1.Giới thiệu chung

Lutein là sắc tố thuộc nhóm carotenoids, sắc tố này có giá trị sinh học cao như khả năng kháng oxy hóa (Chang-Lian Peng & cs., 2006), kháng viêm (Johnson EJ, 2014); có khả năng ngăn ngừa ung thư ruột kết, ung thư vú, tiểu đường loại 2 và bệnh tim. (Li & cs., 2013). Trong mắt, lutein có thể hoạt động như một bộ lọc ánh sáng xanh để bảo vệ các mô bên dưới khỏi tác hại của chất độc quang học. Cơ chế mà lutein tham gia vào việc ngăn ngừa các bệnh về mắt thể hiện liên quan đến vai trò của nó như một chất chống oxy hóa, vô hiệu hóa vô hiệu hóa các gốc tự do được hình thành bởi tác động của ánh sáng trên võng mạc mắt (Calvo, 2005). Lutein được cho là có tác dụng bảo vệ chống lại các bệnh về mắt, thoái hóa điểm vàng do tuổi tác và đục thủy tinh thể, chống suy giảm thị lực (Johnson, 2014). Do đó, việc cung cấp lutein cho cơ thể người là rất cần thiết. Theo khuyến cáo của bộ nông nghiệp Mỹ (USDA), cơ thể người cần được cung cấp tối thiểu 6 mg lutein/ngày và nên cung cấp mức 10-20 mg lutein/ngày; đối với Người Nhật, việc xây dựng khẩu phẩn ăn cần đảm bào lượng lutein 12 mg/ngày; trong khi, Việt Nam chưa có các khuyến nghị về khẩu phần ăn đối với lutein.

leftcenterrightdel
 Lutein

Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh đục thủy tinh thể là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây cận thị và mù lòa, tỷ lệ bệnh của người trẻ có xu hướng tăng lên do tác động của lối sống chủ quan và tiếp xúc thời gian dài với các thiết bị điện tử, thiếu ý thức chăm sóc mắt. Tại Việt Nam tình trạng cận thị xảy ra với mọi lứa tuổi đặc biệt ở trẻ em. Vì vậy nhu cầu về lutein đối với con người càng quan trọng hơn, tuy nhiên việc sử dụng nguồn thực phẩm từ rau xanh hay các nguồn thực phẩm khác có chứa lutein còn dựa trên thói quen, các khẩu phần ăn chưa được tính toán để đảm bảo cung cấp lutein cho cơ thể người.

Được sự hỗ trợ của các chuyên gia tại Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, công ty Shimadzu (trụ sở tại Singapore) trong việc phân tích và đánh giá hàm lượng lutein trong rau theo tiêu chuẩn Nhật Bản (JAS), Khoa Công nghệ thực phẩm, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam đã hoàn thiện quy trình phân tích hàm lượng lutein trong rau và bước đầu đánh giá hàm lượng lutein trong một số loại rau và hoa trong một số nghiên cứu.

2. Một số loại rau giàu lutein

leftcenterrightdel
 Cải bó xôi

+ Rau chân vịt (Spinacia oleracea) đây là loại rau được người Nhật Bản ưa chuộng và được sử dụng trong khẩu phần ăn.

Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hàm lượng lutein trong rau chân vịt tươi (tính theo phần ăn được) trồng bằng phương pháp thủy khí canh có hàm lượng lutein 16,5 mg/100g sau 45 ngày trồng; sau quá trình nấu (2 phút) hàm lượng lutein còn 14,5 mg/100 g (rau nấu).

+ Rau mồng tơi (Basella alba) là loại rau được sử dụng phổ biến trong khẩu phần ăn của người Việt.

Hàm lượng lutein trong rau mồng tơi tươi trồng trên hệ thống thủy canh hữu cơ đạt 11,3mg/100g (tính theo phần ăn được) sau 33 ngày trồng.

+ Rau muống (Ipomoea aqua tica) là loại rau rất phổ thông và rất được ưa chuộng tại Việt Nam.

Hàm lượng lutein trong rau muống đạt 15,5mg/100g (tính theo phần ăn được) sau 46 ngày trồng.

+ Cải xoăn (Brassica oleracea)

Sau 90 ngày trồng trọt, hàm lượng lutein trong cải xoăn đạt 34,4mg/100g (tính theo phần ăn được).

+ Rau sam (Portulaca oleracea) là loại rau có thể dùng tươi hoặc luộc, nấu.

leftcenterrightdel
Rau sam 

Hàm lượng lutein của rau sam đạt tới 34 mg/100g (tính theo phần ăn được).

+ Dền cơm (Amaranthus viridis)

leftcenterrightdel
Rau dền cơm 

Hàm lượng lutein của dền cơm đạt khoảng 24-25 mg/100g (tính theo phần ăn được).

Đối với người Việt, có thể xây dựng khẩu phần ăn cung cấp lutein bằng cách sử dụng các loại rau khác nhau phù hợp với bữa ăn.

Sản phầm giàu lutein hỗ trợ mắt

Trên thế giới, có rất nhiều sản phẩm giàu lutein hỗ trợ cho các bệnh về mắt được chiết xuất từ một số loại hoa, rau (do vấn đề bản quyền hình ảnh, bài giới thiệu này không đưa hình ảnh sản phẩm) nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm lutein có nguồn gốc từ thực vật.

Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, những nghiên cứu ban đầu về việc chiết xuất và khả năng tạo viên nang giàu lutein từ một số loại hoa đã cho thấy tiềm năng phát triển sản phẩm giàu lutein hỗ trợ sức khỏe mắt.

Để hiểu rõ hơn về vai trò cũng như hàm lượng lutein trong một số loại rau, quý vị có thể liên hệ và trao đổi với tác giả bài viết.

 

TS. Hoàng Hải Hà - Khoa Công nghệ Thực phẩm