Thực hiện chương trình hỗ trợ, hợp tác chuyển giao công nghệ giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam và huyện Mỹ Đức, Trong năm 2017 các nhà khoa học của Học viện đã phối hợp với các đơn vị chức năng của huyện Mỹ Đức triển khai một số mô hình khoa học công nghệ.

Phát triển sản phẩm rau sắng chùa Hương

Rau sắng chùa Hương là sản phẩm đặc trưng của huyện Mỹ Đức. “Rau Sắng” được đi vào thơ ca và giai thoại văn học. Tuy nhiên, hiện tại sản xuất rau sắng chủ yếu là khai thác tự nhiên, việc nhân giống và thâm canh gặp nhiều khó khăn. Để hỗ trợ người sản xuất, các nhà khoa học của Học viện đã triển khai một số nội dung liên quan như:

- Chuyển giao công nghệ nhân giống và chăm sóc rau sắng;

- Xây dựng và hoàn thiện hồ sơ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm rau sắng chùa Hương;

Thông qua việc triển khai mô hình, người dân quanh khu vực chùa Hương đã bước đầu làm chủ công nghệ nhân giống, trồng thâm canh rau sắng theo hướng hữu cơ. Hy vọng với sự trợ giúp của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nhãn hiệu tập thể “Rau Sắng chùa Hương” được công nhận, sản phẩm sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng và góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình của người dân quanh khu du lịch chùa Hương.


Mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học

Chăn nuôi gia trại vẫn là một trong những giải pháp cho phát triển kinh tế hộ gia đình tại các huyện ngoại thành, thành phố Hà Nội, công nghệ chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học là công nghệ mới được ứng dụng tại Việt Nam, sử dụng hệ vi sinh vật hữu hiệu giúp cải thiện môi trường chăn nuôi đặc biệt là việc giảm ô nhiễm môi trường không khí quanh khu vực chăn nuôi.

Mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học triển khai tại hộ ông Bạch Văn Hoan – Thọ Sơn – TT. Đại Nghĩa – Mỹ Đức và hộ Nguyễn Văn Tính – Hợp Tiến – Mỹ Đức. Kết quả đánh giá mô hình đều đạt được các mục tiêu về cải thiện môi trường và trong thời gian tới, huyện Mỹ Đức đề nghị Học viện tiếp tục hỗ trợ việc nhân rộng mô hình, đặc biệt ở các hộ chăn nuôi lợn của huyện.