Sáng ngày 29/7/2019, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội nghị thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế với chủ đề “Nông nghiệp Thừa Thiên Huế Phát triển bền vững – An toàn - Ứng dụng công nghệ cao”, đến dự hội nghị có ông Nguyễn Xuân Cường – Ủy viên Trung ương đảng, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện các cục vụ viên của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (vụ Kế hoạch, Vụ Khoa học và công nghệ, tổng cục Thủy Sản, Tổng cục Lâm nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam...), các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế.

 


 

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói, Tỉnh Thừa Thiên Huế - Cố đô của nước Việt với 143 năm dưới Vương triều nhà Nguyễn, nơi hội tụ tinh hoa của trời đất, nơi giao thoa của các vùng miền, điều đó tạo nên nhiều lợi thế cho việc phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh nhà (đa dạng về địa hình: núi, biển, đồng bằng và đầm phá; đa dạng về tài nguyên thực, động vật), Bộ trưởng cho rằng tỉnh cần tập trung khai thác tốt lợi thế trên để xây dựng và phát triển nền kinh tế nông nghiệp theo hướng: Phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái tuần hoàn; Sản xuất nông nghiệp đặc sản; Phát triển nông nghiệp hữu cơ; Phát triển nông nghiệp gắn với văn hóa - du lịch; Nông nghiệp gắn với văn hóa ẩm thực của Cố đô Huế.

 


 

Tiếp theo ý kiến phát biểu của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, các nhà khoa học, doanh nghiệp đã có nhiều ý kiến đóng góp cho định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế như việc khai thác nguồn lợi thủy sản, phát triển bền vững khu vực đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, Chuyển đổi cơ cấu cây trồng; Bảo tồn và phát triển các cây, con đặc sản của tỉnh; Phát triển du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp; Xây dựng và phát triển các sản phẩm của địa phương (chương trình OCOP)... Đặc biệt tại hội nghị, chuyên gia từ JICA – Nhật Bản đã trình bày và chia sẻ kinh nghiệm xây dựng “Mô hình hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao tại Nhật Bản và khả năng áp dụng tại Việt Nam”.

 


Tham luận tại hội nghị GS.TS Nguyễn Thị Lan cho rằng việc nhận diện được những lợi thế tiềm năng của tỉnh, các hạn chế của điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội là điều kiện tiên quyết để xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp sinh thái tuần hoàn, bền vững và an toàn. Bên cạnh đó để có những giải pháp toàn diện, tỉnh cần triển khai đồng bộ các giải pháp như: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (cán bộ kỹ thuật, công nhân lao động…) đáp ứng với mục tiêu chiến lược của ngành; Đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật phục vụ phát triển tập trung vào: Đánh giá thực trạng tài nguyên đa dạng thực vật, động vật và nguồn lợi thủy hải sản của tỉnh; Đánh giá tài nguyên đất; nghiên cứu các giải pháp phát triển bền vững, hạn chế ô nhiễm môi trường; Phục tráng và phát triển các cây trồng, vật nuôi, thủy sản bản địa (Thanh Trà, Mai Huế, Sen Huế, Cá Ong Bầu...); Đánh giá tài nguyên rừng và xây dựng chiến lược phát triển lâm nghiệp bền vững, gắn phát triển lâm nghiệp với phát triển các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ nhằm hạn chế áp lực lên khai thác rừng. Đại diện UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh, đánh giá cao và cảm ơn các ý kiến đóng góp quý báu của các nhà khoa học, các đơn vị, đặc biệt UBND tỉnh cũng mong muốn có sự hợp tác chắt chẽ và hiệu quả hơn với Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong việc triển khai chiến lược phát triển nông nghiệp của tỉnh nhà.