Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, năm 2017 xuất khẩu thủy sản xếp vị trí cao nhất trong những ngành xuất khẩu nông nghiệp. Ngành thủy sản luôn cố gắng phấn đấu để nâng cao chất lượng của sản phẩm tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu. Ngày 04/4/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 39/2017/NĐ-CP về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản. Theo đó, các Quy chuẩn Việt Nam về thức ăn thủy sản cần thiết phải được xây dựng và ban hành để Nhà nước có căn cứ triển khai việc thực hiện quản lý chất lượng nguyên liệu và thức ăn thủy sản.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam là đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực thủy sản. Học viện được Tổng cục thủy sản giao nhiệm vụ Xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thức ăn hỗn hợp dùng trong nuôi trồng thủy sản - Yêu cầu kỹ thuật đảm bảo an toàn thực phẩm ”. Trong thời gian từ tháng 11/2017 đến tháng 4/2018, nhóm nghiên cứu mạnh Dinh dưỡng thức ăn & Nuôi trồng thủy sản- Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức thành công một số hội thảo tại 3 miền Bắc, Trung, Nam để thảo luận và lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan chuyên môn, các tổ chức trong nước cho dự thảo Quy chuẩn.   

Đến tham dự các buổi hội thảo có đại biểu từ các đơn vị: Vụ Khoa học công nghệ & Hợp tác quốc tế - Tổng cục thủy sản, Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định nuôi trồng thủy sản và chi nhánh tại các vùng – Tổng cục Thủy sản, Hội Nghề cá Việt Nam, Vinacontrol, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Chất lượng Nông Lâm Thủy sản các vùng, Sở Nông nghiệp & PTNT Đà Nẵng, Viện Phát triển công nghệ xanh, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II, Chi cục Thủy sản các tỉnh như Cần Thơ, Quảng Nam, Đồng Tháp, công ty Việt – Úc, De Heus, Uni-President, ABC Việt Nam, Greenfeed, Mavin-Austfeed, Minh Hiếu, Cargill, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Cần Thơ, Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Công nghệ thực phẩm Đà Nẵng và một số đơn vị khác.

Nội dung thảo luận trong các hội thảo đề cập đến chỉ tiêu gây mất an toàn thực phẩm trong thức ăn hỗn hợp dùng cho nuôi thủy sản, đánh giá nguy cơ, các quy định của thế giới và của Việt Nam đối với thức ăn thủy sản, các quy định về an toàn thực phẩm của các nhà nhập khẩu sản phẩm thủy sản và thức ăn tác động như thế nào đến an toàn thực phẩm thủy sản… Chỉ tiêu liên quan tới an toàn thực phẩm được các đại biểu thảo luận nhiều nhất là: Aflatoxin, hoocmon chuyển đổi giới tính, các chất kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng nhóm steroid. Có nhiều ý kiến của đại biểu đến từ các doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan xây dựng dự thảo và cơ quan ban hành dự thảo xem xét việc gộp nhiều quy chuẩn về thức ăn cho thủy sản lại với nhau.

Các hội thảo đã tạo ra cơ hội cho cơ quan quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, công ty xuất nhập khẩu, công ty sản xuất và kinh doanh thức ăn thủy sản trao đổi thông tin và kiến thức về thức ăn thủy sản, góp phần thực hiện mục tiêu đảm bảo thực phẩm an toàn từ nơi nuôi trồng, phục vụ tiêu thụ trong nước và chế biến xuất khẩu.

 

PGS.TS. Trần Thị Nắng Thu, trưởng nhóm Nghiên cứu mạnh Dinh dưỡng thức ăn & Nuôi trồng thủy sản phát biểu khai mạc hội thảo 

Ông Vũ Tuấn Cường, Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định nuôi trồng thủy sản - Tổng cục Thủy sản thảo luận dưới góc nhìn của nhà quản lý về phương pháp luận áp dụng trong xây dựng quy chuẩn 

Đại biểu tập đoàn Việt - Úc thảo luận về các quy định cần đưa vào quy chuẩn thức ăn thủy sản dưới góc nhìn từ phía nhà sản xuất 

 PGS.TS. Trần Thị Thanh Hiền, đóng góp ý kiến xây dựng quy chuẩn thức ăn thủy sản 

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau Hội thảo