Trước nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm A/H5N6, bên cạnh triển khai nhiệm vụ nghiên cứu đột xuất về dịch tễ học và chẩn đoán virus, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đồng thời nhận xét nghiệm chẩn đoán virus học bệnh cúm gia cầm miễn phí cho người chăn nuôi.

leftcenterrightdel
Virus cúm gia cầm có khả năng đột biến rất cao, có thể gây bệnh cho người. Ảnh: INT 

 

Sáng ngày 13/2, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã họp để thực hiện những chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong việc phòng chống dịch cúm gia cầm.
 
Sau khi tổng hợp ý kiến của các Ban ngành, Đoàn thể, đặc biệt góp ý của các nhà khoa học ở Khoa Thú y, Học viện đã nêu ra một số giải pháp để góp sức cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong phòng chống dịch cúm gia cầm bao gồm:
 
(1) Triển khai nhiệm vụ nghiên cứu đột xuất (Đề tài trọng điểm cấp Học viện) về cúm A/H5N6 trên gia cầm (dịch tễ học, chẩn đoán virus, đề xuất giải pháp kỹ thuật và kinh tế xã hội trong phòng chống bệnh cúm gia cầm).
 
(2) Ứng dụng kết quả nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam từ những để tài các cấp trong những năm qua để giám sát lưu hành cúm gia cầm.
 
(3) Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ sinh học chịu trách nhiệm thực hiện những nhiệm vụ xét nghiệm mẫu bệnh phẩm theo đúng chức năng nhiệm vụ của Phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO 17025/2005. Hỗ trợ chi phí xét nghiệm chẩn đoán virus học bệnh cúm gia cầm cho người chăn nuôi giai đoạn cao điểm của dịch.
 
(4) Bổ sung, cập nhật kiến thức khoa học và phổ biến kiến thức về bệnh cúm gia cầm tới nhà khoa học, bác sĩ thú y và người chăn nuôi qua các kênh internet, tạp chí và các buổi hội thảo chuyên ngành.
 
(5) Điều chỉnh hoạt động của Học viện, tập trung tối đa nhân lực, vật tư phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh nói chung (trong đó có bệnh do nCoV gây ra) và bệnh cúm gia cầm nói riêng ngay trong giai đoạn quý 1 năm 2020.
 
Dịch cúm gia cầm đã nổ ra mạnh mẽ ở Việt Nam từ năm 2003. Sau nhiều năm ứng phó với dịch cúm gia cầm, bệnh vẫn chưa được thanh toán triệt để và trở thành dịch lưu hành trong cả nước với những ổ dịch phát ra lẻ tẻ hoặc ồ ạt liên tục qua các năm.
 
Virus cúm gia cầm có khả năng đột biến rất cao, có thể gây bệnh cho người và gây chết người khiến cho nhiệm vụ phòng chống dịch luôn được đặt vào trong nhóm nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thú y.
 
Theo báo cáo của các địa phương, năm 2019, bệnh CGC xảy ra tại 70 hộ chăn nuôi, 44 xã, 41 huyện thuộc 24 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy trên 133 nghìn con gia cầm.
 
Từ đầu tháng 1/2020 đến nay, cả nước có một ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 chưa qua 30 ngày tại tỉnh Quảng Ninh. Đến chiều ngày 12/2/2020 cả nước đã ghi nhận có 10 ổ dịch cúm gia cầm do chủng virus cúm A/H5N6 gây ra tại 5 tỉnh, thành phố gồm Quảng Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An và Bắc Ninh với tổng số gia cầm phải tiêu hủy hơn 43.000 con.
 
Năm 2019, cơ quan chức năng đã chủ động lấy mẫu giám sát tại 26 tỉnh, thành phố (tổng cộng 3.966 mẫu gộp của 19.830 con gia cầm đã được xét nghiệm); kết quả, tỷ lệ dương tính với virus cúm A là 37,72% - trong đó tỷ lệ dương tính với virus cúm A/H5N1 là 1,19%; A/H5N6 là 1,82%.
 
Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra Công điện khẩn số 735/CĐ-BNN-TY ngày 3/2/2020 hướng dẫn các giải pháp phòng chống bệnh cúm gia cầm.