Sơn La là một tỉnh miền núi phía Bắc có nhiều lợi thế trong phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đối với các lĩnh vực sản xuất cây ăn quả, rau và hoa các loại, cây dược liệu, chè, chăn nuôi bò sữa, nuôi trồng thủy sản khu vực lòng hồ thủy điện, lâm nghiệp… Trong những năm gần đây, để thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), tỉnh Sơn La đã thực hiện nhiều giải pháp như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp… Mặc dù các giải pháp triển khai đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ nhưng bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại nhất định. Vì vậy, tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và tìm giải pháp ứng phó với BĐKH trong sản xuất nông nghiệp thời gian tới đang nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền và nhân dân ở Sơn La.
Ngày 11/1/2022, Nhóm nghiên cứu mạnh “Hợp tác, liên kết trong sản xuất và kinh doanh nông nghiệp” Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và đề xuất giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam và trực tuyến trên nền tảng Zoom. Mục tiêu của hội thảo là trao đổi, thảo luận các chiến lược, kế hoạch và giải pháp cụ thể nhằm thích ứng tốt với BĐKH trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Tham dự Hội thảo, về phía Học viện Nông nghiệp Việt Nam có PGS.TS. Phạm Bảo Dương – Phó Giám đốc Học viện, TS. Nguyễn Anh Trụ ‒ Phó Trưởng khoa Kế toán và Quản trị kinh doanh; PGS.TS Trần Quang Trung ‒ Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh “Hợp tác, liên kết trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp”.
Về phía khách mời, có sự tham dự của đại điện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La: Ông Lưu Bình Khiêm – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La, Ông Phan Ngọc Bắc ‒ Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La, Ông Khúc Ngọc Hoan ‒ Trưởng phòng Quản lý khoa học Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La. Về phía Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La có sự tham gia của các Chi cục: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản; Chi cục Kiểm lâm. Về phía huyện Quỳnh Nhai có sự tham gia của đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường. Tham dự hội thảo còn có sự tham gia của các cán bộ thuộc các cơ quan Sở, Ban, Ngành trên địa bàn tỉnh, các nhà khoa học đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu, sinh viên và học viên của khoa Kế toán và Quản trị kinh doanh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS. TS. Phạm Bảo Dương nhấn mạnh tác động tiêu cực của những hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa đá, nắng nóng kéo dài, hạn hán, sương muối… đối với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La và sự cần thiết của các giải pháp để thích ứng tốt với BĐKH trong giai đoạn hiện nay.
|
|
PGS.TS. Phạm Bảo Dương – Phó giám đốc Học viện, phát biểu khai mạc Hội thảo |
Các thành viên thuộc Nhóm nghiên cứu mạnh và các đại biểu đến từ các cơ quan ban, ngành của tỉnh Sơn La đã trình bày thực trạng, giải pháp ứng phó với BĐKH đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Một số hình ảnh trình bày bài tham luận
Cuối cùng, phát biểu bế mạc và tổng kết tại Hội thảo, PGS.TS. Trần Quang Trung đã thay mặt cho Ban tổ chức bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc về sự hợp tác và chia sẻ của các diễn giả, các đơn vị và toàn thể các đại biểu đã tham dự, trình bày và đóng góp các ý kiến quý báu cho sự thành công của Hội thảo. PGS.TS Trần Quang Trung mong rằng các nhà khoa học và UBND tỉnh Sơn La tiếp tục tăng cường hợp tác chặt chẽ để cùng đề xuất các giải pháp hữu ích và khả thi nhằm thích ứng tốt với BĐKH trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La, cũng như phát triển các hoạt động hợp tác khác về nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi mới đối với phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Sơn La.
Trần Thị Thương -
Nhóm nghiên cứu mạnh “Hợp tác, liên kết trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp”