Hội thảo quốc tế lần thứ 50 của Hiệp hội Ứng dụng tập tính động vật thế giới
Cập nhật lúc 02:20, Thứ ba, 26/07/2016 (GMT+7)
Hiệp hội Ứng dụng tập tính động vật thế giới - The International Society for Applied Ethology (ISAE) (http://www.applied-ethology.org/) là hiệp hội khoa học với mục tiêu chính là khuyến khích và thúc đẩy các nghiên cứu từ cơ bản đến ứng dụng tập tính của những động vật được sử dụng bởi con người, bao gồm: gia súc, gia cầm, động vật thí nghiệm, động vật hoang dã và thú cảnh. Hiệp hội được thành lập tại Edinburgh, Scotland năm 1966 với tên gọi Hiệp hội Tập tính học Thú y (the Society for Veterinary Ethology) với mục tiêu ban đầu là nâng cao sự hiểu biết về tập tính học của vật nuôi của các bác sĩ thú y tại Vương quốc Anh. Sau đó, Hiệp hội nhanh chóng được mở rộng với tất cả các khía cạnh khác của tập tính học (bao gồm mối liên hệ giữa con người và động vật và tác động của điều kiện môi trường nuôi nhốt đối với tập tính và phúc lợi của động vật) và thu hút thành viên ở nhiều lĩnh vực khác nhau trên thế giới. Năm 1991, tại hội thảo quốc tế lần thứ 25, Hiệp hội chính thức đổi tên thành Hiệp hội Ứng dụng tập tính động vật thế giới và thực sự trở thành một tổ chức quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực trao đổi, thúc đẩy cũng như khuyến khích việc nghiên cứu, ứng dụng và giảng dậy tập tính và phúc lợi của động vật trên thế giới. Tạp chí “Khoa học ứng dụng tập tính học động vật” (Applied Animal Behaviour Science) là tạp chí khoa học chính thức của Hiệp hội.
Hội thảo quốc tế của Hiệp hội được tổ chức mỗi năm một lần ở một nước khác nhau để trao đổi, cập nhật và thảo luận những nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực ứng dụng phúc lợi và tập tính học động vật. Năm nay, hội thảo lần thứ 50 được tổ chức từ ngày 12 đến ngày 15/7/ 2016 tại Trường đại học Edinburgh - Scotland nhằm kỷ niệm 50 năm thành lập của Hiệp hội (1966-2016) quy tụ gần 400 bài trình bày và poster. BSTY. Nguyễn Bá Hiếu; giảng viên thuộc Bộ môn Sinh lý – Tập tính động vật, Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam; hiện là học viên cao học tại Trường đại học Wageningen, Hà Lan, với sự tài trợ của tổ chức Humane Society International đã mang đến Hội thảo bài trình bày: “Ảnh hưởng của hệ thống phun sương tới tập tính nằm và bài tiết của lợn thịt trong điều kiện nhiệt độ chuồng nuôi cao”. Trong tự nhiên, lợn là loài động vật ưa sạch sẽ, chúng luôn tách rời nơi bài tiết và nơi nằm nghỉ. Tuy nhiên, khi nhiệt độ chuồng nuôi tăng cao, lợn có xu hướng nằm nhiều hơn ở khu vực sàn lưới (vốn được sử dụng làm nơi bài tiết) vì nơi này có nhiệt độ thấp hơn. Do diện tích của khu sàn lưới bị chiếm dụng để nằm, lợn buộc phải bài tiết nhiều hơn vào khu vực sàn bê tông rắn. Sự đổi chỗ giữa vị trí bài tiết và nằm nghỉ của lợn không những làm mất vệ sinh, tăng nguy cơ nhiễm bệnh và giảm phúc lợi của lợn mà còn tăng chi phí dọn dẹp cho trang trại và tăng phát thải ammonia. Việc ứng dụng hệ thống phun sương đã làm giảm đáng kể số lượng lợn nằm trên khu vực sàn lưới và thông qua đó nâng cao phúc lợi cho lợn. Tuy nhiên, lợn được sử dụng hệ thống phun sương vẫn có xu hướng bài tiết nhiều hơn trên khu vực sàn bê tông rắn, do đó dự kiến nguy cơ tăng phát thải ammonia.
Giáo sư Cathy Dwyer – Đại học Nông nghiệp Scotland phát biểu khai mạc hội thảo
Tác giả trình bày tại hội thảo
Tham dự hội thảo của Hiệp hội Ứng dụng tập tính động vật quốc tế là một cơ hội tốt để học hỏi, chia sẻ và tạo dựng mối quan hệ với các nhà khoa học trên thế giới, thông qua đó tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu ứng dụng tập tính học và nâng cao phúc lợi của vật nuôi tại Học viện.
Tác giả cùng giáo sư Natalie Waran – giám đốc Trung tâm Giáo dục Phúc lợi động vật quốc tế
Jeanne Marchig (JIMICAWE) - đại học Edinburgh, Scotland Nguyễn Bá Hiếu
Wageningen, Hà Lan