Việt Nam là quốc gia sản xuất hồ tiêu lớn nhất Thế giới với lượng xuất khẩu >260.000 tấn, chiếm >45% sản lượng xuất khẩu hồ tiêu toàn cầu. Tuy nhiên, sản xuất hồ tiêu của Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng do nhiều nguyên nhân như: biến đổi khí hậu làm gia tăng sâu bệnh hại, thiếu giống tốt, sản xuất chủ yếu chú trọng năng suất, chưa quan tâm tới chất lượng, giá nguyên liệu giảm, công nghệ chế biến ở trình độ trung bình, chưa chú trọng đa dạng sản phẩm cũng như tận dụng phế phụ phẩm chất lượng sản phẩm, liên kết sản xuất chưa cao… Để phát huy thế mạnh, giải quyết những khó khăn thách thức của ngành hàng, việc ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất hướng tới phát triển bền vững ngành hàng sản xuất hồ tiêu là một trong những giải pháp sẽ mang lại hiệu quả thiết thực nhất. Nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, các chính sách thúc đẩy sản xuất và phát triển thị trường hồ tiêu bền vững, ngày 18/12/2021, nhóm nghiên cứu mạnh “Nghiên cứu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu” – Khoa Nông học – Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức Hội thảo trực tuyến “Thực trạng và giải pháp phát triển cây hồ tiêu bền vững tại Việt Nam”.

Hội thảo được chủ trì bởi GS.TS. Phạm Văn Cường – Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, PGS.TS. Trần Văn Quang – Trưởng Khoa Nông học, PGS.TS. Ninh Thị Phíp – Phó trưởng khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Tới tham dự Hội thảo có ThS. Đặng Văn Vĩnh – Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN & PTNT; PGS.TS. Nguyễn Vĩnh Trường – Trường Đại học Nông lâm Huế; TS. Trần Ngọc Duyên, ThS. Ngô Đăng Duyên – Trường Đại học Tây Nguyên; ThS. Lê Thị Nga, ThS. Lâm Thị Sâm – Trường Đại học Lâm nghiệp (phân hiệu Gia Lai); ThS. Nguyễn Văn Long – Trung tâm nghiên cứu & phát triển cây hồ tiêu; ông Lương Đình Thảo – Phòng nông nghiệp huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai; ông Nguyễn Tiến Nam – Công ty phân bón Yara, Việt Nam. Tham dự Hội thảo còn có đại diện của Ban Khoa học công nghệ, các thày cô giáo, học viên cao học, sinh viên Khoa Nông học, Khoa công nghệ sinh học, Bệnh viện cây trồng và thành viên các nhóm nghiên cứu mạnh thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, GS.TS. Phạm Văn Cường – Phó giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết cây hồ tiêu là một trong những cây trồng thế mạnh xuất khẩu, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, những năm qua sản xuất hồ tiêu chủ yếu chạy theo năng suất chưa chú trọng chất lượng và không theo kịp xu hướng biến động của thị trường. GS.TS. Phạm Văn Cường nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp nói chung và trong sản xuất cây hồ tiêu nói riêng. Do vậy, tổ chức hội thảo khoa học về cây hồ tiêu là cơ hội để các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, nhà quản lý cùng thảo luận và đưa ra các giải pháp phát triển bền vững cây hồ tiêu tại Việt Nam.   

leftcenterrightdel
 GS.TS. Phạm Văn Cường – Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

Sau phát biểu khai mạc Hội thảo, các nhà khoa học báo cáo các chuyên đề về “Hiện trạng sản xuất, chế biến, tiêu thụ hồ tiêu Việt Nam và đề xuất các giải pháp phát triển bền vững”, “Những thách thức của ngành hồ tiêu Việt Nam hiện nay”, “Khảo sát biến thiên các chỉ tiêu hóa tính và vi sinh vật gây hại trong đất tái canh cây hồ tiêu (Piper nigrum L.) tại tỉnh Gia Lai”, “Kết quả nghiên cứu về tiêm potassium phosphonate cho cây hồ tiêu để phòng trừ bệnh chết nhanh”, “Đánh giá thực trạng sử dụng phân bón cho cây hồ tiêu (Piper nigrum L.) tại tỉnh Đắk Lắk”, “Xác định badnavirus gây bệnh virus hồ tiêu tại Việt Nam”. Nhiều khía cạnh mới trong nghiên cứu cũng như thực tế sản xuất được các đại biểu tham dự hội thảo quan tâm, trao đổi sôi nổi.

 
leftcenterrightdel
 Báo cáo tham luận về thực trạng sản xuất hồ tiêu tại Việt Nam
leftcenterrightdel
Báo cáo tham luận về giải pháp chuẩn đoán và điều trị một số bệnh virus trên cây hồ tiêu tại Việt Nam
leftcenterrightdel
 Các đại biểu sôi nổi thảo luận

Phát biểu bế mạc, tổng kết tại Hội thảo, PGS.TS. Ninh Thị Phíp thay mặt cho Ban tổ chức Hội thảo trân trọng cảm ơn các ý kiến tham luận, trao đổi, phản biện, đóng góp vô cùng quý báu của các diễn giả, khách mời, và các đại biểu tham dự. PGS.TS. Ninh Thị Phíp cũng hy vọng sau thành công của hội thảo các nhà quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp tiếp tục kết nối cùng tìm kiếm cơ hội hợp tác trong nghiên cứu hoạch định chính sách, giải pháp công nghệ và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển bền vững không chỉ với ngành hàng hồ tiêu mà cả với các ngành hàng sản xuất nông nghiệp khác.

 

Nhóm nghiên cứu mạnh Nghiên cứu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu

Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam