Trong sản xuất nông nghiệp, việc ứng dụng công nghệ thông minh có sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo đã và đang chứng tỏ lợi thế trong việc tăng năng suất, chất lượng nông sản và đặc biệt giảm tồn dư hóa chất trong sản phẩm nông nghiệp để từng bước tiến đến một nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại, xanh, sạch và có thể đáp ứng mọi yêu cầu khắt khe của các bạn hàng quốc tế. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp đã và đang gặp nhiều vướng mắc trong việc phối kết hợp của các bên trong chuỗi sản xuất: Nhà nông – Nhà doanh nghiệp – Nhà khoa học – Nhà quản lý. Đặc biệt các nhà khoa học cần tìm ra và áp dụng các công nghệ thông minh hiệu quả vào điều kiện sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Để đáp ứng những yêu cầu cấp thiết đó, ngày 13/5/2019, tại phòng Hội thảo và Chuyên đề, khoa Cơ - Điện đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp Học viện với chủ đề “Cơ giới hóa nông nghiệp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giám sát, điều khiển quá trình sản xuất nông nghiệp”. Hội thảo được thực hiện với mục tiêu chia sẻ kiến thức khoa học, kinh nghiệm thực tiễn trong ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất nông nghiệp. Từ đó đề xuất các giải pháp hữu ích cho các vấn đề “nóng” trong sản xuất nông nghiệp Việt Nam hiện nay như: Sản lượng thấp, chất lượng nông sản không cao và đặc biệt hàm lượng tồn dư hóa chất trong sản phẩm nông nghiệp ở mức cao.

Tham dự Hội thảo, về phía Học viện Nông nghiệp Việt Nam có GS.TS. Phạm Văn Cường – Phó Giám đốc Học viện, về phía khoa Cơ - Điện có sự tham gia của PGS.TS. Lê Minh Lư, Trưởng Khoa cùng toàn thể các nhà khoa học của Khoa, các nhà khoa học đến từ các khoa khác trong Học viện cùng đại diện các doanh nghiệp liên quan đến dự.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, GS.TS.  Phạm Văn Cường đã ghi nhận sự phát triển của khoa Cơ - Điện trong nghiên cứu khoa học với rất nhiều đề tài, dự án có nhiều sản phẩm thực tiễn đáp ứng trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, cùng với những kết quả nghiên cứu đã có, các nhà khoa học của Khoa cần thúc đẩy nhiều hơn nữa việc áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để thu được nhiều kết quả hữu ích với nhiều sản phẩm thực tiễn. Về phía Học viện sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học phát triển các nghiên cứu, liên kết các cơ sở, nhóm nghiên cứu mạnh trong nước cũng như trên thế giới.

GS.TS.  Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện phát biểu chỉ đạo

Tiếp bước truyền thống của nhiều thế hệ nhà khoa học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam với nhiều sáng chế, phát minh lớn trong nông nghiệp, cán bộ Giảng viên và sinh viên Khoa đã và đang tích cực đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học, từng bước tạo ra thiết bị, máy công cụ phục vụ hữu ích trong công cuộc hiện đại hóa nông nghiệp. Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Lê Minh Lư nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học trong sản xuất. Để phát triển, hiện đại hóa nền Nông nghiệp Việt Nam rất cần những hướng nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong các quá trình sản xuất nông nghiệp như ứng dụng mạng cảm biến, ứng dụng mạng robot với trí tuệ nhân tạo trong giải quyết các bài toán nông nghiệp. Dựa trên tính cấp thiết đó, khoa Cơ - Điện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam kết hợp với 02 nhóm nghiên cứu mạnh “Máy và thiết bị nông nghiệp” và “Công nghệ và thiết bị tự động hóa trong nông nghiệp” tổ chức Hội thảo nhằm nêu ra và giải quyết các bài toán hiện đại hóa quá trình sản xuất nông nghiệp.

PGS.TS. Lê Minh Lư phát biểu khai mạc Hội thảo

Mở đầu chương trình TS. Nguyễn Thái Học đã báo cáo chủ đề “Các giải pháp nâng cao độ tin cậy, hiệu suất sử dụng, giảm năng lượng trong việc truyền dẫn và xử lý dữ liệu của mạng cảm biến không dây”. Tác giả cho thấy mạng cảm biến không dây đã và đang phát triển với rất nhiều ứng dụng hữu ích như trong sản xuất công nghiệp, phát triển ngôi nhà thông minh, hệ thống bảo vệ thông minh, trong hệ thống theo dõi và chăm sóc sức khỏe từ xa và đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên mạng cảm biến còn nhiều hạn chế cần khắc phục như: thời gian hoạt động ngắn, độ tin cậy không cao.

