Thực hiện Quyết định của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) về việc phê duyệt tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia thực hiện năm 2018, ngày 29 - 30/3/2018 tại Đăk Lăk, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội thảo khởi động đề tài "Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị gia tăng tại Tây Nguyên”.
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Đăk Lăk, lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành, Viện nghiên cứu, các trường Đại học và doanh nghiệp thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên và các nhà khoa học đến từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Thay mặt nhóm thực hiện nhiệm vụ, GS.TS. Trần Đức Viên, chủ tịch Hội đồng Học viện, chủ nhiệm nhiệm vụ đã trình bày tóm tắt mục tiêu, nội dung của đề tài và mong rằng kết quả của đề tài sẽ đánh giá được tổng thể, toàn diện hiện trạng nông nghiệp Tây Nguyên, xác định được các yếu tố thúc đẩy, cản trở sự phát triển nông nghiệp Tây Nguyên, làm cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn để đề xuất các giải pháp phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội để phát triển nông nghiệp Tây Nguyên theo hướng sinh thái, bền vững và hiệu quả.
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Thị Lan – Bí thư Đảng Ủy, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, thay mặt cho cán bộ, viên chức và người học cảm ơn sự đón tiếp, tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh, các sở ban ngành trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong thời gian qua của Học viện trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Điểm qua những thế mạnh trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đặc biệt là những đóng góp của Học viện Nông nghiệp Việt Nam với sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn nói chung và sự phát triển của Tây Nguyên nói riêng, GS.TS Nguyễn Thị Lan hy vọng rằng với truyền thống đó, thế mạnh đó, trong thời gian tới giữa Học viện và các tỉnh Tây Nguyên có sự hợp tác hơn nữa trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Về việc triển khai nhiệm vụ khoa học Quốc gia mà Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Học viện là đơn vị chủ trì, GS. TS. Nguyễn Thị Lan đề nghị nhóm triển khai đề tài cần chủ động, sáng tạo, huy động đội ngũ các nhà khoa học nhiều kinh nghiệm, phối hợp chặt chẽ với địa phương để hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.
Với 6 tham luận và hơn 30 ý kiến xoay quanh các vấn đề về phát triển nông nghiệp Tây Nguyên như: Hiện trạng và nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Hiện trạng, tiềm năng và xu hướng sử dụng đất, nước; hiện trạng quản lý và khai thác rừng; Hiện trạng, yếu tố hạn chế/cản trở và giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt - chăn nuôi - thú y - thủy sản; Thực trạng tổ chức quản lý (liên kết sản xuất và liên kết vùng), tổ chức thị trường (bao gồm cả chuỗi giá trị) các ngành hàng nông sản chính; và Định hướng NCKH và công nghệ chính phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững Tây Nguyên... Đây là những vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách của Tây Nguyên đang gặp nhiều khó khăn và cũng là những nội dung, nhiệm vụ chính của đề tài cần phải giải quyết trong thời gian tới.
Tổng kết hội thảo, thay mặt lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, ông Y Giang Gry Niê Knơng đã đánh giá cao những kết quả hợp tác giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam với Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên trong thời gian qua. Với nhiệm vụ khoa học cấp Quốc gia "Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị gia tăng tại Tây Nguyên” đồng chí Phó Chủ tịch cho rằng đây là cơ hội tốt để Tây Nguyên có được những cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn tốt cho việc quy hoạch và phát triển nông nghiệp, do đó các sở, ban ngành cũng như các doanh nghiệp cần tranh thủ, tận dụng, phối hợp tốt với Học viện Nông nghiệp Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm, công nghệ mới phục vụ phát triển nông nghiệp Tây Nguyên. Các tỉnh Tây Nguyên cam kết sẽ phối hợp, hỗ trợ cán bộ thực hiện đề tài một cách hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà khoa học tiếp cận và triển khai kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn.