\r\n Vừa qua, hội nghị quốc tế về “Phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người” đã khai mạc tại Hà Nội. Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế phối hợp tổ chức. Tham dự hội nghị có 170 đại biểu của các nước trong khu vực Đông Nam Á, các quốc gia cam kết tham gia Chương trình Hợp tác An ninh y tế toàn cầu. Về phía Học viện Nông nghiệp Việt Nam có PGS. TS. Nguyễn Thị Lan – Phó Giám đốc phụ trách Học viện; TS. Trịnh Đình Thâu – Trưởng khoa Thú y tham dự.

\r\n

\r\n Hội nghị đã bàn về các giải pháp tăng cường hợp tác trong khu vực và thế giới trong việc phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người với chủ đề “Giải quyết các mối đe dọa sức khỏe gây ra từ dịch bệnh động vật thông qua hợp tác và trao đổi kỹ thuật toàn cầu”.

\r\n

\r\n Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám nêu rõ: Việc ngăn chặn dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người đòi hỏi sự phối hợp đa ngành giữa hệ thống giám sát và ứng phó bệnh của ngành y tế và ngành nông nghiệp thú y. Khoa Thú y của Học viện Nông nghiệp Việt Nam tự hào đã góp một phần không nhỏ cùng với các đơn vị, tổ chức trong việc phòng chống dịch bệnh này. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn đề cao tinh thần hợp tác chặt chẽ, toàn diện và chia sẻ thông tin công khai, minh bạch với Tổ chức Thú y thế giới và Tổ chức Nông lương của Liên Hợp Quốc cũng như hợp tác rộng rãi hơn trong phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người với các tổ chức y tế quốc tế. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về thành lập “Đối tác Phòng chống cúm gia cầm và Cúm ở người – PAHI”.

\r\n

\r\n Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam - bà Pratibha Mehta cho rằng có đến  65% các loại dịch bệnh trên người, trong đó 70% xuất phát từ động vật. Hầu hết dịch bệnh đều có tính truyền nhiễm và có thể gây ra các đại dịch lớn. Trong những năm qua, mặc dù cộng đồng quốc tế đã quan tâm nhiều hơn trong nâng cao năng lực ứng phó các đại dịch lây truyền từ động vật nhưng trên thực tế việc phát hiện sớm và ứng phó dịch bệnh vẫn còn bị động trong ứng phó các tình huống dịch bệnh khẩn cấp. 

\r\n

\r\n Vì vậy, việc liên kết hợp tác giữa các quốc gia trên toàn cầu trong dài hạn là rất cần thiết, để củng cố nỗ lực đảm bảo an ninh y tế toàn cầu và phát triển tiếp cận “Một sức khỏe trong phòng chống dịch bệnh động vật”./.