Nhiều viện nghiên cứu, trường đại học có sản phẩm nghiên cứu hữu ích, có tính thực tiễn cao nhưng không có địa chỉ để chuyển giao. Trong khi đó, các doanh nghiệp cần sản phẩm phải đi tìm kiếm, thậm chí mua sản phẩm của nước ngoài với giá cao. Để giải quyết bài toán này, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều giải pháp để kết nối nhà quản lý, nhà khoa học, truyền thông, nhà đầu tư và người dân.

Từ phòng thí nghiệm này, chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, Viện Nghiên cứu Tăng trưởng xanh đã nghiên cứu và sản xuất thành công chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi - vấn đề khó giải quyết trong sản xuất nông nghiệp tại nông thôn hiện nay.

PGS.TS NGUYỄN THỊ MINH - Giảng viên Cao cấp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam: "Do chăn nuôi phát thải rất nhiều, xử lý chưa triệt để, nhất là vấn đề ô nhiễm dịch bệnh dẫn đến bà con phải sử dụng rất nhiều hoá chất cũng như thuốc kháng sinh trong chăn nuôi và trồng trọt nên nông sản còn rất nhiều tồn dư, không đảm bảo an toàn sức khoẻ cũng như không đảm bảo tiêu chí xuất khẩu. Chúng tôi đã đi sâu vào nghiên cứu để tạo ra bộ sản phẩm gồm các loại chế phẩm sinh học có tác dụng tổng hợp để ứng dụng trong tất cả các chu trình chăn nuôi khép kín."

Đây là một trong số những sản phẩm từ phòng thí nghiệm được đưa ra ứng dụng thí điểm tại một số trang trại. Kết quả đã giúp giảm hơn 20% chi phí sản xuất, giảm sức lao động, giảm chất thải nông nghiệp; đồng thời tăng cường sức khỏe, đề kháng vượt trội cho đàn vật nuôi. Từ các mô hình ứng dụng các sản phẩm nghiên cứu, các nhà khoa học tại viện kỳ vọng sản phẩm nghiên cứu của mình sẽ được ứng dụng rộng rãi.

TS HOÀNG HIỆP - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tăng trưởng xanh: “Các sản phẩm đưa ra với hai mục đích gắn liền luôn với tăng trưởng xanh. Thứ nhất là giúp tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi, nhưng đồng thời cũng lưu ý đến giảm phát thải trong chăn nuôi, giảm phát thải khí nhà kính. Chúng tôi mong muốn kết hợp với địa phương để làm sao nhân rộng được việc sử dụng các sản phẩm này.”

Chỉ trong một thời gian ngắn từ 2019-2021, số lượng đề tài cấp quốc gia, hợp tác quốc tế, nghiên cứu cấp bộ và cấp tỉnh tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam tăng; kinh phí cũng được tăng 17%. Số lượng các tiến bộ kỹ thuật, bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được công bố quốc tế tăng 10%; riêng đăng trên các tạp chí tạp chí Khoa học chất lượng cao của thế giới tăng 33% so với năm 2018. Nhiều nghiên cứu thành công nhưng doanh nghiệp phải biết đến để đầu tư chuyển giao ứng dụng vào thực tiễn là mục tiêu hướng tới của lãnh đạo học viện.   

GS.TS NGUYỄN THỊ LAN - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam: "Chúng ta làm thế nào để gắn kết giữa nhà khoa học, cơ quan quản lý, rồi doanh nghiệp, người sử dụng, nếu chúng ta thực hiện tốt được gắn kết này thì có thể chuyển giao được sản phẩm, và phải bắt đầu ngay từ khâu ý tưởng, chứ không phải để đến lúc có sản phẩm xong rồi mới đi tìm thì rất mất thời gian. Thế nên ngay từ đầu, chúng ta xây dựng ý tưởng, tập hợp nhau lại và nghe nhu cầu của các bên, và từ đó đặt ra vấn đề nghiên cứu sản phẩm thì mới thuận lợi."

Ông NGUYỄN QUỐC HƯNG - nguyên Uỷ viên thường trực Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên, nhi đồng: “Thông qua 3 chương trình mục tiêu quốc gia, học viện cần có các nghiên cứu kết hợp với các cơ quan quản lý liên quan đến 3 chương trình mục tiêu này, nhất là các địa phương còn nhiều khó khăn để ứng dụng các đề tài nghiên cứu vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội các đồng bào dân tộc miền núi.”

Bên cạnh đó, nghiên cứu phát triển mô hình doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ spin-off trong trường đại học cũng đang là một định hướng của học viện. Việc thành lập mô hình doanh nghiệp này sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển thương mại hoá sản phẩm khoa học công nghệ, trình diễn, triển lãm giới thiệu sản phẩm khoa học công nghệ, đặc biệt, mở ra nhiều cơ hội kết nối sâu rộng, toàn diện giữa doanh nghiệp trong trường đại học với doanh nghiệp - đối tác trong và ngoài nước.

Thực hiện : Thanh Nga Minh Chiến

(https://www.quochoitv.vn/)