Chiều ngày 26/9/2019, tại Hội trường C đã diễn ra Hội thảo khoa học “Phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam và GS.TS. Phạm Văn Cường – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

 

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo 

Tham dự Hội thảo có ông Đào Quốc Luân – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và PTNT, ông Phạm Văn Duy – Phó Cục Trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, ông Lê Đức Thịnh – Cục Trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT cùng đại diện Viện Khoa học Lâm nghiệp, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Hiệp hội Chè Việt Nam, các trường đại học, doanh nghiệp, công ty và đặc biệt sự có mặt của hơn 100 nhà khoa học trong và ngoài Học viện. 

Phát biểu chào mừng Hội thảo, GS.TS. Phạm Văn Cường gửi lời cảm ơn chân thành tới lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tin tưởng giao nhiệm vụ cho Học viện tổ chức buổi Hội thảo ngày hôm nay. Giáo sư chia sẻ: “Học viện Nông nghiệp Việt Nam hiện nay có tất cả 15 khoa với hơn 30.000 sinh viên theo học. Trải qua 63 năm xây dựng và phát triển, Học viện đã đào tạo các bậc học từ cử nhân, kỹ sư đến cao học, nghiên cứu sinh, đồng thời Học viện cũng tích cực tham gia nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực cơ giới hóa, công nghệ chế biến”. Giáo sư khẳng định: Việc tổ chức Hội thảo rất có ý nghĩa đối với các nhà khoa học trong Học viện, là cơ hội để các nhà khoa học cùng chia sẻ thông tin, đóng góp ý kiến, tham luận, giúp cho Học viện ngày càng phát triển trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ sản xuất.

 

GS.TS. Phạm Văn Cường – Phó Giám đốc Học viện phát biểu tại Hội thảo

GS.TS. Phạm Văn Cường – Phó Giám đốc Học viện phát biểu tại Hội thảo 

Nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam trong gần một thập niên qua đã có nhiều bước chuyển biến mạnh mẽ và luôn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, góp phần ổn định chính trị - xã hội. Trong những năm qua, ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục phát triển tốc độ cao, đã đóng góp hơn 15% GDP, trong đó xuất khẩu năm 2018 đã vượt con số 40 tỷ USD. 

Cùng với sự tăng trưởng của sản xuất nông nghiệp, vấn đề ứng dụng công nghệ, thiết bị phục vụ cơ giới hóa nói chung và chế biến nông sản, thực phẩm nói riêng đã đạt được thành tựu nhất định, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng trong nông nghiệp. 

Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, việc phát triển ngành chế biến nông sản và cơ giới hóa theo hướng công nghiệp là cần thiết để tạo ra bước phát triển nhảy vọt về khoa học công nghệ và tăng trưởng kinh tế, góp phần đưa nền nông nghiệp Việt Nam hội nhập với các nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới.

 

Các nhà khoa học trình bày báo cáo, ý kiến tham luận tại Hội thảo
Các nhà khoa học trình bày báo cáo, ý kiến tham luận tại Hội thảo
Các nhà khoa học trình bày báo cáo, ý kiến tham luận tại Hội thảo

Các nhà khoa học trình bày báo cáo, ý kiến tham luận tại Hội thảo 

Trong buổi Hội thảo, các nhà khoa học đã được lắng nghe các báo cáo, ý kiến tham luận tập trung ở ba mảng chính:

Thứ nhất: Đánh giá thực trạng công nghệ chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp ở Việt Nam.

Thứ hai: Các định hướng phát triển công nghệ chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp.

Thứ ba: Các định hướng chiến lược trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nền nông nghiệp trong thời kỳ 4.0. 

Các báo cáo, ý kiến tham luận đã làm rõ được những thuận lợi, khó khăn của Việt Nam trong lĩnh vực chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp, từ đó đưa ra những phương án, đề xuất để phát triển lĩnh vực này. Các báo cáo, ý kiến tham luận được Thứ trưởng đánh giá cao, có ý nghĩa thiết thực và phù hợp với bối cảnh nền nông nghiệp Việt Nam hiện tại. 

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam gửi lời cảm ơn tới các nhà khoa học, các quý vị đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp cho vấn đề phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp trong thời kỳ cách mạng 4.0. Thứ trưởng đề nghị các Cục, Vụ tiếp thu ý kiến đồng thời cùng làm việc với các nhà khoa học của Học viện để thống nhất về mục tiêu, quan điểm cũng như đưa ra các giải pháp cụ thể cho việc phát triển chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp. 

Thứ trưởng nhấn mạnh: Nâng cao năng lực cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản phải đồng bộ, phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất của nền nông nghiệp Việt Nam, thực hiện đầu tư theo chuỗi giá trị, đi từ khâu sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn đến sơ chế, chế biến rồi đóng gói. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng, kế thừa kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp. Trong quá trình thực hiện phải có lộ trình, giai đoạn, phân cấp mức độ rõ ràng, có bộ tiêu chí để so sánh, đánh giá sản phẩm. Xác định lực lượng, đối tượng, sản phẩm chủ lực để nâng cao năng lực chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp trong thời đại hội nhập và phát triển của cuộc cách mạng 4.0.

 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam phát biểu kết luận Hội thảo
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam phát biểu kết luận Hội thảo

 

Lan Hương – TT QHCC&HTSV

Ảnh: Phúc Việt, Minh Tuân – TT QHCC&HTSV