Ngày 26/11/2019, tại Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Nhóm nghiên cứu mạnh về Nông nghiệp hữu cơ (Nhóm NCM về NNHC), Khoa Nông học đã tổ chức Hội đồng tư vấn các giải pháp cho sản xuất và thương mại sản phẩm Nông nghiệp hữu cơ với sự tham gia tư vấn của 6 chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ gồm: PGS.TS. Đặng Thị Dung (Hội côn trùng); GS.TS. Phạm Thị Mỹ Dung (Hội kinh tế); Bà Nguyễn Thị Phương Liên (Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Tuệ Viên); TS. Phí Thị Diễm Hồng (Khoa Kế toán và Quản trị kinh doanh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam); TS. Nguyễn Đức Tùng (Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam).
Với sự chủ trì của trưởng nhóm NCM về NNHC, GS.TS. Phạm Tiến Dũng và điều hành bởi Chủ tịch Hội đồng, PGS.TS. Đặng Thị Dung và sự có mặt của các thành viên trong nhóm NCM về NNHC, cán bộ Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ, giảng viên Khoa Nông học, Hội đồng đã góp nhiều ý kiến định hướng toàn diện từ nghiên cứu lý thuyết đến nghiên cứu thực tế, sau đó các thành viên trong nhóm NCM về NNHC cùng tham gia thảo luận sôi nổi.
|
|
GS.TS. Phạm Tiến Dũng – trưởng nhóm NCMNNHC phát biểu tại buổi tư vấn |
Mở đầu, GS.TS. Phạm Thị Mỹ Dung trao đổi về tầm quan trọng của phát triển sản xuất hữu cơ theo chuỗi để nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm hữu cơ và những kinh nghiệm thực tế khi tham gia Dự án lúa hữu cơ PAMCI, từ thiết kế dự án đến tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
|
|
GS.TS. Phạm Thị Mỹ Dung – Hội kinh tế phát biểu tham luận tại Hội đồng tư vấn |
Tiếp theo, bà Nguyễn Thị Phương Liên trình bày về gắn sản xuất hữu cơ theo chuỗi tại trang trại Tuệ Viên bằng việc đa dạng hóa cây trồng và đa dạng hóa sản phẩm từ một cây trồng cũng như gắn kết với chế biến sản phẩm hữu cơ ngay tại trang trại đồng thời đưa ra những gợi ý cho việc phát triển các mô hình hữu cơ trên vườn tạp gia đình tại Việt Nam.
|
|
Bà Nguyễn Thị Phương Liên – Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Tuệ Viên phát biểu tham luận tại Hội đồng tư vấn |
TS. Phí Thị Diễm Hồng đóng góp những nhận xét cho những thất bại trong mô hình sản xuất các sản phẩm hữu cơ Hibiscus là chưa xây dựng và nhận diện được thương hiệu, chưa thấy được sự cần thiết của hoạt động này cho phát triển sản phẩm hữu cơ từ đó đưa ra đề xuất một số giải pháp phát triển các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sản phẩm hữu cơ.
TS. Nguyễn Đức Tùng trao đổi những nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam về sử dụng thiên địch trong phòng trừ sâu bệnh, đưa ra những ví dụ và khẳng định việc gắn sản xuất hữu cơ theo chuỗi là cần thiết.
|
|
Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại Hội đồng tư vấn |
Cuối cùng, Hội đồng tư vấn kết luận việc phát triển hữu cơ theo chuỗi là cần thiết để nâng cao giá trị sản phẩm hữu cơ và cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước -doanh nghiệp - nhà nghiên cứu - nông dân trong phát triển các mô hình hữu cơ và phải có mô hình cụ thể cho từng vùng về cả khía cạnh chính sách, kỹ thuật và thương mại hóa sản phẩm.
Nhóm NCM về Nông nghiệp hữu cơ – Khoa Nông học