Quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông thôn là hoạt động sắp xếp, tổ chức, điều hành, hướng dẫn, kiểm tra… của hệ thống các cơ quan nhà nước từ trung ương tới địa phương đối với lĩnh vực nông nghiêp, nông thôn nhằm khai thác và sử dụng các nguồn lực phát triển nông nghiệp, nông thôn. Những năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có nhiều định hướng lớn để nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông thôn; hoạt động quản lý nhà nước đối với nông nghiệp, nông thôn có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng quyết định sự phát triển kinh tế nông nghiệp và khu vực nông thôn. Tuy vậy, thực tiễn cũng đặt ra nhiều vấn đề mới đòi hỏi tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan nhà nước thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn đáp ứng nhu cầu của quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế hiện nay.
Sáng ngày 26/12/2021, nhóm nghiên cứu mạnh Chính sách và Phát triển xã hội nông thôn, khoa Khoa học xã hội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức hội thảo trực tuyến “Quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông thôn” .
Hội thảo được chủ trì bởi TS. Trần Lê Thanh - Trưởng khoa Khoa học xã hội, trưởng nhóm nghiên cứu; ThS. Tạ Quang Giảng- giảng viên bộ môn Khoa học Chính trị; ThS. Hà Thị Yến – giảng viên bộ môn Kinh tế chính trị và Chủ nghĩa xã hội khoa học. Hội thảo có sự tham gia của TS. Nguyễn Xuân Hoản - Chủ tịch Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội; TS. Nguyễn Hải Hoàng- Trưởng khoa Lý luận chính trị, Đại học Công đoàn; ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm quản lý và phát triển quỹ đất Lạc Thủy, Hòa Bình; ThS. Nguyễn Thị Thu Hà - Phó trưởng khoa Khoa học xã hội; cùng với trên 150 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý, các giảng viên và sinh viên đến từ Khoa học xã hội và các khoa chuyên môn của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Lê Thanh đã khẳng định: Nông nghiệp, nông thôn đóng góp vai trò quan trọng, không thể thay thế đối với sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia. Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã có những bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, trong thực tiễn đã nảy sinh nhiều vấn đề đặc biệt là nhu cầu nâng cao năng lực, hiệu quả của quản lý nhà nước đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn để góp phần thực hiện thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Chính vì vậy, hội thảo là cơ hội để các nhà quản lý, nhà khoa học cùng thảo luận những vấn đề lý luận và thực tiễn từ đó gợi mở các giải pháp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông thôn.
Sau phát biểu khai mạc, hội thảo đã trải qua hai phiên làm việc. Trong phiên thứ nhất, các đại biểu đã nghe hai chuyên đề báo cáo. Báo cáo: “Quyền sở hữu ruộng đất của nông dân. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” do TS. Vũ Văn Tuấn - Trưởng bộ môn Pháp luật trình bày; báo cáo: “Thực trạng quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội” do TS. Nguyễn Xuân Hoản - Chủ tịch công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội trình bày. Sau thảo luận phiên thứ nhất, Hội thảo bước vào phiên làm việc thứ hai với 2 báo cáo: “Quản lý sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ” được trình bày bởi ThS. Lê Thị Dung - Giảng viên bộ môn Khoa học chính trị; và “Thực trạng lao động ở nông thôn và một số giải pháp nâng cao đào tạo nghề cho lao động nông thôn” do TS. Lê Văn Hùng - Giảng viên bộ môn Triết học trình bày.
Một số hình ảnh trình bày tham luận tại hội thảo
|
|
TS. Vũ Văn Tuấn – Trưởng bộ môn Pháp Luật trình bày tham luận |
|
|
TS. Nguyễn Xuân Hoản - Chủ tịch Công đoàn ngành NN&PTNT Hà Nội trình bày tham luận |
|
|
TS. Lê Văn Hùng- Giảng viên bộ môn Triết học trình bày tham luận |
|
|
ThS. Lê Thị Dung – Giảng viên bộ môn Khoa học Chính trị trình bày tham luận |
Hội thảo đã nhận được ý kiến trao đổi sôi nổi của các đại biểu, các nhà khoa học, tập trung vào các vấn đề lý luận và thực tiễn: Những chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước; Pháp luật của nhà nước đối với một số lĩnh vực quản lí cụ thể; thực tiễn quản lý nhà nước đối với một số lĩnh vực như đào tạo lao động nông thôn, quản lí đất nông nghiệp; thực trạng quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại một số địa phương cụ thể như Hà Nội, Phú Thọ; những giải pháp đột phá của các địa phương nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước…
Một số hình ảnh thảo luận tại hội thảo
Phát biểu bế mạc hội thảo, TS. Trần Lê Thanh đã thay mặt ban tổ chức gửi lời cảm ơn các ý kiến thảo luận, trao đổi, phản biện của các đại biểu, các nhà khoa học, các sinh viên tham dự. Đồng thời nhấn mạnh, những ý kiến thảo luận tại hội thảo đã đưa ra nhiều góc nhìn khác nhau về cả các vấn đề lý luận và thực tiễn đối với công tác quản lí nhà nước về nông nghiệp, nông thôn; góp phần gợi mở nhiều vấn đề về thể chế, chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước cũng như cách thức tổ chức thực hiện quản lý nhà nước trong thực tiễn. TS. Trần Lê Thanh bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác của các đại biểu, các nhà khoa học trong thời gian tiếp theo.
Nhóm Nghiên cứu mạnh Chính sách và Phát triển xã hội nông thôn
Khoa Khoa học xã hội – Học viện Nông nghiệp Việt Nam