Cây nhãn là cây ăn quả nhiệt đới rất được ưa chuộng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, nhãn là cây ăn quả chủ lực của nhiều địa phương như Sơn La, Hưng Yên, Đồng Tháp, Vĩnh Long,… và đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU). Quả nhãn có thể sử dụng được dưới nhiều cách khác nhau như: quả tươi, chế biến, đông lạnh; mang lại giá trị kinh tế và hàm lượng dinh dưỡng cao. Do vậy, đẩy mạnh việc phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của cây nhãn nâng cao giá trị sản xuất và hiệu quả kinh tế thì việc phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nhãn là rất cần thiết.

Sáng ngày 4/12/2021, Hội thảo “Phát triển bền vững chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nhãn” do nhóm Nghiên cứu mạnh Liên kết Kinh tế và Phát triển thị trường - Học viện Nông nghiệp Việt Nam được tổ chức trên nền tảng Zoom và trực tiếp tại Hội trường C. Hội thảo đã kết nối trực tuyến với sự tham gia của hơn 120 đại biểu bao gồm lãnh đạo Sở Công thương và Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hưng Yên; Sở Khoa học và Công nghệ và Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sơn La; Trung tâm khuyến nông tỉnh Hưng Yên, Hội nông dân và Trung tâm khuyến nông tỉnh Sơn La, lãnh đạo Công ty CP TPXK Đồng Giao (DOVECO), các nhà quản lý doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nhãn, và các chuyên gia, nhà khoa học, các nghiên cứu sinh và học viên cao học đến từ các trường đại học, trung tâm, viện nghiên cứu từ nhiều vùng trong cả nước.

leftcenterrightdel
 PGS. TS. Phạm Bảo Dương, Phó giám đốc Học viện phát biểu chào mừng các nhà quản lý, doanh nghiệp, và nhà khoa học tham gia hội thảo

 

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS. Phạm Bảo Dương – Phó giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, cây nhãn là cây trồng có giá trị kinh tế quan trọng của một số nước châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Việt Nam, Ấn Độ. Trong những năm gần đây, sản xuất nhãn ngày càng được quan tâm đầu tư và phát triển về diện tích, sản lượng để phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Theo Tổng cục Thống kê năm 2020, diện tích nhãn của Việt Nam đạt 70.207ha với sản lượng 551.947 tấn. Trong đó, diện tích nhãn trồng tập trung tại các tỉnh Sơn La, Vĩnh Long, Đồng Tháp và Hưng Yên. Năm 2021, mặc dù bị hạn chế bởi đại dịch Covid-19, việc liên kết theo chuỗi đã thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhãn, là một trong những giải pháp để thực hiện mục tiêu của Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng chính phủ. Do vậy, Hội thảo được tổ chức nhằm đưa ra những gợi ý chính sách phát triển sản xuất bền vững và thúc đẩy chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nhãn trong thời gian tới.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu từ nhiều cơ quan, ban ngành trrong cả nước tham gia và chia sẻ tại Hội thảo

 

Với 8 bài tham luận của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, và các nhà khoa học đến từ Sở Công thương tỉnh Hưng Yên, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sơn La, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco), trường Đại học Bình Dương, trường Đại học Cửu Long, Khoa Kinh tế và PTNT, Khoa Nông học (Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Chủ trì phiên hội thảo là PGS.TS. Nguyễn Thị Dương Nga – nhóm NCM Liên kết Kinh tế và Phát triển thị trường. Hội thảo đã tập trung vào việc đánh giá thực trạng, khó khăn trong các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ, và xuất khẩu nhãn của Việt Nam, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng quả nhãn, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm từ nhãn, và vấn đề giới trong liên kết sản xuất và tiêu thụ nhãn. Cũng tại hội thảo, các đại biểu cũng đã chia sẻ các bài học kinh nghiệm liên quan đến phát triển bền vững chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nhãn cũng như đặt ra các câu hỏi cho các diễn giả.   

 

leftcenterrightdel
Bài trình bày của Ông Phạm Ngọc Thành, Phó Tổng giám đốc Công ty CP TPXK Đồng Giao (DOVECO) về Tình hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nhãn của Việt Nam 
leftcenterrightdel
Bài trình bày của ông Nguyễn Văn Thơ, Giám đốc Sở Công thương Hưng Yên, về liên kết sản xuất và tiêu thụ nhãn lồng Hưng Yên qua sàn giao dịch thương mại điện tử 
leftcenterrightdel
 Bài trình bày của PGS.TS. Phước Minh Hiệp (Đại học Bình Dương) và PGS.TS. Bùi Văn Trịnh (Đại học Cửu Long)
leftcenterrightdel
 Bài trình bày của PGS.TS. Nguyễn Mậu Dũng - Phó Trưởng Khoa Kinh tế và PTNT, về phát triển sản xuất nhãn trên địa bàn tỉnh Sơn La
leftcenterrightdel
TS. Nguyễn Hữu Nhuần - Phó Trưởng Khoa Kinh tế và PTNT, Trưởng nhóm NCM Liên kết Kinh tế và Phát triển thị trường, tổng kết và phát biểu bế mạc hội thảo 

 

Kết thúc chương trình, TS. Nguyễn Hữu Nhuần – Phó trưởng khoa Kinh tế và PTNT, Trưởng nhóm NCM Liên kết Kinh tế và Phát triển thị trường đã tổng kết các kết quả của Hội thảo và bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đến các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp và các đơn vị tham gia Hội thảo. Sự thành công của hội thảo sẽ góp phần kết nối giữa Khoa Kinh tế và PTNT cũng như Học viện Nông nghiệp Việt Nam với các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp ngoài Học viện để nâng cao giá trị và thúc đẩy sự phát triển bền vững chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nhãn nói riêng, chuỗi nông sản nói chung tại Việt Nam.

Nguyễn Anh Đức, Nhóm NCM Liên kết Kinh tế và Phát triển thị trường