Giảm nghèo là một trong các chương trình trọng tâm được bàn bạc để thúc đẩy phát triển cả ở tầm quốc gia và quốc tế. Trong những năm vừa qua, công tác giảm nghèo đã được quan tâm triển khai thực hiện và có sự phối kết hợp của các tổ chức kinh tế - xã hội từ trung ương đến địa phương. Tại Việt Nam, kết quả giảm nghèo bước đầu đã có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương và quốc gia. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, nước ta vẫn còn khoảng 9 triệu người nghèo, trong đó 72% là người dân tộc thiểu số và phần lớn họ sống ở miền núi.


Trong khuôn khổ thực hiện chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016 – 2020, Uỷ ban Dân tộc đã tuyển chọn và giao nhiệm vụ thực hiện đề tài nói trên cho nhóm nghiên cứu của Khoa Kinh tế và PTNT, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Chủ nhiệm đề tài là PGS.TS. Trần Đình Thao.


Trong thời gian tới, công tác giảm nghèo bền vững vẫn được xác định là nhiệm vụ chiến lược quan trọng hướng tới để thực hiện thành công mục tiêu thiên niên kỷ. Vì thế, cần tập trung xác định rõ các giải pháp quan trọng và cấp bách trong thời gian tới để giảm nghèo bền vững cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở Việt Nam.


Ngày 25/10/2018, tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hội thảo được tổ chức với sự tham gia của các bên có liên quan: Ông Nguyễn Tất Cảnh – Phó giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Ông Phan Văn Hùng – Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; bà Đặng Thị Hoa – Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; bà Phạm Bảo Hà – Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động và TBXH; Bà Nguyễn Phượng Lê – Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Ông Trịnh Quang Thoại – Đại học Lâm nghiệp; Ông Giang Hoàng Hiệu -  Tổ chức Plan International Việt Nam; Ông Bùi Hoàng Hà – Tổ chức CODESPA Việt Nam; Ông Ngô Văn Hải -Trung tâm Tư vấn phát triển nông nghiệp nông thôn và các đại biểu đến từ các đơn vị phối hợp trong và ngoài Học viện…

 


Tại hội thảo, các vấn đề cơ bản về: (i) Thành tựu, hạn chế, cơ hội và thách thức trong thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo bền vững cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi; (ii) Giới và dân tộc trong thực tiễn xóa đói, giảm nghèo cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở Việt Nam hiện nay; (iii) Phương pháp tiếp cận cho đánh giá tác động tổng thể về kinh tế - xã hội của các chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo ở vùng Tây Bắc; (iv) Kinh nghiệm về áp dụng tiếp cận huy động nội lực cộng đồng (ABCD) trong phát triển cộng đồng dân tộc thiểu số; (v) Kinh nghiệm giảm nghèo thông qua tiếp cận chuỗi giá trị: Mô hình phát triển thị trường phân viên nén ở một số tỉnh miền núi phía Bắc… được trình bày và thảo luận.


Kết quả hội thảo đã giúp nhóm nghiên cứu đề tài hoàn thiện khung lý thuyết và phương pháp nghiên cứu đề tài, đồng thời có những kết nối, chia sẻ học thuật và dữ liệu trong phối kết hợp trong triển khai thực hiện đề tài; Tăng cường tiếp cận các kết quả nghiên cứu, trao đổi học thuật để kế thừa tổng quan và chọn lựa dân tộc, vùng nghiên cứu điểm…; Phối hợp phân tích định tính và định lượng cho các khía cạnh nghiên cứu cụ thể. Bên cạnh đó, để xác định giải pháp cơ bản cần quan tâm đến: Hệ thống chính sách giảm nghèo, chuẩn nghèo, quan điểm tiếp cận giảm nghèo theo vùng/ địa phương, hộ hay dân tộc… Giải pháp cấp bách nên tập trung vào các nhóm dân tộc nghèo nhất, vùng tây duyên hải miền trung, các xã thôn bản đặc biệt khó khăn. Cùng với đó, Hội thảo đã giúp hệ thống hóa các vấn đề liên quan đến nghèo như: Đất sản xuất, nước cho sản xuất và sinh hoạt, giáo dục để tăng cường tiếp cận việc làm khu vực công nghiệp hóa và đô thị hóa, cải thiện hạ tầng, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu và các cú sốc thị trường…

Hội thảo đã mở ra cơ hội hợp tác, phối hợp, chia sẻ về học thuật và ứng dụng thực tiễn trong nghiên cứu giảm nghèo tại Việt Nam.