Ngày 03/12/2022, Khoa Công nghệ sinh học đã tổ chức Hội thảo khoa học về Ruồi lính đen với chủ đề: “Tham vấn báo cáo đánh giá tác động của Ruồi lính đen đến môi trường, đa dạng sinh học và định hướng sử dụng Ruồi lính đen hợp lý ở điều kiện Việt Nam”. Nội dung hội thảo nằm trong khuôn khổ nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ có tên là: “Đánh giá tác động của ruồi Lính đen (Hermetia illucens Linnaeus,1758) đến môi trường, đa dạng sinh học” do TS. Nguyễn Thị Nhiên - Khoa Công nghệ sinh học làm chủ nhiệm. Hội thảo được tổ chức theo hai hình thức: Trực tiếp tại Hội trường C – Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Online qua nền tảng Zoom.
Ruồi Lính đen (RLĐ) có tên khoa học là Hermetia illucens, tên tiếng anh là Black Soldier Fly, thuộc lớp côn trùng Hexapoda. Đây là loài ngoại lai, hiện có trong môi trường tự nhiên ở Việt Nam và thường xuất hiện ở khu vực có vật chất hữu cơ đang phân hủy. Trong điều kiện bình thường, vòng đời của RLĐ trải qua 5 giai đoạn: trứng, ấu trùng, tiền nhộng, nhộng và thành trùng. Chu kỳ sinh trưởng trung bình là 63 ngày. Ấu trùng RLĐ có khả năng tiêu hóa thành phần hữu cơ trong chất thải sinh hoạt, phân gia súc, gia cầm, phế phẩm trong chế biến thủy sản và nông sản… tạo ra chất mùn. Ngoài ra, ấu trùng ruồi sống có hàm lượng protein và chất béo thô cao lần lượt là 42% và 26%, đủ chất dinh dưỡng làm thức ăn nuôi trực tiếp cho lợn, gà, vịt, cá. Với những đặc điểm nêu trên, việc nhân nuôi và ứng dụng RLĐ có ý nghĩa quan trọng cả về mặt kinh tế, khoa học và quản lý nhà nước nhằm đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường, tạo nguồn protein mới, tái tạo và tạo phân bón hữu cơ để hướng tới nền chăn nuôi bền vững, hình thành mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi.
|
|
Hình ảnh Ruồi lính đen các giai đoạn: Ấu trùng – Nhộng - Ruồi trưởng thành |
Theo báo cáo của 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đến thời điểm tháng 01/2022, có 35/45 tỉnh có cơ sở chăn nuôi RLĐ với tổng số cơ sở nuôi là 120 cơ sở, phân bố ở cả 7 vùng sinh thái của cả nước. Trong đó, có 12 cơ sở chăn nuôi với quy mô từ 200 đến 2.000m2 nhằm mục đích thương mại hoặc để xử lý chất thải chăn nuôi; làm thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; làm phân bón hữu cơ cho cây trồng. Việc nuôi RLĐ đã thể hiện được những ưu điểm vượt trội, giải quyết được vấn đề môi trường, tạo ra giá trị của sản phẩm.
Xuất phát từ những như cầu thực tiễn và nhiệm vụ đặt ra, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Khoa Công nghệ sinh học phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật, nhóm thực hiện Nhiệm vụ khoa học Công nghệ và Môi trường, tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề trên.
|
|
TS. Phạm Thị Dung – Bí thư Chi bộ, Phó Trưởng khoa Công nghệ sinh học phát biểu khai mạc Hội thảo |
Hội thảo đã quy tụ được các đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước như đại diện Vụ khoa học Công nghệ và Môi trường - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Công nghệ sinh học - Viện Hàn lâm khoa học Công nghệ Việt Nam, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, đại biểu đến từ doanh nghiệp trong và ngoài nước, đại điện tập đoàn Phan-Group AS- Na Uy, và các nhà khoa học tham gia. Tại Hội thảo, các tham luận về nghiên cứu tác động của RLĐ trưởng thành; Ấu trùng RLĐ và phân thải của chúng đến sinh vật hoại sinh; Vi sinh vật hoại sinh bản địa, sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng và thảo luận về hướng sử sụng, quản lý RLĐ trong tương lai đã lần lượt được các báo cáo viên trình bày.
Từ những nội dung tham luận trên, Hội thảo còn nêu ra được thực trạng chăn nuôi Ruồi lính đen ở Việt Nam làm cơ sở đề xuất định hướng về sử dụng và quản lý chúng phù hợp với điều kiện nước ta. Bên cạnh đó, chủ trì Hội thảo cũng lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý và các chuyên gia có liên quan đến lĩnh vực côn trùng, chăn nuôi và môi trường về định hướng sử dụng Ruồi lính đen phù hợp với điều kiện tự nhiên, cơ sở vật chất và phù hợp với pháp luật Việt Nam.
Từ những nhận xét kết quả quả nghiên cứu, đánh giá được các chuyên gia đưa ra trong Hội thảo, Ban tổ chức đã tiếp nhận được những thông tin quan trọng để hoàn thiện cuốn Sổ tay về Ruồi lính đen để có thể đưa những thông tin hữu ích này đến với người dân áp dụng trong tương lai gần.
Chủ đề hội thảo là một nội dung khoa học có tính thời sự đối với vấn đề môi trường và đa dạng sinh học hiện nay. Do vậy, hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học và người dân. Hội thảo đã khép lại với nhiều nội dung hấp dẫn cần được quan tâm nghiên cứu mở rộng và thảo luận trong thời gian tới với các chủ đề có liên quan đến Ruồi lính đen.
Một số hình ảnh của buổi Hội thảo
|
|
Ban tổ chức và đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm |
|
|
TS. Nguyễn Thị Nhiên – Chủ nhiệm nhiệm vụ KHCN trình bày tham luận tại Hội thảo |
|
|
TS. Nguyễn Ngọc Hà - Giảng viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM trình bày tham luận |
|
|
TS. Lê Xuân Vị - Viện Bảo vệ thực vật điều hành phiên Thảo luận tại Hội thảo |
|
|
Các chuyên gia, nhà khoa học tại phiên thảo luận và góp ý dự thảo sổ tay |
TS. Nguyễn Thị Nhiên – Khoa Công nghệ sinh học