Hội nghị quốc tế về Bệnh bạc lá lúa (ICBB) được tổ chức 3 năm một lần, lần đầu tiên tại Tsukuba, Nhật Bản (2004), tiếp theo là Nam Ninh, Trung Quốc (2007), Seoul, Hàn Quốc (2010), Hyderabad, Ấn Độ (2013) và Philippines (2016). Năm 2019, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long tổ chức "Hội nghị quốc tế về bệnh bạc lá trên lúa lần thứ 6" tại Thành phố Cần Thơ, Việt Nam. Hội nghị diễn ra trong 3 ngày từ 19-21/8/2019.

Tại hội nghị, thông tin về đa dạng di truyền, cấu trúc quần thể vi khuẩn Xanthomonas được báo cáo viên ở nhiều nước cập nhật; cơ chế phân tử về lây nhiễm và gây bệnh được các nhà khoa học hàng đầu thế giới (Jan Leach, Adan J.Bogdanove, Mỹ; Wolf Frommer, Đức) công bố.

Đáng chú ý, nội dung chính tập trung vào 5 hướng tiếp cận giúp cây lúa kháng bệnh bạc lá:

1. Phòng trừ bằng thuốc hóa học như loại Starner 20 WP với hoạt chất  Oxolinic acid hoặc thuốc sinh học như các loại dịch chiết từ cây xoan, tiêu, phân bò tươi… (Reeny Zacharis - Ấn Độ).

2. Khống chế sinh học (biocontrol): các nghiên cứu sử dụng các loại vi sinh vật đối kháng với vi khuẩn gây bệnh bạc lá có kết quả tốt như: thực khuẩn phage (Nguyễn Thị Thu Nga - ĐH Cần Thơ; Rejeki Desi - Indonesia), vi khuẩn Bacillus, Pseudomonas (Trần Vũ Phen - ĐH Cần Thơ), thay đổi hệ vi sinh vật nội sinh trong cây lúa (Fenghuan Yang – Trung Quốc).

3. Kích kháng: các nghiên cứu về chất kích kháng FeCl3, K2HPO4 (Lê Thanh Toản - ĐH Cần Thơ).

4. Sử dụng gen kháng bệnh tự nhiên: nghiên cứu xác định được gen kháng mới (Nguyễn Quốc Trung, Học viện Nông nghiệp VN; Jagjeet Singh Lore, Ấn Độ), kết quả chọn tạo giống lúa mang gen kháng bạc lá mới (Võ Thị Minh Tuyền, Viện Di truyền Nông nghiệp; Phạm Thiện Thanh, Viện Cây lương thực; Deo Mishra, Ấn Độ).

5. Chỉnh sửa tạo gen kháng bạc lá mới: một số gen kháng bạc lá mới được tạo ra bằng công nghệ chỉnh sửa gen như các gen SWEET (Wolf Frommer, Đức), gen OsERF#123 (Mathilde Hutin, Pháp).

Hai cán bộ của bộ môn Sinh học phân tử và CNSH ứng dụng, khoa CNSH, Học viện Nông nghiệp Việt Nam được sự hỗ trợ kinh phí từ Dự án Việt Bỉ và Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long đã tham gia trình bày 2 báo cáo hội trường và 1 poster về: “Evaluation of genetic resource for bacterial leaf streak disease caused by Xanthomonas oryzae pv. oryzicola” (Khảo sát nguồn gen cây lúa kháng bệnh đốm sọc do vi khuẩn Xanthomonas oryzae pv. Oryzae); “Identification of QTL associated with Bacter ial blight resistance in Khangdan18 cultivar” (Nguyễn Quốc Trung) (Xác định QTL kháng bệnh bạc lá ở giống lúa Khang Dân 18) và “Diversity of bacterial leaf blight disease strains in Northern Vietnam” (Tống Văn Hải) - (Đa dạng di truyền các chủng vi khuẩn gây bệnh bạc lá ở miền Bắc Việt Nam).