Đó là khẳng định của PGS. TS Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Theo PGS: Để thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng sâu rộng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, trong thời gian vừa qua, Học viện đã và đang thực hiện công tác đồng bộ cơ chế chính sách đổi mới, từ đào tạo, cơ sở vật chất, hành chính… đặc biệt là việc thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ (KH-CN) và chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn. Sắp tới, Học viện sẽ hoàn thiện cơ chế đặt hàng sản phẩm KH-CN sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực
Học viện Nông nghiệp Việt Nam là đại học đầu ngành khối các trường nông nghiệp của Việt Nam. Với phương châm lấy người học làm trung tâm của quá trình đào tạo, luôn luôn đưa mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo lên hàng đầu, Học viện là địa chỉ tin cậy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, đạt chuẩn quốc tế.
Học viện là địa chỉ học tập tin cậy cho người học muốn có một vị trí việc làm tốt trong tương lai, nơi tìm thấy cơ hội phát triển nghề nghiệp, cơ hội phát triển học tập tại các quốc gia có nền đào tạo tiên tiến trên thế giới. Học viện có các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh như chương trình tiên tiến ngành Khoa học cây trồng và Quản trị kinh doanh nông nghiệp, chương trình chất lượng cao ngành Công nghệ sinh học và Kinh tế nông nghiệp. Đây là các chương trình đào tạo hợp tác với các trường đại học tiên tiến trên thế giới như University of California, Davis, thứ bậc xếp hạng 44 theo bảng xếp hạng World Rank và Đại học tổng hợp Wisconsin – Madison, Hoa Kỳ, thứ bậc xếp hạng 31 trong bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới…
Với mục tiêu đa dạng hóa các chương trình đào tạo, đào tạo theo nhu cầu của xã hội, đào tạo theo hướng lấy người học làm trung tâm, học qua trải nghiệm, học dựa trên năng lực, phối hợp nhiều phương pháp giảng dạy và học tích cực, Học viện đã xây dựng các chương trình giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp - ứng dụng (POHE) được thiết kế theo hướng công nghệ cao. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia giáo dục Hà Lan trong khuôn khổ Dự án Giáo dục đại học Việt Nam – Hà Lan, đến nay, Học viện đã xây dựng và đào tạo 9 chương trình đào tạo đại học theo định hướng nghề nghiệp - ứng dụng. Các chương trình đào tạo POHE đã tạo ra những lợi ích vượt bậc cho người học như định hướng nghề nghiệp sớm, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm, có cơ hội trải nghiệm thực tế tại các cơ quan, doanh nghiệp, được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn, các kỹ năng, thái độ nghề nghiệp và các kỹ năng mềm cần thiết.
Hiện nay, nguồn cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học của Học viện đạt 80% trên tổng số cán bộ viên chức toàn Học viện. Phát triển nguồn lực chất lượng cao, cơ sở vật chất đồng bộ và hiện đại với nhiều phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO là những công việc mà Học viện đang triển khai đồng bộ trong thời gian này. Các đơn vị trực thuộc Học viện được tổ chức, hoạt động theo cơ chế mở và liên thông trong khuôn khổ lãnh đạo, điều hành, quản lý thống nhất của Đảng uỷ, Hội đồng Học viện, Ban Giám đốc, nên số lượng các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và kinh phí phục vụ cho nghiên cứu khoa học của Học viện tăng dần qua các năm.
Từ 500 nhiệm vụ giai đoạn 2000 - 2005 lên đến 1.067 nhiệm vụ giai đoạn 2011 - 2015, với tổng kinh phí 306,2 tỷ đồng, trong đó cấp nhà nước 43, cấp bộ 127, hợp tác quốc tế 17, địa phương 55 và cấp cơ sở 825 nhiệm vụ.
Ngoài ra, Học viện còn chủ trì và tham gia một số chương trình trọng điểm Quốc gia như: Chương trình KH-CN phục vụ xây dựng nông thôn mới; Chương trình KH-CN phát triển vùng Tây Bắc; Chương trình vacxin; Chương trình sản phẩm quốc gia: Lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, sữa và thịt bò...
Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật
Trong những năm qua, Học viện đã triển khai hơn 50 dự án, mô hình KH-CN tại nhiều địa phương như Hòa Bình, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Lào Cai, Bắc Ninh, Bắc Giang, Điện Biên, Nghệ An, Nam Định, Yên Bái, Bắc Kạn, Thanh Hóa…
Tại Hà Nội, mô hình ứng dụng máy gặt đập mini, hệ thống máy canh tác đồng bộ khoai tây, mô hình trồng chuối tây lai, trồng hoa cúc vạn thọ lùn… được triển khai và nhận được sự tiếp nhận của bà con. Tại Hà Nam, mô hình sản xuất rau hữu cơ, mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, mô hình xử lý chất thải chăn nuôi, mô hình sản xuất hạt giống lúa lai… được triển khai tại địa phương này. Tại Bắc Ninh, Học viện đã triển khai mô hình đánh giá hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ xây dựng nông thôn mới và đề xuất giải pháp, mô hình sản xuất khoai tây giống, mô hình sản xuất giống lúa mới…); Bắc Giang (nghiên cứu và phát triển bưởi Diễn tại Hiệp Hòa, xây dựng vườn cây đầu dòng cho các cây ăn quả, xây dựng mô hình sản xuất cà chua, dưa chuột và na phục vụ chế biến và xuất khẩu, xây dựng mô hình chăn nuôi lợn chất lượng cao… Tại Phú Thọ, nghiên cứu chính sách bảo hiểm cho người trồng chè, chuyển giao công nghệ chế biến và sản xuất phân bón lá Pomior…; Lai Châu (nghiên cứu phục tráng và phát triển giống lúa tẻ râu, nghiên cứu phục tráng và phát triển giống lúa nếp than và khẩu ký…); Cao Bằng (nghiên cứu ứng dụng công nghệ bếp khí hóa và ủ phân compost, xây dựng mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, mô hình ản xuất rau Dạ hiến theo tiêu chuẩn VietGAP…); Bắc Kạn (mô hình cải tạo đàn dê, phục tráng giống lúa Bao Thai)…
Ngoài mô hình KH-CN được triển khai tại các địa phương, các công trình nghiên cứu của Học viện cũng được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất như: giống lúa thuần, giống lúa lai, giống cà chua, ngô, đậu tương, phân viên nén, hoa hồng, hoa hiên, hoa lan huệ...
Các quy trình kỹ thuật, tiến bộ kỹ thuật và bằng bảo hộ độc quyền giải pháp hữu ích, KIT chẩn đoán nhanh bệnh tai xanh trên lợn tại Việt Nam (2 - 5 phút), vacxin tai xanh vô hoạt nhũ dầu, vacxin care phòng bệnh sài sốt chó, vacxin dịch tả vịt, máy gặt liên hoàn…
Cùng với nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, cán bộ, sinh viên Học viện còn tích cực tham gia phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Tính đến năm 2016, cán bộ, giảng viên và sinh viên Học viện đã triển khai 10 đề tài trong hoạt động tình nguyện “Mùa hè xanh” tại các địa phương trên cả nước. Các đề tài này có tính ứng dụng thực tế cao và được người dân địa phương tiếp nhận.
Trong giai đoạn 2011 - 2016, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phục vụ xây dựng nông thôn mới của Học viện được triển khai ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: Quy hoạch xây dựng nông thôn mới; Xây dựng mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; Xử lý chất thải bảo vệ môi trường. Các hoạt động đó đã thực sự góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Thành tích được ghi nhận
Các công trình khoa học được Học viện chuyển giao công nghệ thành công đã giúp địa phương tiếp nhận, làm chủ công nghệ để giải quyết các vấn đề cơ bản về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao nhằm tăng năng suất, tăng thu nhập trên diện tích hiện có tại địa phương; phát triển các sản phẩm lợi thế của Việt Nam. Đặc biệt là giúp địa phương khôi phục, phát triển ngành nghề truyền thống và nghề phụ; phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp; sản xuất giống và nuôi thủy sản với các hình thức nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, nuôi sinh thái; ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất và sử dụng các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông sản an toàn; cung cấp thông tin KH-CN phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Một số dự án đã thực sự tạo được điểm sáng về ứng dụng tiến bộ KH-CN vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội (KT-XH) thiết thực trên địa bàn thực hiện dự án, góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Kết quả dự án đã được duy trì và nhân rộng, làm tiền đề cho các chương trình phát triển KT-XH khác của địa phương, nâng cao niềm tin và ý thức của người dân trong việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.
Những tiến bộ được chuyển giao công nghệ của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thực sự đem lại những thay đổi trong sản xuất về nông nghiệp của địa phương, góp phần giúp các địa phương đạt tiêu chí về tăng thu nhập của người dân trong vùng. Kết quả chuyển giao công nghệ không chỉ được người dân trên địa bàn triển khai chấp nhận mà còn được ghi nhận tại các địa phương.
Với những thành tích về chuyển giao công nghệ, Học viện đã nhận được nhiều bằng khen của Bộ, của Trung ương đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Đặc biệt PGS.TS Nguyễn Thị Trâm được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động; PGS. TS Nguyễn Thị Lan vinh dự nhận Cúp vàng “Trí thức KH-CN tiêu biểu năm 2015”…
Năm học 2016 – 2017, Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ bước sang một trang mới trong hành trình 60 năm xây dựng và phát triển với nhiều thử thách và nhiệm vụ mới. Nhưng với những thành tích đã gặt hái được trong những năm qua trên hoạt động KH-CN, tin rằng Học viện sẽ thành công trong công tác hoàn thiện cơ chế đặt hàng sản phẩm KH-CN sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm như lời khẳng định của Giám đốc Học viện. Điều đó đã góp phần khẳng định, Học viện Nông nghiệp Việt Nam là địa chỉ tin cậy, uy tín không chỉ ở công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, trình độ cao, đạt chuẩn quốc tế mà còn là địa chỉ hàng đầu chuyển giao KH-CN về nông nghiệp của Việt Nam.