Bệnh khảm lá sắn (Cassava mosaic disease, CMD) do virus gây ra đang là trở ngại lớn nhất cho sản xuất sắn ở các nước, đặc biệt tại châu Phi (nơi tạo ra trên 55% sản lượng sắn toàn cầu), gây thiệt hại ước tính khoảng 45 triệu tấn mỗi năm.

Hiện nay, bệnh đã lây lan sang Việt Nam, xuất hiện đầu tiên tại tỉnh Tây Ninh và đang tiếp tục lan rộng sang các tỉnh lân cận với tốc độ rất nhanh. Theo thông báo của Cục BVTV, vào cuối năm 2017, gần 6 nghìn trong tổng số 50 nghìn ha sắn của Tỉnh Tây Ninh đã bị nhiễm bệnh, với khoảng 860 ha bị nhiễm với tỷ lệ bệnh trên 70%. Cuối tháng 5 năm 2018, tổng diện tích nhiễm bệnh lên tới trên 14 nghìn ha, với 1900 ha có tỷ lệ bệnh trên 70%. Đến tháng 7 năm 2018, đã có 4 tỉnh là Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai, bị nhiễm bệnh khảm lá sắn với tổng diện tích 29.160 ha (tăng 28.867 ha so với cùng kì năm 2017). Riêng tỉnh Tây Ninh có 28.586 ha bị bệnh (5.581 ha nhiễm nặng; diện tích tiêu hủy 143,2 ha).

Với tầm quan trọng của cây sắn và mức độ gây hại của bệnh, virus gây bệnh khảm lá sắn hiện nay được xếp vào nhóm virus thực vật cực kỳ nguy hiểm. Cho tới nay, tổng số 12 virus gây bệnh khảm lá sắn đã được ghi nhận, tất cả các virus gây bệnh khảm lá sắn đều thuộc chi Begomovirus, họ Geminiviridae. Vì cùng chi Begomovirus nên các virus còn được gọi là các begomovirus. Trong số 12 begomovirus, có 10 virus phân bố ở châu Phi và 2 virus phân bố tại châu Á.

Bảng: Thành phần và phân bố virus gây bệnh khảm lá sắn

STT

Virus

Tên viết tắt

Phân bố

1

African cassava mosaic virus

ACMV

Châu Phi

2

African cassava mosaic BurkinaFaso virus

ACMBFV

3

Cassava mosaic Madagascar virus

CMMGV

4

East African cassava mosaic Cameroon virus

EACMCV

5

East African cassava mosaic Kenya virus

EACMKV

6

East African cassava mosaic Malawi virus

EACMMV

7

East African cassava mosaic virus

EACMV

8

East African cassava mosaic virus-Ugandan Variant

EACMV-UG

9

East African cassava mosaic Zanzibar virus

EACMZV

10

South African cassava mosaic virus

SACMV

11

Indian cassava mosaic virus

ICMV

Ấn Độ, Sri Lanka

12

Sri Lankan cassava mosaic

SLCMV

Ấn Độ, Sri Lanka, Campuchia, Việt Nam



Vector tuyền bệnh khảm lá sắn chính là bọ phấn trắng (Bemisia tabaci), là một phức hợp loài (Species complex) (có ít nhất 31 loài) với phổ ký chủ rất rộng, có thể nhiễm trên khoảng 500 loài cây thuộc 74 họ thực vật.

Hiểu rõ tầm quan trọng và mức độ nguy hiểm của bệnh khảm lá sắn tại Đông Nam Á và Việt Nam, từ năm 2009, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tiến hành để tài cấp Bộ GD&ĐT (B2009-11-132) nghiên cứu về Begomovirus hại cây trồng tại Việt Nam. Kết quả giai đoạn 2009 - 2011 khi điều tra các vùng trồng sắn chính thuộc miền Bắc và miền Nam chưa phát hiện thấy bệnh. Nhưng đến tháng 6 năm 2017, theo yêu cầu của Cục BVTV và Chi cục BVTV tỉnh Tây Ninh, nhóm nghiên cứu của Học viện đã kiểm tra 2 mẫu bệnh khảm lá sắn trên hai giống sắn HLS11 và KM419 (các giống được trồng phổ biến hiện nay) thu tại Tây Ninh. Bằng phương pháp giám định đánh giá triệu chứng, PCR và giải trình tự, nhóm đã xác định nguyên nhân gây bệnh khảm lá sắn là do Virus Sri Lankan cassava mosaic (SLCMV).

Trên đà đó, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đẩy mạnh các nghiên cứu xây dựng cấu trúc xâm nhiễm (infectious clone) của mẫu virus SLCMV tại Việt Nam nhằm giải trình tự toàn bộ bộ gen virus, đánh giá các đặc điểm sinh học của virus, phát hiện phổ ký chủ, đặc biệt là đánh giá tính kháng nhiễm của các dòng/giống sắn phục vụ chương trình tạo giống kháng bệnh. Nghiên cứu được thực hiện với sự tham gia của các nhà khoa học, các sinh viên của Học viện và cả sinh viên quốc tế (Mozambic). Tới nay, Học viện đã xây dựng xong cấu trúc xâm nhiễm DNA-B của virus, đồng thời đã chủ động liên hệ với trung tâm BIOTECT Thái Lan cùng thiết lập dự án nhằm phát triển kháng thể đơn dòng chẩn đoán SLCMV. Hợp tác nghiên cứu có thời hạn 2 năm (2019-2021) và đã được thể hiện bằng Biên bản ghi nhớ giữa BIOTECT và Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Nhận được chỉ thị số 5957/CT-BNN-BVTV, ngày 06/08/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh khảm lá virus hại sắn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang tích cực phối hợp với các Bộ, ban, ngành, các nhà khoa học trong và ngoài nước cùng chung tay trong chiến dịch phòng trừ và ngăn chặn sự lây lan của bệnh khảm lá sắn.

Ngày 15/08/2018, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tiến hành tổ chức Seminar khoa học nhằm đánh giá về tình hình dịch bệnh khảm lá trên cây sắn và cùng các nhà khoa học thảo luận đưa ra giải pháp phòng trừ bệnh có hiệu quả nhất. Kết quả của buổi Seminar sẽ là định hướng để Học viện tiếp tục đẩy mạnh những nghiên cứu nhằm đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời tuyên truyền, khuyến cáo, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nông dân sản xuất sắn hiểu về bệnh khảm lá sắn và cùng tham gia vào công tác phòng trừ bệnh.