Trên cơ sở khắc phục những hạn chế trên của mạng cảm biến, kết quả nghiên cứu đã phát triển thành công các thuật toán thông minh trong việc kéo dài thời gian hoạt động và tăng cường khả năng làm việc, độ tin cậy hệ thống của mạng cảm biến không dây. Kết quả đó đã được chứng minh và công bố khoa học trên nhiều tạp chí ISI và Scopus.

Tiếp nối chương trình, TS. Lê Anh Sơn đã trình bày các kết quả đạt được trong việc phát triển các thuật toán sử dụng trong các thiết bị giám sát, hỗ trợ người lái xe ô tô. Là thành viên của nhiều chương trình, dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phát triển hệ thống xe thông minh, không người lái, TS. Lê Anh Sơn đã và đang vận dụng kiến thức học được ở nước ngoài về xây dựng các hệ thống xe tự hành thông minh áp dụng cho Việt Nam.

TS. Lê Anh Sơn báo cáo tại Hội thảo

Hội thảo tiếp tục với các báo cáo hữu ích khác như: “Thiết kế và chế tạo một số bộ phận chính của mô hình máy phay CNC 3 trục”  của ThS. Nguyễn Thị Thu Trang, “Sơ lược các nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giám sát – chăm sóc quá trình sinh trưởng của cây trồng” của ThS. Ngô Quang Ước, “Tổng quan về máy học (Machine learning) và các ứng dụng trong quản lý chăm sóc cây trồng”  của TS. Nguyễn Quang Huy, hay “Ứng dụng cảm biến không dây trong nuôi trồng thủy sản” của ThS. Nguyễn Kim Dung. Ngoài ra hội thảo còn có đóng góp của nhiều nhà khoa học khác như: “Xác định các thông số tối ưu của máy xát vỏ cà phê kiểu rulô ngang hai tầng XV-1500” của PGS.TS. Trần Như Khuyên, ThS. Phùng Chí Cường, TS. Nguyễn Thanh Hải, “Ảnh hưởng một số yếu tố đến thời gian lạnh đông của quả việt quất ” của TS. Ngô Thị Hiền, Seishu Tojo “Tính toán, thiết kế máy sấy rau quả đa năng cỡ nhỏ phù hợp với nông thôn”  của ThS. Hoàng Xuân Anh, “Nghiên cứu, phát triển robốt nông nghiệp trong việc tự động phát hiện và phòng trừ sâu, bệnh trên cây trồng bằng phương pháp không hóa chất, áp dụng trong phát hiện và điều trị bệnh nấm trắng trên cây hoa đồng tiền” của TS. Nguyễn Thái Học và Hà Năng Kết, “Lưới điện thông minh – smart grid và xu thế phát triển trong hệ thống điện Việt Nam” của ThS. Đào Xuân Tiến và một số báo cáo khác.

Sau mỗi báo cáo, hội thảo có nhiều ý kiến đóng góp hữu ích của các đại biểu, các nhà khoa học tham dự. Hội thảo thực sự đã tạo cơ hội cho các đại biểu, các nhà khoa học trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và hướng tới sự hợp tác, phối hợp bền vững, lâu dài của các “nhà” trong chuỗi sản xuất nông nghiệp thông minh, hiện đại. Từ đó đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông minh, hiện đại vào sản xuất nông nghiệp, từng bước hiện thực hóa cuộc cách mạng khoa học lần thứ 4 vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam ngay tại chính Khoa Cơ - Điện.

Hội thảo đã thành công tốt đẹp với việc đặt ra nhiều hướng nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Kết quả đã đạt được sẽ là cơ sở nền tảng giúp các nhà khoa học của Khoa nói riêng và của Học viện nói chung xây dựng nhiều công trình hữu ích để xây dựng một nền Nông nghiệp Việt Nam phát triển xanh, sạch, bền vững, vươn tầm khu vực và trên thế giới.

Toàn cảnh Hội thảo