2020 là 30.000 tấn khoai thương phẩm. Để làm được điều đó, áp lực sản xuất giống, mở rộng vùng trồng sẽ rất lớn. Nếu như tiềm năng của các vùng trồng ở miền Bắc vẫn còn rất lớn thì việc sản xuất giống có thể xử lý bằng cách chuyển giao các mô hình nhà trồng khí canh để các tỉnh chủ động sản xuất giống.

Thực tế những mô hình nhà màng sản xuất khoai giống có thể dễ dàng nhân rộng để các chủ động sản xuất giống cho từng vụ, tùy theo nhu cầu và đặt hàng của phía công ty. Cái khó ở chỗ, việc có nhân sự dành 100% thời gian cho cây khoai tây trong ba tháng không dễ dàng do các cán bộ chuyên môn thường kiêm nhiệm nhiều việc và vụ khoai tây rơi vào dịp cuối năm bận rộn.

Trong bối cảnh những vùng trồng ngày một mở rộng, yêu cầu sản xuất củ giống ngày càng tăng, việc này có thể sẽ được triển khai song song cùng với hệ thống quản lý toàn bộ vùng trồng trên điện thoại. Theo đó, các cán bộ của Viện có thể quan sát từ xa những nhà màng khí canh của các tỉnh cũng như đưa ra hướng dẫn cách xử lý từ hình ảnh bà con nông dân gửi qua điện thoại.

“Vùng trồng có thể mở rộng, củ giống có thể đáp ứng theo yêu cầu, có thể vài năm nữa, những cánh đồng mẫu lớn khoai tây như vậy sẽ trở thành điểm sáng cho nhiều vùng nông thôn” – TS Trường quả quyết về một tương lai lâu dài và bền vững cho khoai tây theo hướng hàng hóa tại Việt Nam.